pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghệ sĩ Ái Như: "Chúng tôi có chất riêng, thế mạnh riêng để truyền cho học viên của mình"
Với một người có tới hơn 35 năm khóc cười với từng vai diễn, từng số phận trên sân khấu như nghệ sĩ Ái Như thì bộ môn nghệ thuật biểu diễn chính là máu, là thịt, là hơi thở.
Tâm huyết đào tạo thế hệ diễn viên kế thừa
Chào chị Ái Như! Hiện tại, sức khỏe của chị thế nào sau lần bị ngã chấn thương cột sống hồi năm 2020?
Tôi bị ngã hồi tháng 7/2020, cũng khá lâu rồi. Nhờ bơm xi măng sinh học nên nằm 2 tháng thì tôi ổn định, đi lại được bình thường. Tuy nhiên, mỗi khi trở trời thì lưng hơi nhức, thốn.
Về sinh hoạt hàng ngày, tôi cần tránh những động tác có thể gây ảnh hưởng lên cột sống. Chẳng hạn, tôi cần tránh bưng đồ nặng trên 3 kg. Khi cúi xuống nhặt vật gì, cần đứng lên và ngồi xuống theo chiều thẳng đứng.
Trên sân khấu, đối thoại nhiều, chỗ nào cần diễn hình thể, như là té ngã thì mình và bạn diễn phối hợp, không có gì quá nặng nề hay phải lo ngại. Từ hồi nào đến giờ, tôi đã để ý điều đó, giờ để ý hơn chút thôi. Tôi gần như cũng không đi giày cao gót. Giày của tôi, chủ yếu là đế bằng, đế xuồng và cũng chỉ cao từ 3 đến 4 cm.
Thưa chị, việc sân khấu Hoàng Thái Thanh mở lớp dạy diễn xuất phải chăng để cải thiện tài chính cho sân khấu trong lúc vắng khán giả?
Nếu nói cải thiện kinh tế thì không đúng. Bởi vì hiện tại, chúng tôi chỉ có 2 lớp. Hồi tháng 12/2021, chúng tôi mở lớp đầu tiên, khóa diễn viên cơ bản với hơn chục học viên. Mỗi tuần các em học 3 buổi. Các em vừa tốt nghiệp hồi tháng 7 và đang học tiếp lớp trung cấp.
Với một khóa học như vậy thì học phí học viên đóng chỉ đủ chi cho tất cả các chi phí như phòng học, lương giảng viên...
Tới tháng 8 vừa rồi, chúng tôi tuyển thêm 1 lớp cơ bản nữa. Thời gian học của 2 lớp là từ thứ 2 đến thứ 7, chia đều cho các môn. Mỗi tuần có 4 buổi kỹ thuật biểu diễn, 1 buổi tiếng nói sân khấu và 1 buổi thanh nhạc. Các em học và làm bài cũng rất nhiều nên thời gian giảng viên dành cho các em cũng không kém.
Với 2 lớp như vậy thì không thể cải thiện tài chính sân khấu như bạn nói. Nhưng, việc mở lớp đào tạo diễn viên giúp cho nhân viên của chúng tôi có công việc ổn định hơn, ngoại trừ các giờ diễn. Điều đó tạo cho anh em năng lượng tích cực.
Chiêu sinh nhưng không đại trà
Sân khấu Hoàng Thái Thanh tuyển đầu vào cho các lớp đào tạo có khắt khe hơn các sân khấu khác không, thưa chị?
Chúng tôi cũng như các sân khấu bạn, chiêu sinh chứ không tuyển sinh nên ai đăng ký là học. Tuy nhiên, chúng tôi không chiêu sinh đại trà mà giới hạn số lượng.
Một lớp học phải dưới 30 học viên để đảm bảo chất lượng đào tạo. Số lượng đăng ký vượt quá thì phải đợi khóa sau. Chúng tôi cũng không tuyển nhiều lớp vì chúng tôi biết với số lượng đó thì mình đào tạo tốt.
Có những trường hợp, các em xin vào học nhưng còn nhỏ tuổi quá nên không thể nhận vì chúng tôi chưa mở lớp cho thiếu nhi. Nếu cứ nhận thì tốn tiền cho phụ huynh mà hiệu quả không tốt. Chúng tôi dạy cho các em theo lộ trình từ cơ bản đến trung cấp, nâng cao.
Các lò đào tạo diễn viên khác thường "đảm bảo" đầu ra, tạo cơ hội làm nghề cho học viên. Còn Hoàng Thái Thanh thì sao thưa chị?
Việc đảm bảo đầu ra là không. Các em có năng khiếu, phù hợp với sân khấu là được mời diễn. Hầu hết các học viên đều đang đi học hoặc đi làm ở công ty, vì các em ham thích nghệ thuật nên mới theo.
Có em là giảng viên trường tài chính, có em làm phiên dịch, có em tốt nghiệp đại học ở Canada, có em học đại học kiến trúc, bách khoa nhưng vẫn về đây học. Các em học để "giải phóng mình" và để biết hơn về nghệ thuật biểu diễn. Dù các em là ai thì về đây, đều học từ những nét gạch cơ bản nhất.
Các lớp đào tạo đem tới cho các em kiến thức về sân khấu, về nghệ thuật biểu diễn. Chúng tôi cho rằng, muốn học nghề, làm nghề, muốn đưa thông điệp nhân văn tới khán giả qua nghệ thuật biểu diễn thì trước hết, mình phải có tấm lòng tha thiết với nó. Vậy thì, không thể nói bằng miệng mà phải nói bằng cả tấm lòng và sự thiện chí.
Chúng tôi truyền lửa nghề của mình tới các em nhưng các em có đón nhận và phát triển nó hay không là tùy ở mỗi người. Vậy thì, điều đó, đôi khi không nhất thiết phải đứng trên sân khấu mà các em có thể mang tấm lòng đó đến với công việc riêng của mình bằng những gì đã học được từ nghệ thuật biểu diễn. Trong lớp, chúng tôi vẫn nói điều đó với các học viên.
Cũng có những em học vì mong muốn trở thành diễn viên. Con đường là các em chọn lựa. Còn khi các em đến với chúng tôi, trong quá trình học, nhận thấy em nào có tố chất, phù hợp với sân khấu, với một vai diễn nào đó thì chúng tôi sẽ phân vai cho các em để các em thực hành những gì mình đã học.
Ví dụ, trong vở "Mùi của hạnh phúc" có em Hoàng Trí đóng vai chủ nhà, đang là học viên ở đây. Hoàng Trí là diễn viên lồng tiếng nhiều năm rồi nhưng vẫn quay về đây học. Em Kỳ Thảo đóng con gái tôi trong vở diễn này, hiện đang là diễn viên nhưng vẫn đi học.
Hoặc em Ánh Vân từng diễn "Bàn tay của trời", Ma Ran Đô từng tham gia vở "Bạch Hải Đường" và "Chờ thêm chút nữa" cũng đang học lớp trung cấp. Cũng có những em đang là diễn viên và quay phim truyền hình nhưng vẫn về đây học lớp cơ bản và trung cấp.
Chúng tôi có chất riêng, thế mạnh riêng về đào tạo
Các sân khấu khác cạnh tranh để thu hút học viên đến với mình. Việc Hoàng Thái Thanh mở lớp đào tạo, chị có lo ngại đồng nghiệp không vui?
Tôi không nghĩ vậy. Theo tôi biết, các sân khấu đang mở lớp đào tạo diễn viên ở thành phố hiện nay đều là các bạn đồng khóa. Mỗi người đều có chất riêng, thế mạnh riêng. Khi đào tạo, họ sẽ truyền cho các học viên chất riêng của họ. Và, chúng tôi cũng có chất riêng, thế mạnh riêng để truyền cho học viên của mình. Cho nên tôi không ngại chuyện đó.
Thứ hai, chúng tôi dạy vừa đủ. Vừa đủ để có sức khỏe. Vừa đủ để có sự minh mẫn, để vừa làm sân khấu vừa làm đào tạo và đạt được chất lượng học tập cho các em.
Với những gì chị đã và đang làm suốt nhiều năm qua, vừa đảm nhận vai trò đạo diễn, diễn viên vừa làm công tác ngoại giao vừa tham gia công tác giảng dạy. Với vóc người nhỏ nhắn, ở đâu chị có năng lượng nhiều đến vậy?
Năng lượng của tôi chỉ là đồ giả thôi (cười). Khi ở sân khấu, tôi bung hết sức làm việc, về nhà là nằm xụi lơ, chèm nhẹp luôn. Trồi bên này sụt bên kia.
Kỳ thực ở sân khấu, anh Thành Hội là giám đốc nghệ thuật, chịu trách nhiệm nghệ thuật cho tất cả các vở diễn. Anh Thành Hội cũng là người đứng lớp giảng dạy còn tôi lo kế hoạch sản xuất.
Hơn nữa, để tôi làm được từng đó việc như bạn nói thì sân khấu không chỉ có tôi và anh Thành Hội mà còn có ba trưởng bộ phận. Một người lo chỉ huy biểu diễn, lên kế hoạch luyện tập, liên hệ diễn viên. Một người là trưởng kỹ thuật, chịu trách nhiệm về âm thanh, ánh sáng, hậu trường và một người quản lý các bộ phận, truyền thông, vé...
Trong ba người đó, một người là con tôi, hai người là học trò của tôi. Phải có những người đó và nhân viên trong sân khấu, mỗi người một nhiệm vụ, cùng đồng lòng thì mới thành được. Tôi và anh Thành Hội là đầu tàu nhưng nếu không có mọi người thì không tạo được một guồng máy trơn tru để mang tới sự hài lòng cho khán giả.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!