pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nếu quan tâm, đầu tư đúng cho phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài thì chị em sẽ đóng góp nhiều hơn
Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương
Hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài
Tham luận cho biết: "Ước tính hiện có khoảng hơn 2 triệu phụ nữ Việt Nam đang sinh sống, làm iệc, học tập tại khoảng 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. PNVNONN ngày càng đóng vai trò quan trọng, góp phần phát huy sức mạnh đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, bảo tồn văn hóa, truyền thống dân tộc, hội nhập và là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam với nước sở tại.
Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW, Hội đã tuyên truyền, kết nối, cung cấp thông tin đối với PNVNONN. Hội chỉ đạo Báo Phụ nữ Việt Nam xây dựng trang thông tin điện tử PNVNONN (pnvnnuocngoai.vn) vận hành từ tháng 3/2015 với lượng tin bài và lượt truy cập ngày càng tăng. Năm 2019 có 5.674 bài đăng với hơn 300.000 lượt truy cập…
Hội cũng tư vấn, hướng dẫn việc thành lập, tổ chức đại hội, hoạt động của tổ chức PNVNONN ở một số nước. Hội động viên chị em đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; duy trì tiếng Việt trong gia đình và cộng đồng; chấp hành luật pháp, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng sở tại đồng thời hướng về quê hương đất nước.
Hội phối hợp đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi PNVNONN trong các giao dịch có yếu tố nước ngoài. Hội phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và đối tác nước ngoài để xác minh thông tin và xử lý vụ việc một số lao động nữ Việt Nam bị ngược đãi, bạo hành ở Ả rập Xê-út.
Trong lĩnh vực hôn nhân quốc tế, Hội hướng dẫn hoạt động của các trung tâm tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Hội ký kết thỏa thuận với Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc (MOGEF) nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ hai nước, đặc biệt là lành mạnh hóa hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Nhiều trường hợp phụ nữ Việt Nam bị vi phạm quyền và lợi ích được báo chí phản ánh, Hội đều liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại và MOGEF để hỗ trợ bảo vệ quyền lợi chị em.
Hội tích cực tham gia các diễn đàn về công tác NVNONN; tham gia góp ý xây dựng, đề xuất chính sách. Ngoài ra, Hội cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng như Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao để chuẩn bị cho các cuộc làm việc, đàm phán liên quan đến bảo hộ công dân".
Giải pháp của Hội LHPN Việt Nam trong công tác PNVNONN thời gian tới
Tham luận đề cập đến nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PNVNONN thời gian tới, đặc biệt là Hội sẽ thực hiện vai trò cầu nối giữa PNVNONN với trong nước, phát huy vai trò của PNVNONN tham gia xây dựng quê hương đất nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối doanh nhân và trí thức nữ trong và ngoài nước, kết nối các tổ chức PNVNONN để đóng góp cho phong trào phụ nữ trong nước.
Tham luận nêu: "Ở trong nước, thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục định hướng cho phụ nữ di cư lao động và kết hôn quốc tế trước khi xuất cảnh. Nâng cao chất lượng các trung tâm tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, bộ ngành hữu quan trong nước và các đối tác quốc tế và khu vực trong các công tác PNVNONN. Tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến NVNONN".
Tham luận nêu lên những kiến nghị:
- Đề nghị Ủy ban NVNONN quan tâm kết nối giữa trang quehuongonline.vn với trang PNVNONN pnvnnuocngoai.vn để tăng hiệu quả truyền thông. Bên cạnh đó, quan tâm thiết kế nội dung về PNVNONN trong các hoạt động về NVNONN dưới hình thức như hội nghị, hội thảo chuyên đề, gặp gỡ nhân dịp kiều bào về dự Xuân quê hương hàng năm. Mặt khác, cần quan tâm cơ cấu nữ trong Ban lãnh đạo của các tổ chức cộng đồng, tăng tỷ lệ nữ trong đoàn đại biểu NVNONN tham dự các hoạt động trong nước.
- Bộ Ngoại giao chỉ đạo nâng cao vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu NVNONN, trong đó có PNVNONN. Bên cạnh đó, thường xuyên nắm tình hình và cung cấp thông tin về PNVNONN; phối hợp với Hội hướng dẫn, gợi ý các bước thành lập tổ chức PNVNONN ở những nơi có nhu cầu, đủ điều kiện và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của các tổ chức PNVNONN.
- Nghiên cứu thí điểm sáng kiến Giao lưu PNVNONN về thăm quê hương do Hội đầu mối triển khai, phối hợp với Ủy ban NVNONN và các địa phương trên cơ sở chia sẻ chi phí của kiều bào và trong nước: Kết hợp mục đích du lịch, tham quan địa danh lịch sử, Bảo tàng Phụ nữ, trải nghiệm văn hóa, thăm mô hình hoạt động Hội, hoạt động thiện nguyện nhằm tăng sự gắn kết với trong nước và gia tăng ý nghĩa của chuyến đi.
- Nghiên cứu có cơ chế thí điểm việc luân chuyển cán bộ Hội LHPN VN làm công tác cộng đồng tại các cơ quan đại diện ở những địa bàn có đông phụ nữ xuất khẩu lao động hoặc cô dâu Việt (như Hàn Quốc, Đài Loan) để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ về quyền nhân thân và pháp lý.
- Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại TW sớm có chỉ đạo thống nhất về chủ trương nghiên cứu thí điểm công nhận các chi hội người Việt Nam ở nước ngoài là thành viên của một số tổ chức trong đó có Hội theo tinh thần Chỉ thị 45-CT/TW.
- Quan tâm đầu tư về cơ chế, nguồn lực tài chính, con người và tăng cường nhận thức, kỹ năng trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan về vấn đề về bảo hộ công dân trong bối cảnh hội nhập, xu hướng di cư gia tăng... Nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo, giáo dục định hướng và cung cấp thông tin về địa bàn sở tại cho người di cư trước khi xuất cảnh… Đây là những biện pháp bảo hộ tích cực, bảo hộ từ xa.
- Tiếp tục đẩy nhanh việc đàm phán và ký kết các hiệp định tương trợ hoặc văn kiện hợp tác tư pháp về hình sự, thương mại, dân sự và hôn nhân gia đình với các nước và vùng lãnh thổ có liên quan để đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của công dân cũng như việc trợ giúp các công dân, trong đó có phụ nữ khi gặp khó khăn, hoạn nạn ở nước ngoài.
- Quan tâm lồng ghép giới trong các chính sách di cư nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm di cư dễ bị tổn thương này.
Phó Chủ tịch Ái Nhiên khẳng định: "Nếu quan tâm, đầu tư đúng cho PNVNONN thì chị em sẽ đóng góp nhiều hơn".