Ngày về của bé song sinh nhẹ nhất Việt Nam

10/03/2015 - 12:25
Ngày 10/3/2015, các bác sĩ BV Phụ sản TƯ làm lễ xuất viện cho cặp đôi song sinh chỉ nặng 500-600g Giang Thiên Bảo và Giang Thiên Ân, sau 93 ngày được chăm sóc đặc biệt tại BV Phụ sản TƯ

“Nhìn các con sinh ra quá bé, chỉ nặng 500-600g, trong khi các bộ phận trong cơ thể lại chưa hoàn thiện, gia đình tôi đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản TƯ, giờ đây chúng tôi đã được đón 2 con về nhà. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ mà tôi không thể nào diễn tả được”, chị Hồ Thị Hải Yến (29 tuổi, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, Thái Bình), tâm sự.

 
Hai cháu bé trong vòng tay yêu thương của cha mẹ

Giành giật sự sống

Ngày 10/3/2015, các bác sĩ BV Phụ sản TƯ làm lễ xuất viện cho cặp đôi song sinh Giang Thiên Bảo và Giang Thiên Ân, con chị Yến, sau 93 ngày được chăm sóc đặc biệt tại BV Phụ sản TƯ. Các y, bác sĩ đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến gia đình chị Yến và 2 bé. Chị Yến âu yếm nhìn con, rơi nước mắt. Với chị, những gì vừa trải qua như một giấc mơ.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh (BV Phụ sản TƯ), cho biết, thông thường, thai nhi phải đủ 41 tuần mới chào đời. Khi đó, các bộ phận trong cơ thể trẻ đã hoàn thiện và tự hoạt động độc lập mà không cần sự hỗ trợ của thiết bị y tế. Riêng với cặp song sinh này, do sinh non nên các biến chứng như xuất huyết não, xuất huyết phổi thường xuyên đe dọa. Do đó, các bác sĩ đã rất vất vả mới cứu sống được 2 bé.

Kể lại quá trình điều trị, bác sĩ Lợi cho biết: Khi sinh, các cháu còn quá nhỏ, hệ hô hấp lại chưa hoàn thiện, phản xạ rất yếu, tiên lượng xấu, thời gian sống chỉ tính bằng giây. Nhiều lúc 2 bé đã ngừng thở đến 15 giây. Để cứu sống cặp song sinh, các bác sĩ đã tiến hành bơm thuốc chống nguy cơ xẹp phổi cho 2 bé ngay trong những giờ đầu. Sau đó, cặp song sinh được thở máy trong 4 ngày, rồi được rút ống nội khí quản. Sau 13 ngày, 2 bé được thở oxy và khoảng 1 tháng sau đã thở tự nhiên. Trong quá trình chăm sóc, việc vô trùng được kiểm soát rất chặt chẽ. Cả người nhà và bác sĩ phải sát khuẩn mới được chạm vào các bé. Sau khi cho các bé ăn, thăm khám, các y, bác sĩ lại phải rửa tay sát khuẩn mới được ra ngoài.

Cũng theo bác sĩ Lợi, khi mới sinh, hệ tiêu hóa của các bé còn quá non nên được nuôi dưỡng qua đường cuống rốn. Sau 4 ngày, các bé đã được ăn sữa mẹ qua sonde máy kết hợp với đường cuống rốn. “Những ngày đầu, 1ml sữa các bé phải mất 3 tiếng mới ăn hết; mỗi ngày ăn 8 lần như vậy. Khi sức khỏe các bé đã khá hơn, lượng sữa được tăng dần lên 20ml rồi 60ml/ngày, cân nặng theo đó cũng tăng lên”. Bác sĩ Lợi đánh giá sự tăng trưởng này của 2 bé là “thần kỳ”. Trong suốt 3 tháng, 2 cháu được sự chăm sóc đặc biệt của các y, bác sĩ nên trọng lượng cơ thể tăng nhanh. “Khi ra viện, 2 bé được 37 tuần tuổi. Tuy nhiên, bé Thiên Ân đã nặng 2,35kg; còn bé Thiên Bảo nặng 2,25kg, bằng với những trẻ được nuôi dưỡng trong bào thai ở tuần tuổi 37”, bác sĩ Lợi khẳng định. 

Nước mắt hạnh phúc

Chị Yến kết hôn với anh Giang Thanh Hà năm 2006. Đến năm 2008, vợ chồng chị sinh con đầu lòng bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Đầu năm 2014, vợ chồng chị muốn sinh thêm con nên đến BV Phụ sản TƯ nhờ tư vấn. Sau khi được kiểm tra sức khỏe, vợ chồng chị đồng ý thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Ngày 3/7/2014, chị đặt phôi và mang song thai. Từ hôm đó, chị hết sức giữ gìn sức khỏe. Khi thai được 22 tuần tuổi, chị Yến bất ngờ thấy đau bụng nên được đưa đến BV Phụ sản TƯ. Sau hơn 1 tuần được các y, bác sĩ chăm sóc, ngày 5/12/2014, chị chuyển dạ và sinh 2 bé bằng phương pháp đẻ thường. Bé Thiên Bảo nặng 500g, bé Thiên Ân nặng 600g. Cả hai bé đều bị suy hô hấp nặng, thoi thóp, thở nấc, tim rời rạc, phản xạ rất yếu. Các bác sĩ đã phải đưa 2 cháu vào phòng chăm sóc đặc biệt. “Hai con tôi chào đời không được như những đứa trẻ khác. Tôi không thể nghe tiếng các con khóc, trái lại còn ở trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, chị Yến xúc động kể lại.

Suốt 93 ngày con nằm viện là chuỗi ngày vợ chồng chị Yến - anh Hà sống trong tâm trạng lo lắng. Chị Yến kể: “Khi mới sinh, các bác sĩ cho biết gia đình phải chuẩn bị tư tưởng cho tình huống xấu nhất. Nghe xong, tôi bủn rủn chân tay, trời đất như quay cuồng. Chồng và các y, bác sĩ phải dìu tôi vào giường bệnh. Vài ngày sau, thấy các con đã ăn được chút ít, cơ hội sống tăng lên, tôi mới bớt lo. Mỗi khi ở bên con, thấy trên cơ thể đầy những dây truyền, tôi không cầm được nước mắt. Tôi chỉ ước mình được bế con nhưng không thể. Nhìn 2 con lớn từng ngày, máy thở cũng được rút ra, tôi vui lắm”. Đến khi bác sĩ thông báo, sức khỏe 2 con đã ổn định và cho xuất viện, chị Yến khóc nức nở vì sung sướng.

Theo TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản TƯ, đến thời điểm này, đây là cặp song sinh sinh non nhất, nhẹ cân nhất Việt Nam được cứu sống. TS Vũ Bá Quyết cho biết, sau khi cặp song sinh xuất viện, BV phân công bác sĩ tiếp tục theo dõi đánh giá sức khỏe của 2 bé về khả năng phát triển, vòng đầu, vòng ngực, mắt, tai, trí tuệ. Nếu có bất cứ một diễn biến nào ảnh hưởng tới sức khỏe của 2 cháu, các bác sĩ sẽ có biện pháp xử lý kịp thời.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến
Bộ Y tế đã chỉ đạo các BV tuyến tỉnh phải có phòng hồi sức sơ sinh và BV tuyến TƯ phải có trung tâm hồi sức sơ sinh để kịp thời chăm sóc các bé sinh non. Hiện tại, có nhiều BV đã nuôi được trẻ sinh non từ 26 đến 27 tuần tuổi. Với BV Phụ sản TƯ, đây là ca đầu tiên nuôi dưỡng trẻ 24 tuần tuổi thành công và cũng là thành tựu khoa học lớn mà công tác chăm sóc sinh non của Việt Nam đạt được từ trước đến nay. Trong thời gian tới, BV tiếp tục cải tiến nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị để có thể nuôi trẻ sinh non 23 tuần tuổi với cân nặng 400g.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm