Nét mộc mạc cổ điển của bài hát được dẫn dắt vào tâm hồn người nghe một cách đắm say đầy nghệ sĩ và quyến rũ hiếm thấy.
Trong mật ngọt của tình yêu, người đàn ông vẫn hoang mang 'trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt', giả thuyết: 'Nếu không có em trong đời' làm trái tim anh nhói đau. Khi yêu, dù chỉ là một ý nghĩ mất mát dại dột cũng khiến con người ta cảm giác khó chịu đựng nổi. Những lời hát của ca khúc cháy lên, bay lên trời những cánh tro buồn bã, mủi lòng. Không hiểu vì sao mỗi khi giai điệu mộc mạc, phiêu bồng ấy cất lên, tôi vẫn đinh ninh rằng người đàn ông đang thì thầm những lời tình chói chang ấy không còn có được tình yêu để đánh mất. Bởi thế: 'Anh còn sống để làm gì', 'Anh sẽ sống vì ai?', 'Anh chỉ là một gã thừa thãi'...
Bất chấp những lời thị phi cho rằng Joe Dassin chưa đủ tầm vóc để đại diện cho trường phái hiện thực lãng mạn của Pháp có từ những năm 1950, người ta vẫn say mê lắng nghe ông và rơi nước mắt nhiều lần khi Et si tu n’existais pas cất lên, dù nhiều người vẫn đang sống trong men say tình yêu. Sự say mê ấy không cần bất cứ một lý do học thuật nào giải thích, giống như việc Joe Dassin chọn sống cuộc đời lưu vong, không một chút điệu bộ trên sân khấu nhạc tình.
Nghe Et si tu n’existais pas, nhắm mắt và tưởng nhớ đến phong cách biểu diễn nhẹ nhàng, lãng tử, vẻ đẹp lai đầy sức hút, khẩu hình run rẩy, gợi nhớ khi hát của Joe Dassin. Có lần, tôi đã thấy đâu đó trong thành phố về khuya, một người lặng lẽ ngồi khóc trong xe, vây quanh là điệp âm: 'Et Si Tu N’existais...' chung tình, khôn nguôi...
Đã bao lâu rồi mới lại nghe Et si tu n’existais pas, mới biết rằng bài tình ca này không chỉ dành cho khung trời của ngày xưa...
Et si tu n’existais pas là ca khúc tiếng Pháp lừng danh của nhạc sĩ người Ý Toto Cutugno. Ca sĩ thể hiện thành công nhất ca khúc này là Joe Dassin – ca sĩ người Mỹ, gốc Nga. Bài hát đã được nhiều người Việt Nam biết đến và yêu thích từ những năm 80 của thế kỷ trước. Nhiều ca sĩ người Việt đã ghi dấu ấn với ca khúc này như Ngọc Lan, Trần Thái Hòa, Trúc Lam - Trúc Linh...