Nếu bạn ly hôn hoặc làm người đến sau

08/10/2015 - 10:01
Đến lúc tóc bạc, răng long vẫn chung sống, vẫn “anh anh, em em” ngọt xớt là ước mơ của mọi đôi lứa. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được diễm phúc ấy.

Có người tân hôn chưa kịp “quen hơi” đã đường ai nấy đi; có người mới sinh con đầu lòng chưa lâu đã ký giấy ly hôn; có người chung sống hàng chục năm, tưởng mãi mãi một nhà, nào ngờ lại “tan đàn xẻ nghé”…

Chuyện đổ vỡ trong hôn nhân vốn xưa như trái đất. Mà nghĩ cho cùng, đó cũng là lẽ tự nhiên trong đời sống con người. Khi đã không thể mắt nhìn mắt, trao cho nhau những câu nói dịu dàng, thân mật mà hễ mở miệng ra là chì chiết, “gấu ó” thì chung sống chỉ làm khổ nhau. Con người ta sống trong đời chỉ chết 1 lần, nhưng nếu hôn nhân không hạnh phúc mà phải cứ chịu đựng thì chẳng khác gì chết nhiều lần.

 Không phải cha mẹ nào cũng biết cách ứng xử đúng mực với con cái sau ly hôn (Ảnh minh họa)

Thế hệ trước do áp lực từ nhiều phía, kể cả sợ “dư luận xã hội” nên nhiều người đành cắn răng cam chịu. Bây giờ thì khác. Nhiều người trẻ đã mạnh dạn chia tay và làm lại cuộc đời. Họ có quan niệm rạch ròi, sống là đem lại niềm vui cho nhau, bằng không chẳng tội tình gì phải kéo dài tháng ngày u ám... Tuy nhiên, điều cần nói vẫn là cách ứng xử thế nào với con cái cho phải?

Nhiều người phụ nữ do quá uất ức, oán ghét chồng cũ nên không ngừng gieo vào đầu con hình ảnh một ông bố “không ra gì”. Hễ con nhớ bố, vừa nhắc đến, ngay lập tức người mẹ đã tuôn xa xả những lời chì chiết. Việc này lặp lại, chẳng khác gì “mưa dầm thấm lâu”.

Đàn ông cũng không khá hơn. Đến bây giờ, anh bạn tôi vẫn còn ân hận về cách ứng xử của mình. Ngày ấy chia tay vợ, tòa án cho anh được quyền nuôi con. Anh tìm mọi cách ngăn cấm mọi cuộc tiếp xúc giữa con với mẹ. Không những thế, anh còn tô vẽ trong trí óc non nớt của con các thói xấu của mẹ nó. Nào là đổ riệt lỗi cho “người đàn bà lăng loàn, trắc nết, mê trai nên bỏ bố con mình”… Dần dà khi lớn lên, cháu đâm ra cảnh giác và xem thường phái nữ. Suy nghĩ lệch lạc ấy ít nhiều ảnh hưởng đến giới tính, bằng chứng dù đã ngoài 30 mà mỗi lần thúc giục cưới vợ, y như rằng cháu lại bảo: “Bố chịu đựng một mình chưa đủ sao lại xúi con đi vào vết xe đổ?”. Sau này, khi vết thương lòng đã nguôi ngoai, anh bảo con lui tới thăm mẹ nằm viện lúc ốm đau, nhưng cháu cũng chẳng hào hứng gì mấy hoặc chỉ thực hiện miễn cưỡng.

Con trẻ là kết quả hôn nhân của người lớn, chúng chẳng có tội tình gì. Vì thế, đừng lôi đứa trẻ vào cuộc, buột phải là “đồng minh” đứng về phía mình, để rồi nó sẽ có thái độ không đúng về đấng sinh thành. Thử hỏi, trong lúc bạn bè cùng trang lứa đều có bố/mẹ để tự hào, đứa trẻ ấy lại không. Nỗi bất hạnh này thuộc về ai? Nếu ngày ấy, bố/mẹ biết cách ứng xử khéo léo, có lý có tình, mọi việc đã khác. Ít ra, dù cha mẹ không thể “trăm năm hạnh phúc” nhưng con cái vẫn không tổn thương tình cảm, gánh chịu thêm những thiệt thòi khác.

Chia tay xong, se duyên mới là chuyện thường tình. Anh bạn tôi đã “rổ rá cạp lại” với người bạn học cũ. Trước kia 2 người yêu nhau nhưng không lấy được nhau, nay có cơ hội thuận lợi nên họ nhanh chóng gật đầu cái rụp! Anh đã sống nhưng ngày cực kỳ hạnh phúc, nhưng rồi… Những gì liên quan đến vợ cũ, từ hình ảnh lưu niệm, vật dụng mua sắm trong nhà… cô vợ mới đều tìm mọi cách “thanh lý” cho bằng hết. Đôi lúc, anh gọi điện thoại cho vợ cũ hỏi thăm việc học hành của con thì vợ hiện tại quát luôn: “Bộ anh còn nhớ đến “người xưa” lắm hả? Còn nhớ, sao lại cưới tôi? Tình cũ không rủ cũng tới chứ gì?”. Rồi cô ôm mặt khóc hu hu khiến anh lòng dạ rối bời.

Trong trường hợp này, khôn ngoan, tế nhị nhất là đừng can thiệp vào “chuyện cũ” của “người ta”. Chẳng hạn, chồng/vợ cũ bàn thảo phân chia tài sản phải giải quyết dứt khoát thế nào, cho con cái học trường nào, hướng nghiệp nó ra sao… là chuyện riêng của họ. Chi bằng mình im lặng vẫn hơn.

Đâu phải ai cũng hiểu điều đó. Cô vợ mới lại còn lục tung điện thoại của chồng để tìm tin nhắn, kiểm các cuộc gọi rồi truy vấn anh và vợ cũ trao đổi những gì? Ban đầu anh tự an ủi, có yêu thì mới ghen nhưng đến lúc cô cấm luôn cả việc anh thăm con, dù chỉ gọi điện thoại, thì không thể chịu nổi nữa.

Rõ ràng, chia tay nhau là phải giải quyết một một “bài toán khó”. Tuy nhiên, “bài toán” này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu người trong cuộc luôn tự ý thức: Hết tình còn nghĩa. Bên cạnh đó, “người đến sau” cũng nhớ cho rằng, hãy nhẹ nhàng với những gì “người trước” để lại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm