Ngăn con gái tuổi teen không nghĩ quẩn làm liều

22/02/2017 - 16:54
Vụ việc nữ sinh lớp 7 tại Nam Định mới đây tự tử vì chuyện tình cảm khiến nhiều phụ huynh không khỏi giật mình hoang mang. Theo chuyên gia tâm lý, với con gái ở tuổi 'nổi loạn', cha mẹ không nên chủ quan khi phát hiện con có biểu hiện bất thường.

Những dấu hiệu bất thường

Cho rằng chuyện nữ sinh tự tử không còn là chuyện hiếm, tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh nhấn mạnh, cha mẹ đừng cho là chuyện đùa khi bỗng nhiên con nói đến cái chết. Rất có thể, ý tưởng về cái chết càng ngày càng lớn hơn khiến đứa trẻ thậm chí nghĩ tới nó một thời gian dài. Cái cớ để thực hiện hành vi tự tử như giọt nước tràn ly chứ không phải là quyết định trong tích tắc.

 Thư tuyệt mệnh của một nữ sinh ở Bình Phước từng gây xôn xao dư luận. Ảnh: Người Lao Động

“Một đứa trẻ nếu chịu áp lực tâm lý từ lâu, điều này không thể mãi giấu kín bởi các con chưa thể kiểm soát nổi cảm xúc như người lớn. Nếu cha mẹ thường xuyên chú ý quan sát trẻ sẽ nhận thấy nhiều tín hiệu bất thường trong lời nói, hành vi hoặc dấu hiệu cảnh báo con có ý định tự tử”, Tiến sĩ Thụy Anh nói.

TS.BS Vũ Thy Cầm (Viện Sức khỏe - Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) khi đề cập đến vấn đề này cũng nhấn mạnh, số lượng bệnh nhân nhập viện vì rối loạn cảm xúc, hành vi ở tuổi thanh thiếu niên có xu hướng ngày càng gia tăng.

Theo bác sĩ Cầm, bệnh viện từng tiếp nhận không ít trường hợp trẻ có hành vi tự hủy hoại như cắt cổ tay, uống thuốc giải tỏa lo âu gây ngủ với số lượng lớn… mà đáng tiếc là trước đó người nhà không hề nhận biết những dấu hiệu bất thường ở con mình.

“Đây là lứa tuổi không thể nói trước được bất cứ điều gì. Các em có những phản ứng, nhiều khi là phản ứng tiêu cực một cách đột ngột mà chúng ta không thể kiểm soát hay lường trước được”- bác sĩ Cầm chia sẻ.

Câu chuyện mới đây nhất- bé gái lớp 7 cùng quẫn tự tử vì gặp rắc rối chuyện tình cảm, vì vậy gióng thêm một hồi chuông cảnh tỉnh cha mẹ - hãy nhanh chóng nắm bắt các biểu hiện bất thường của trẻ.

Theo Tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương (trường ĐH Sư phạm Hà Nội), biểu hiện cho thấy, con đang bế tắc là căng thẳng, khóc nhiều, chán ăn, muốn ở một mình, có thái độ lạ với mọi người, đặc biệt là bạn bè. Nhiều em có biểu hiện giảm trí nhớ, mệt mỏi, ít giao thiệp hoặc giao thiệp quá nhiều.

“Có em trước khi tự tử đã gọi cho bạn hoặc người thân thiết để chào vĩnh biệt. Một số học sinh khác lại nuôi dưỡng ý định tự tử bằng cách hủy hoại cơ thể để trải nghiệm những cơn đau đớn như tự rạch tay, chân. Đây là những biểu hiện dễ nhận thấy, các bậc phụ huynh nên chú ý để theo dõi diễn biến tâm lý của con mình”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương lưu ý.

Cha mẹ cần làm gì?

Bố mẹ cần làm gì trước tình huống này? Theo Tiến sĩ Thụy Anh, cha mẹ cần bình tĩnh, cố gắng tìm hiểu nguyên nhân để thấu hiểu con và tìm cách chia sẻ thích hợp.

Khi con đến tuổi dậy thì, nổi loạn, ngang bướng,  bố mẹ hãy hiểu và chấp nhận việc mình lùi lại hậu thuẫn cho con trong các mối quan hệ xã hội chứ không phải buồn phiền, cáu giận khi con “chỉ thích bạn bè, quên bố mẹ”. Chính cách hành xử hiểu biết của bố mẹ sẽ tạo lập được mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau giữa hai thế hệ.

 Mẹ luôn gần gũi, sẻ chia cùng con gái để đồng hành bên con lúc khó khăn nhất. Ảnh minh họa

Ngoài sự sẵn sàng chia sẻ, cần để ý quan sát trẻ tuổi mới lớn, nếu có điều gì bất thường, đừng cho là "mọi chuyện rồi sẽ qua". Việc học sa sút đi, cãi nhau với bạn, đóng cửa ngồi lì ở nhà… Tất cả đều cần được kịp thời phát hiện và tìm hiểu nguyên do.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương lưu ý, nếu cha mẹ phát hiện trẻ có ý định tự tử, để ngăn chặn kịp thời, điều cần thiết là ở bên con ngay lập tức. Thay vì trách móc, cha mẹ hãy nói chuyện để con bỏ ý định xấu.

“Hãy khẳng định với con là bố mẹ yêu con, dù thế nào cũng yêu quý con. Khi trẻ bình tâm trở lại, phụ huynh nên đưa con đi nghỉ, đề cập nguyên nhân tự tử với thái độ thoải mái, theo hướng tích cực để định hướng. Đặc biệt, người lớn cần nói cho con biết rằng, còn nhiều điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước, tuyệt đối không nói những điều tiêu cực với con”- bà Vũ Thu Hương nói.

Trong trường hợp, con chưa thật sự tin tưởng bố mẹ để chia sẻ, phụ huynh nên liên hệ với những người thân như bạn bè, thầy cô, tìm hiểu lý do để giải tỏa. Tuy nhiên, bố mẹ không nên tiếp cận mối quan hệ của con để quản lý, hù dọa. Hãy đi bên con như một người bảo vệ âm thầm.

Riêng với những trường hợp con đã tự tử, nhưng không thành, sau một thời gian, cha mẹ cần khuyến khích để con đề cập nguyên nhân, hành động, từ đó tháo gỡ tận gốc rễ.

Cha mẹ cũng cần thay đổi cách giáo dục và cư xử để con cảm nhận được mọi điều tốt đẹp và yêu cuộc sống. Cho con tham gia nhiều hoạt động như thể thao, sinh hoạt tập thể, hoạt động xã hội để thấy cuộc đời nhiều ý nghĩa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm