Ngày 8/3 bình dị của những nữ công nhân

Minh Châu
08/03/2025 - 09:21
Ngày 8/3 bình dị của những nữ công nhân

Ảnh minh họa

Không hoa, không quà, không những lời chúc hoa mỹ nhưng ngày 8/3 của những nữ công nhân lao động vẫn trọn vẹn yêu thương. Bởi với họ, niềm vui đến từ những điều thật giản dị: Những đứa con ngoan, khỏe mạnh, một mái ấm tràn ngập tiếng cười.

1. 5h30 sáng, khi cánh đồng trước mặt vẫn còn loang lổ bóng tối, chị Nguyễn Thị Hòa (SN 1987) đã rời khỏi nhà từ xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) để vào trung tâm Hà Nội làm việc. Chị Hòa làm công nhân cho công ty chuyên về dịch vụ vệ sinh. 

Chị Hòa bắt đầu công việc hằng ngày của mình từ 6h30 và kết thúc vào 17h. Thời gian làm việc dài nhưng lương của chị Hòa chỉ được 5 triệu đồng. "Tôi phải nhận thêm công việc ngoài giờ và làm cả vào ngày nghỉ để có thêm thu nhập", chị Hòa chia sẻ.

Chồng chị Hòa, anh Bùi Văn Hưng, đang làm công nhân xây dựng tận Quảng Ninh. Công việc vất vả cùng quãng đường quá xa nên mấy tháng anh Hưng mới về thăm vợ con một lần. Chị Hòa có 2 con gái, cháu lớn đang học lớp 9, cháu nhỏ năm nay 6 tuổi. 

Chồng thường xuyên vắng nhà nên chị Hòa vừa phải chăm sóc 2 con nhỏ vừa đi làm quãng đường 20km mỗi ngày nên vô cùng vất vả. 

"3 năm nay, con gái lớn thay mẹ chăm sóc em. Tôi phải đi làm rất sớm nên cô chị phải dậy cho em ăn rồi đưa em đến trường, chiều thay mẹ đón em. Tôi thường làm thêm ngoài giờ nên về nhà vào khoảng 20-21h. 

Ngày 8/3 của những "bông hoa đồng nội"- Ảnh 1.

Chị Hòa và 2 con

Có hôm về đến nhà 2 con đã lăn ra ngủ. Nhìn các con, tôi cũng thương lắm nhưng vì hoàn cảnh nên phải chấp nhận", chị Hòa không kìm được nước mắt khi kể về 2 con.

Chồng và các con luôn là niềm tự hào của tôi. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng không ít người vẫn ngưỡng mộ tổ ấm hạnh phúc mà tôi đang có. Không có hoa hay quà nhưng tôi vẫn tràn ngập niềm vui. Đối với tôi, mỗi ngày đều là 8/3. Hai đứa con ngoan ngoãn, mạnh khỏe, lớn lên mỗi ngày, đó là những “bông hoa”, những “món quà” tuyệt vời nhất. Cuộc sống đâu chỉ là những thứ hào nhoáng, có những điều rất đỗi giản dị nhưng mang đến niềm hạnh phúc vô bờ bến”.

Chị Nguyễn Thị Hòa (SN 1987), công nhân

Nhắc đến ngày 8/3, chị Hòa nói rằng, phụ nữ nào cũng thích hoa, thích quà, còn với chị, cả gia đình mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc đó là món quà vô giá. 

"Chồng tôi vốn xuất thân từ vùng núi, là người lao động chân tay, không lãng mạn đâu. Tuy nhiên, anh ấy là người rất trách nhiệm với gia đình và yêu thương vợ con. Chưa năm nào 8/3 anh ở nhà nhưng lúc nào cũng gọi điện hỏi thăm vợ con đã tổ chức gì chưa, tổ chức thế nào. 

Tôi cũng không đòi hỏi gì nhiều vì anh ấy cũng đang cố gắng làm việc vì gia đình. Ngày lễ, tôi sẽ về sớm hơn, mấy mẹ con ra ngoài ăn một bữa, đơn giản vậy thôi nhưng cũng ấm áp, hạnh phúc", chị Hòa nói.

2. Rời quê Nam Định từ ngày mùng 6 tháng Giêng để ra Hà Nội đi làm nhưng sau cả tuần lễ chị Trần Thị Nhiệm (SN 1983) vẫn chưa có việc làm. Công việc của chị Nhiệm và những người bạn đồng hương là đục phá bê tông. Chị Nhiệm đã gắn bó với công việc này tròn 10 năm nay.

"Tôi và khoảng 10 phụ nữ cùng quê Giao Thủy, Nam Định, đã làm ở khu HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội, từ khi khu nhà này được đưa vào sử dụng (năm 2014 - PV). Thời điểm đầu, các căn hộ ở đây sửa sang rất nhiều nên việc làm không hết. 

Thế nhưng mấy năm gần đây, các gia đình đã sinh sống ổn định, việc sửa sang nhà cửa, thay đổi thiết kế không nhiều nên chúng tôi cũng ít việc hơn", chị Nhiệm cho biết.

Không như những nhóm lao động khác, nhóm của chị Nhiệm hoạt động rất đoàn kết. Theo đó, mỗi khi có người thuê, tất cả các thành viên trong nhóm sẽ cùng đến để làm việc. Số tiền công cũng sẽ được chia đều cho các thành viên. 

"Chúng tôi đều cùng quê, quen biết, rủ nhau lên đây để làm việc nên không thể để tình trạng người có, người không được. Mặc dù có những ngày tiền công chia ra mỗi người chỉ có vài chục nghìn nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ", chị Nhiệm chia sẻ.

Chị Nhiệm cho biết thêm, thời gian gần đây, khối lượng công việc giảm đi khá rõ, dẫn đến thu nhập của mỗi người trong nhóm đều sụt giảm với nguyên nhân là đội ngũ dọn dẹp, sửa chữa nhà chuyên nghiệp "mọc" lên khá nhiều. 

Vậy nên, có những lúc nhóm của chị phải chờ 3-4 ngày vẫn không có việc làm. Tuy nhiên, ngày nào nhóm của chị cũng ngồi dưới sảnh tòa nhà để phòng trường hợp khách quen gọi không được họ sẽ phật lòng.

3. Cùng với chị Nhiệm, chị Trần Anh cũng chọn công việc khoan phá bê tông. Chị Trần Anh cho biết, bản thân có thể làm được nhiều việc, từ dọn dẹp nhà cửa, bê hàng, phụ xây, đục phá bê tông… 

Tuy nhiên, cái nghề của chị cũng thất thường như thời tiết khi ngày nào "trời thương" thì kiếm được 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nhưng có khi ngồi không cả mấy ngày mà không có ai thuê. Cả nhóm cứ vạ vật ngồi chờ việc ở trước sảnh tòa nhà HH2C từ sáng sớm đến khi trời nhá nhem tối lại về nhà trọ, ngày hôm sau lại tiếp diễn như thế.

"Hai vợ chồng tôi lên Hà Nội từ nhiều năm nay, chồng tôi chạy xe Grab còn tôi cứ ở "chợ người" chờ việc. Trước đây, tôi chủ yếu làm đục phá bê tông nhưng giờ ít việc nên ai thuê vận chuyển hàng, bê vác, tôi cũng nhận. 

Thế nhưng, từ ra Tết đến giờ, cả nhóm chúng tôi mới chỉ tìm được mấy việc lặt vặt vì đầu năm chưa có ai sửa nhà. Phải tha hương kiếm sống, vợ chồng tôi để 2 con ở quê cho ông bà nội trông giúp. Mỗi khi có việc, vợ chồng lại phân công nhau về", chị Anh chia sẻ.

Nhắc đến ngày 8/3, chị Nhiệm, chị Anh và cả nhóm phụ nữ đang ngồi chờ việc phá lên cười. "Ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày Quốc tế Phụ nữ, chúng tôi không có quà, không có hoa, cũng chẳng có lời chúc nhưng mấy chị em vẫn tổ chức liên hoan ở nhà trọ. Một bữa liên hoan nhỏ vừa thắt chặt tình đoàn kết vừa vui vẻ. 

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn biết yêu thương, che chở, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Chồng con chúng tôi cũng không quen nói những lời lãng mạn, họ cũng không tặng quà nhưng luôn dành cho chúng tôi tình cảm chân thành, đó mới là điều đáng trân quý", chị Trần Anh tâm sự.

Với những phụ nữ như chị Hòa, chị Nhiệm, chị Trần Anh… những món quà không quan trọng bằng tình cảm gia đình. Gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc chính là điều mong ước lớn nhất trong ngày 8/3 của những người phụ nữ đang phải tất bật với gánh nặng mưu sinh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm