pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngày 14/4: Bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ. Ảnh minh họa
Ngày 13/4, Bộ Y tế đã tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tại buổi gặp mặt, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi vào ngày 14/4. Trẻ trong độ tuổi tại Quảng Ninh sẽ được tiêm đầu tiên, sau đó sẽ triển khai tại các địa phương khác. Loại vaccine dùng tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Moderna.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ (Bộ Y tế), trong hôm nay sẽ có giấy phép xuất xưởng đối với lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đã về Việt Nam. Đây là vaccine Moderna, về Việt Nam ngày 8/4 do Chính phủ Úc tài trợ.
"Trong chiều hôm nay, lô vaccine đã kiểm định xong sẽ được chuyển đến Quảng Ninh để ngày 14/4, tiến hành tiêm cho trẻ đang học lớp 6 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, vaccine sẽ được vận chuyển đến các địa phương khác để tuần tới sẽ tiến hành tiêm cho trẻ lớp 6 trên toàn quốc", PGS. Dương Thị Hồng thông tin.
Theo Bộ Y tế, khi tiêm vaccine Moderna, trẻ có thể gặp các phản ứng như sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.
Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm (98,4%), mệt mỏi (73,1%), đau đầu (62,1%), đau cơ (35,3%), ớn lạnh (34,6%), buồn nôn/nôn mửa (29,3%), sưng/đau ở nách (27.0%), sốt (25,7%), ban đỏ tại vị trí tiêm (24,0%), sưng tại vị trí tiêm và đau khớp.
PGS. Hồng cũng cho biết, khi đi tiêm chủng, các phụ huynh phải theo dõi sức khỏe của cháu những ngày trước đó, xem có các biểu hiện bất thường, viêm đường hô hấp hay không. Chúng ta có nhiều buổi tiêm chủng khác nhau nên tiêm chủng khi trẻ khỏe mạnh. Đặc biệt, nếu trẻ nghi ngờ mắc Covid-19 thì cũng không nên tiêm chủng Covid-19.
Ngoài ra, các phụ huynh cần chia sẻ các thông tin về trẻ cho cán bộ y tế như dị ứng, bệnh nền mãn tính... để có những hướng dẫn cụ thể, có thể tới cơ sở y tế để tiêm chủng nhằm đảm bảo an toàn...
Còn theo GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam có khoảng 11,8 triệu trẻ trong nhóm từ 5 - 11 tuổi. Trong đó, có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc Covid-19 (ước tính cho tới tháng 4 và tháng 5). Như vậy, đến quý II, Bộ Y tế ước tính sẽ tiêm đủ cho 8,2 triệu trẻ chưa mắc. Với những người đã mắc, sẽ trì hoãn tiêm chủng sau 3 tháng. Như vậy với khoảng 3,6 triệu trẻ này sẽ tiêm vào tháng 7, tháng 8.
TS.BS Lê Kiến Ngãi (BV Nhi TƯ) cũng lưu ý, sau khi tiêm, cần theo dõi trẻ trong vòng 3 ngày, để ý sự thay đổi của trẻ qua niêm mạc mắt, màu sắc da, có nổi ban hay không. Do đó, phụ huynh và nhà trường cần phối hợp với nhau để theo dõi trẻ. "Cần tránh trẻ trong thời gian này không vận động, hoạt động thể lực mạnh bởi có thể gây nhầm lẫn, bỏ sót các biểu hiện sau tiêm", TS.BS Lê Kiến Ngãi nhấn mạnh.