Nếu sở hữu những suy nghĩ này thì bạn đã trở thành nhân viên "không có tiền đồ" trong mắt sếp

Old Fashioned
30/05/2020 - 07:44
Nếu sở hữu những suy nghĩ này thì bạn đã trở thành nhân viên "không có tiền đồ" trong mắt sếp
Bạn muốn trở thành một nhân viên ưu tú nhưng với những suy nghĩ hiện tại như dưới đây, kết quả tương lai mà bạn tạo ra hoàn toàn khác đi là chuyện bình thường.

Bước chân vào con đường sự nghiệp bằng cách dấn thân vào một môi trường làm việc nào đó, hầu như người trẻ nào cũng muốn và phấn đấu để trở thành nhân viên ưu tú, tạo ra giá trị cho công ty và được sếp hết lòng nâng đỡ.

Tuy nhiên, giữa “muốn” và những hành động thực tế luôn cách xa nhau, thậm chí đôi khi còn không trùng khớp. Bạn muốn như thế nhưng với suy nghĩ hiện tại, kết quả tương lai bạn tạo ra hoàn toàn khác đi là chuyện vô cùng bình thường.

Nếu sở hữu những suy nghĩ này thì chúc mừng, bạn đã trở thành nhân viên... "không có tiền đồ" trong mắt sếp - Ảnh 1.

Cho nên, để không trở thành một nhân vật “chẳng có tí tiền đồ nào” trong mắt sếp, ban lãnh đạo công ty, nghĩ đúng, làm đúng để đi đúng hướng là vô cùng quan trọng. Và để làm được điều đó, trước tiên dân công sở trẻ cần phải loại bỏ ngay những suy nghĩ dưới đây đi:

“Không ai hướng dẫn, sao tôi làm việc được?”

Ma mới bước chân vào một môi trường làm việc nào đó thường chuẩn bị cho mình tâm lý được “cầm tay chỉ việc”, được thúc giục rồi mới chịu làm. Nếu không có ai hướng dẫn, họ ngồi lì như một khúc gỗ trôi sông, muốn trôi đâu thì trôi.

Thôi ngay suy nghĩ ấy đi, đã đi làm, ai cũng có những nhiệm vụ riêng cần phải xử lý mỗi ngày, chẳng có thời gian đâu suốt ngày kè kè bên người mới mà “chỉ giáo”, giúp đỡ, cho nên thay vì đợi người giúp chi bằng tự giúp mình bằng cách chủ động tìm hiểu, chủ động học hỏi. Việc gì khó, sếp hoặc đồng nghiệp chỉ có thể giúp bạn 2 phần, 8 phần còn lại phụ thuộc vào chính bạn.

Nếu sở hữu những suy nghĩ này thì chúc mừng, bạn đã trở thành nhân viên... "không có tiền đồ" trong mắt sếp - Ảnh 2.

“Cái này không hiểu, phải đi hỏi ngay”

Chủ động học hỏi như đã nói ở trên là điều đáng quý của bất kỳ dân công sở nào, tuy nhiên, chủ động cũng có mức độ, đừng cứ hễ việc gì vào tay, nhìn sơ không hiểu đã vội tìm người giúp ngay. Như vậy rốt cuộc, việc của bạn hay là việc của người khác? Đừng đánh mất trách nhiệm của mình bằng hành động ôm việc đi hỏi khi chưa thực sự nỗ lực.

Hãy nỗ lực hết mình như thời trên ghế nhà trường phải giải một bài toán khó, áp dụng mọi cách, mọi công thức để đi tìm đáp án. Mãi đến khi nào thật sự cảm thấy bản thân không có khả năng giải quyết mới nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Có như vậy, bạn mới phát triển được bản thân.

Nếu sở hữu những suy nghĩ này thì chúc mừng, bạn đã trở thành nhân viên... "không có tiền đồ" trong mắt sếp - Ảnh 3.

“Cố gắng hết mình thôi, kết quả chẳng quan trọng”

Thật ra, trong môi trường công sở, sếp chẳng thể nào kiểm soát được hết quá trình làm việc của nhân viên để xem nhân viên đã cố gắng hết sức hay chưa, thay vào đó, sếp chỉ nhìn vào kết quả mà đánh giá. Có thể nói, trong mắt sếp, kết quả bạn làm ra chính là thứ phản ánh năng lực của bạn rõ nét nhất.

Vì vậy, đừng cho rằng, mình trẻ tuổi, thời gian còn dài, ngày mai tươi sáng, thời điểm này chỉ cần nỗ lực chứng minh nhiệt huyết thôi, còn lại kết quả ra sao thì ra. Nếu giao 10 việc mà hết 8 việc bạn làm ra kết quả thật tệ hại thì dù bạn đã cố gắng trăm nghìn lần trước đó vẫn bị sếp cho là “không có tiền đồ” mà thôi.

Nỗ lực quan trọng nhưng kết quả cũng quan trọng không kém, hãy nỗ lực làm sao để việc mình làm nhận được hai chữ “hài lòng” từ sếp nhé!

Nếu sở hữu những suy nghĩ này thì chúc mừng, bạn đã trở thành nhân viên... "không có tiền đồ" trong mắt sếp - Ảnh 4.

“Việc gì được giao trước thì làm trước, việc gì được giao sau thì làm sau”

Một ngày đi làm, mỗi dân công sở phải xử lý rất nhiều đầu việc khác nhau, tuy nhiên thật đáng tiếc nếu bạn xử lý các đầu việc như một cỗ máy theo trình tự trước sau. Việc nào giao trước làm trước, việc nào giao sau làm sau.

Quá trình máy móc khô khan ấy chỉ tổ khiến bạn hình thành thói quen làm việc không đem lại năng suất cao, thậm chí còn bị đánh giá là người thiếu linh động, thiếu sự thông minh. Người thông minh sẽ không bao giờ làm việc theo trình tự được giao mà luôn đánh giá mức độ quan trọng của công việc trước khi quyết định ưu tiên việc nào làm trước việc nào làm sau.

Có như thế, năng suất làm việc của bạn sẽ được cải thiện đáng kể, thời gian tiết kiệm được kha khá và còn được sếp vô cùng trọng dụng, yên tâm khi giao việc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm