pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghề dệt thổ cẩm, nét đẹp văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông.
Đắk Nông là tỉnh nằm ở phía Nam Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên là 6.513 km2. Dân số khoảng hơn 650.000 người, bao gồm 40 thành phần dân tộc, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh với 195.823 người, chiếm tỷ lệ 31,44% dân số toàn tỉnh, có 3 dân tộc thiểu số tại chỗ là M'Nông, Mạ, và Ê Đê 62.235 người, chiếm 9,99% so với dân số toàn tỉnh và 31,78% so với tổng số dân tộc thiểu số.
Trước đây, nghề dệt thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông là nghề thủ công truyền thống, được phát triển rất sớm, rộng khắp trong các bon, buôn và đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần và phát triển kinh tế gia đình.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, các hoạt động dệt vẫn được duy trì để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày và phục vụ khách tham quan du lịch. Trong cuộc sống thường nhật hoặc vào các dịp tết, lễ hội, nghi lễ truyền thống của dân tộc mình, người dân đều mặc trang phục truyền thống, qua đó góp phần tuyên truyền, khuyến khích mọi người gìn giữ và phát huy giá trị của trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển hiện nay, cùng với xu thế hội nhập toàn cầu hóa, những tinh hoa văn hóa đã bị ảnh hưởng. Đời sống kinh tế cũng khá hơn nên người dân có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong trang phục truyền thống, những bộ đồ thổ cẩm truyền thống được thay bằng những trang phục hiện đại như quần tây, quần bò, áo sơ mi…
Bên cạnh đó, các nghệ nhân dệt thổ cẩm ngày càng ít, số nghệ nhân có kinh nghiệm truyền dạy cũng đã lớn tuổi hoặc đã mất. Lực lượng trong độ tuổi lao động thì nhiều, nhưng cũng không còn mấy người tâm huyết, mặn mà với nghề nữa mà đi tìm kiếm các công việc khác để kiếm sống, dẫn đến đội ngũ kế thừa rất hạn chế.
Chính vì vậy, đây là dịp để tỉnh Đắk Nông nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền thông qua các chính sách cụ thể để định hướng phát triển nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh, đồng thời thành lập được các tổ hợp tác xã dệt thổ cẩm và làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con. Quá trình xây dựng thương hiệu thổ cẩm các dân tộc ở Đắk Nông cũng hướng tới việc phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương.
Sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đặc biệt về trang phục, cơ bản vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, nhưng có cải tiến về hoa văn trang trí theo xu hướng hiện đại. Đa số những người biết dệt từ khi còn nhỏ, được cha mẹ, ông bà truyền dạy và một số được học qua các lớp truyền dạy nghề do địa phương tổ chức. Nhiều người có khả năng dệt rất tốt nhưng do không còn đủ sức khỏe để dệt, khả năng nguồn vốn để duy trì nghề dệt cũng không có, sản phẩm thổ cẩm làm ra chỉ ở phạm vi gia đình và phục vụ cho gia đình là chính, sản phẩm làm được không có đầu ra, dẫn đến họ không thiết tha với nghề nữa mà tự chuyển sang các nghề khác.
Nhằm bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là giá trị văn hóa thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Nông, trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông đã tiến hành kiểm kê 147 bon, buôn, bản có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1 hợp tác xã dệt thổ cẩm tại xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa; 4 tổ dệt thổ cẩm; 2 tổ liên kết dệt thổ cẩm; 4 nhóm dệt thổ cẩm và Hợp tác xã Đan thêu Thanh Hằng.
Thông qua Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần 2 năm 2020 tại tỉnh Đắk Nông, Ban tổ chức mong muốn tạo động lực khuyến khích đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục duy trì, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa hoa văn các dân tộc, tìm kiếm thị trường cho những loại hình sản phẩm thổ cẩm do họ làm ra như trực tiếp tiếp thị sản phẩm của mình tại các điểm du lịch, thiết lập các địa điểm hay gian hàng bán lẻ thổ cẩm tại những địa điểm có đông khách tham quan,...
Tổ chức liên kết vùng với các hợp tác xã, câu lạc bộ hay các công ty kinh doanh thổ cẩm để tìm kiếm thị trường, nắm kỹ hơn về thị hiếu và sự quan tâm của khách hàng với các loại sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Nông.
Song song với đó, các làng nghề và nghệ nhân sẽ tham gia vào chuỗi sản xuất các ấn phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ về thổ cẩm phục vụ du lịch trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Hiện nay, các cơ quan chuyên môn tỉnh Đắk Nông cũng đang xây dựng hồ sơ khoa học nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc M'nông, tỉnh Đắk Nông trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận di sản cấp quốc gia năm 2020.