Thời gian vừa qua, dư luận rất nhức nhối với nạn “tín dụng đen” vì đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có những vụ việc rất nghiêm trọng. Ông nhận xét thế nào về thực trạng “tín dụng đen” hiện nay?
Ngay cạnh Việt Nam, hiện nay Trung Quốc và một số quốc gia châu Á cũng đang đau đầu với “tín dụng đen”. Dĩ nhiên, “tín dụng đen” cũng có hai mặt. Một mặt, nó là kênh bổ sung cho các kênh tài chính truyền thống như ngân hàng và công ty tài chính khi không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của thị trường, nhưng mặt khác “tín dụng đen” cũng xảy ra rất nhiều tiêu cực. Nhiều cá nhân, tổ chức “tín dụng đen” lợi dụng nhu cầu người vay để chiếm đoạt tài sản và có những biện pháp thu hồi nợ rất vô nhân đạo và vi phạm pháp luật.
Việt Nam hiện nay có hơn 90 triệu người với tỷ lệ dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng tăng cao cho thấy tài chính tiêu dùng ở Việt Nam là thị trường có tiềm năng rất lớn. Do vậy, cũng dễ hiểu khi xu hướng thành lập công ty tài chính (CTTC) được đẩy mạnh trong những năm qua và đặc biệt là làn sóng thâu tóm CTTC từ các ngân hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những kênh tài chính truyền thống thì đây cũng là cơ hội cho các tổ chức “tín dụng đen” ra đời và hoạt động.
Hiện nay, thu nhập bình quân của người Việt Nam rất thấp, chỉ có 2.580USD/người/năm khi chia tổng GDP trên đầu người. Với mức thu nhập bình quân như vậy trong một xã hội đang càng ngày càng phát triển thì nhu cầu tài chính càng ngày càng lớn và nhiều người phải đi vay tiêu dùng để chi phí cho sinh hoạt.
Điều này cũng là bình thường, nó cũng phản ánh đúng với thực trạng hiện nay, tức là có “cầu” thì sẽ có “cung”. Không riêng gì Việt Nam, ngay cả các nước phát triển thì người ta vẫn vay để tiêu dùng và sau đó dùng thu nhập trong tương lai để trả nợ theo hình thức trả góp. Do đó, không chỉ hiện tại mà trong tương lai, vay tiêu dùng sẽ càng ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý ở đây đó là làm sao phải phát triển được kênh cho vay tài chính chính thống và từng bước kiểm soát, ngăn chặn “tín dụng đen” vì biến tướng. Nhiều người có nhu cầu, muốn vay ngân hàng hoặc các công ty tài chính, song những đơn vị này thường yêu cầu điều kiện đi kèm là bắt buộc người vay phải chứng minh được các khoản thu nhập hoặc tài sản để trả nợ, nếu không chứng minh được nguồn trả nợ và không có sự bảo lãnh hay tài sản thế chấp thì thường rất khó có thể vay tiền. Do đó, với những người có nhu cầu vay tiền nhưng không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng thì bắt buộc họ phải tìm đến kênh “tín dụng đen”.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc nguồn “cung” tài chính không đủ đáp ứng cho “cầu”, thì “tín dụng đen” phát triển mạnh là bởi hệ thống pháp luật của Việt Nam quy định về vấn đề này vẫn còn nhiều kẽ hở?
Hiện nay, việc cho vay nếu được thực hiện bởi các ngân hàng và các công ty tài chính thì đã có Luật Tổ chức tín dụng quy định và điều chỉnh, nó mang tính chính thức và rất chặt chẽ. Nhưng “tín dụng đen” lại là các giao dịch dân sự, việc cá nhân, tổ chức cho nhau vay tiền nó lại thuộc về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, trong khi Bộ luật Dân sự lại không không có quy định chặt chẽ về việc này. Cụ thể, trách nhiệm và bổn phận của người đi vay và người cho vay như thế nào, lãi suất và phương thức trả nợ ra sao, vấn đề pháp lý liên quan đến cho vay,… hiện nay trong luật vẫn còn bỏ ngỏ.
Bên cạnh Bộ luật Dân sự, trong Luật Hình sự cũng có nhiều điều khoản chưa chặt chẽ. Ví dụ như Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định tội cho vay lãi nặng đến nay đã tỏ ra không còn phù hợp. Điều luật quy định: “Người nào cho vay với lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phải cải tạo không giam giữ đến một năm”, như vậy là chế tài chưa đủ mạnh.
Thực tế, hoạt động của các tổ chức “tín dụng đen” hiện nay diễn biến phức tạp hơn nhiều. Sự hoạt động của “tín dụng đen” đã đến mức độ báo động đỏ, tiền lãi tính phần trăm có thể lên đến hàng trăm phần trăm hoặc hàng nghìn phần trăm mỗi năm. Mức lãi cắt cổ này dẫn đến tình trạng nhiều người vay bị vỡ nợ, phá sản, mất khả năng thanh toán, tạo ra sự bất ổn của xã hội cũng như của thị trường tài chính nói chung.
Ngân hàng Nhà nước đang rất mạnh tay trong việc chấn chỉnh “tín dụng đen”, ngoài tác động về xã hội, đối với ngành ngân hàng, “tín dụng đen” tác động xấu như thế nào, thưa ông?
“Tín dụng đen” sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng ở mức độ gián tiếp. Cụ thể, nếu những người vỡ nợ vì “tín dụng đen” mà trước đó đã từng có có giao dịch vay tiền với ngân hàng thì rất có thể khoản nợ của họ ngân hàng sẽ khó có thể thu hồi được, dễ bị rơi vào nợ xấu. Nên “tín dụng đen” tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro rất cao đối với hoạt động của các ngân hàng và làm méo mó thị trường tài chính.
Hiện nay, bên cạnh việc thiếu các quy định cụ thể trong luật thì Việt Nam đang thiếu và yếu về cơ chế thực thi pháp luật đối với “tín dụng đen”. Để kiểm soát, ngăn chặn “tín dụng đen”, cần phải có sự chung tay của nhiều cơ quan chức năng chứ không chỉ riêng ngành ngân hàng.
Phía Ngân hàng Nhà nước đang tích cực tiếp tục thực hiện tái cơ cấu hệ thống theo Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân, doanh nghiệp, xây dựng ban hành đề án phát triển tín dụng quỹ tín dụng nhân dân, tín dụng cho cá nhân, hộ gia đình nông nghiệp. Tuy nhiên, về chính sách, sắp tới có lẽ chúng ta vẫn phải sửa đổi bổ sung thêm các cơ sở pháp lý, đặc biệt là hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan bộ ngành.
Được biết, trước khi về Việt Nam, ông là chuyên gia đã có kinh nghiệm hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Mỹ. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của nước ngoài trong việc ngăn chặn, kiểm soát “tín dụng đen”?
Ở Mỹ, những cá nhân khi cho nhau vay tiền mà một bên vay mất khả năng trả nợ hoặc bên cho vay sử dụng các biện pháp không đạo đức để thu hồi nợ thì người bị thiệt hại có quyền kiện ra tòa. Những vụ kiện này được tòa án ở Mỹ xử lý rất nhanh chóng. Mỹ có những phiên tòa dành riêng cho những giao dịch tài chính mà món nợ nhỏ. Những phiên tòa này không có luật sư, khi ra tòa thì hai bên sẽ tranh cãi với nhau và sau đó thẩm phán sẽ phán quyết. Chính vì thế mà “tín dụng đen” ở Mỹ được hạn chế rất nhiều. Mô hình tòa án xét xử “tín dụng đen” của Mỹ cũng là một ví dụ đáng để chúng ta tham khảo.
Ở Việt Nam, rất nhiều người bị hại bởi những nhóm xã hội đen, nhóm “tín dụng đen” cho vay với mức lãi suất “cắt cổ”, có khi chỉ vay vài chục triệu đồng nhưng trả lãi phạt mà sau nhiều năm vẫn còn nguyên nợ gốc. Những trường hợp này ở Việt Nam hầu như chưa có ai đưa ra tòa. Thậm chí, nếu ra tòa thì tòa án ở Việt Nam xử lý cũng rất chậm chạp.
Do đó, ban hành các điều khoản luật để kiện toàn hành lang pháp lý là điều kiện cần. Song, điều kiện đủ là vấn đề thực thi chính sách pháp luật như thế nào, đây mới là điều quan trọng. Hiện nay, cơ chế thực thi chính sách pháp luật của Việt Nam vẫn còn yếu, do đó vấn đề kiểm soát và ngăn chặn “tín dụng đen” sẽ càng khó khăn hơn khi mà chính sách ban hành nhưng cơ chế thực thi lại rất yếu.
Xin trân trọng cảm ơn ông!