Ngạc nhiên khi nhiều bài hát phổ biến rộng rãi lại chưa được cấp phép

12/04/2017 - 08:31
Không chỉ 4 bài hát trong Đêm nhạc 'Nối vòng tay lớn' sắp tới chưa được cấp phép, theo đại diện của gia đình cố NS Trịnh Công Sơn: Trong danh mục bài hát trước 1975 được phép phổ biến mà Cục NTBD công bố, có rất ít bài hát của Trịnh được cấp phép.
be89ae8f13cb396cf3ad1f20355b5ea7.gif
Ca khúc 'Nối vòng tay lớn' trở thành thông điệp biểu thị sự đoàn kết trong các sự kiện, hoạt động âm nhạc của nhiều tổ chức, đơn vị

Lý giải về các bài hát: Ca dao mẹ, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ, đặc biệt là về bài hát Nối vòng tay lớn đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam và được biểu diễn trong nhiều chương trình, nhiều nơi, trên sóng phát thanh truyền hình quốc gia nhưng vẫn chưa được cấp phép, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), cho biết: “Từ xưa đến nay chưa có đơn vị nào đứng ra xin cấp phép phổ biến bài hát Nối vòng tay lớn. Vì vậy chúng tôi không thể cấp phép được vì cần phải có đối tượng xin cấp phép. Đó là theo quy định của pháp luật.

Trường ĐH Y Dược Huế đã gửi hồ sơ ra Cục NTBD và cơ quan quản lý Nhà nước đang hướng dẫn trường hoàn thiện hồ sơ cho đủ theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đơn giản vậy thôi chứ không có vấn đề gì cả”.

Tuy nhiên, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - cho biết: "Trong từng chương trình biểu diễn tại các địa phương, gia đình hoặc các đơn vị tổ chức luôn xin phép theo quy định. Tuy danh mục các bài hát trước 1975 được phép phổ biến do Cục NTBD công bố (tổng số 2.586 bài), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có 70 bài được phép biểu diễn nhưng trên thực tế những ca khúc đã được các Sở Văn hóa địa phương cấp phép trình diễn cũng lên đến khoảng 200 bài”.

Như vậy đồng nghĩa với việc khoảng 130 bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù đã được các Sở Văn hóa địa phương cấp phép biểu diễn nhưng chưa được Cục NTBD cấp phép thì sẽ phải tiếp tục xin phép biểu diễn lại ở những nơi chưa từng xin phép.

Để tránh việc vất vả phải xin hát các ca khúc nêu trên, gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mong muốn, Cục NTBD nên cập nhật danh sách các bài đã được các Sở Văn hóa khắp cả nước cho phép biểu diễn, lưu hành thay vì phải làm thủ tục xin phép một lần nữa.  

Không chỉ 4 ca khúc Nối vòng tay lớn, Ca dao mẹ, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ của người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh chưa được Cục NTBD cấp phép gây bất ngờ dư luận mà mới đây việc cấm, tạm dừng rồi lại xem xét, cấm dị bản ca khúc “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến và 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975, trong đó có ca khúc “Con đường xưa em đi” của nhạc sĩ Châu Kỳ - Hồ Đình Phương, đã làm công chúng băn khoăn, một lần nữa gióng lên hồi chuông về tính thống nhất, sự phức tạp và rắc rối trong công tác quản lý, cấp phép hoạt động biểu diễn.

tcs-1.JPG
Những ca khúc nhạc Trịnh luôn thu hút đông đảo người nghe

Chưa kể, theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, người từng gắn bó với công tác xuất bản âm nhạc, ngoài hơn 2.500 bài hát sáng tác trước năm 1975 đã được Cục NTBD cấp phép còn rất nhiều bài hát đã được phổ biến trong dân gian, trở lên quen thuộc với nhiều người nhưng chưa được cấp phép. Đây cũng là một trở ngại lớn đối với những tổ chức, cá nhân, đơn vị muốn thể hiện các bài hát này.

Trong thời điểm hiện tại, để thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động biểu diễn, nếu trong chương trình có những bài hát, đặc biệt là những bài hát được sáng tác trước năm 1975, đã trở lên phổ biến, có nội dung tư tưởng lành mạnh nhưng chưa được cấp phép, các tổ chức, cá nhân cần làm các thủ tục để xin cấp phép. Thủ tục gồm có: Công văn xin phổ biến ca khúc kèm theo bản nhạc gốc, đơn nguyện vọng của nhạc sĩ xin phổ biến ca khúc… Nếu nhạc sĩ đang định cư ở nước ngoài có thêm thư giới thiệu của Đại sứ quán Việt Nam hoặc Lãnh sự quán Việt Nam tại nước sở tại.

Những điều đó được thể hiện trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm