pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghe thật lạ nhưng người càng thông minh càng khó có được hạnh phúc
Thông minh là một đặc tính mà hầu như dân công sở nào cũng mong muốn sở hữu, bởi khi thông minh thì sẽ làm việc tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và từ đó kiếm được nhiều thu nhập, con đường thăng tiến cũng rộng mở người kém thông minh.
Tuy nhiên, có bao giờ các bạn nghĩ rằng, trong tất thảy những thứ có được do thông minh mang lại, thì hạnh phúc của bản thân còn quan trọng hơn gấp nhiều lần hay không? Đừng nghĩ rằng chỉ số thông minh tỉ lệ thuận với mức độ hạnh phúc của một người, trái lại, càng thông minh thì sẽ càng khó có được hạnh phúc trọn vẹn.
Lý do vì sao, loạt biểu hiện “thông minh quá bị thông minh hại” dưới đây sẽ giúp anh chị em công sở hiểu rõ:
Người thông minh thường hay tham vọng
Người thông minh thông minh và nhận thức được sự thông minh của mình thường đặt kỳ vọng quá lớn vào bản thân. Họ thường xuyên phá vỡ các giới hạn bằng cách đặt ra rất nhiều mục tiêu cần phải đạt được trên con đường sự nghiệp.
Ấy thế, “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, dẫu thông minh nhưng chúng ta suy cho cùng cũng không hoàn hảo. Dù tính toán thế nào, đôi khi vẫn xảy ra thất bại, mục tiêu không đạt được. Và đây là lý do khiến người thông minh rơi vào cảnh tự ti, buồn bã và không có được hạnh phúc.
Người thông minh yêu cầu quá khắt khe
Do thông minh, làm việc gì cũng nhanh nhẹn và đạt hiệu quả cao, cho nên, khi cảm thấy người đồng nghiệp làm cùng không tài giỏi như mình, làm việc không tốt như mình, thậm chí còn cho rằng “tại họ mà cả team không phát triển”, người thông minh lúc này sẽ có cảm giác bực bội, cáu gắt, lắm khi còn quát tháo người xung quanh.
Mỗi người một tư chất và một sở trường khác nhau, đừng ép người khác phải giống như mình kẻo lại bị xa lánh, quan trọng hơn là bản thân chẳng lúc nào cảm thấy vui vẻ hạnh phúc, người thông minh ghi nhớ nhé!
Người thông minh hay phức tạp hóa vấn đề
Sự cẩn trọng với công việc, luôn tính toán kỹ lưỡng và phân tích vấn đề đâu ra đó rõ ràng là một đặc tính thuộc sở hữu của những dân công sở thông minh. Ấy thế, mặt trái của khả năng này là lắm khi quá cầu toàn, quan trọng tiểu tiết, tệ hơn là phức tạp hóa vấn đề, xem chuyện nhỏ như con kiến cũng to bằng con voi.
Đây là điều khiến người thông minh chốn công sở luôn phải suy nghĩ rất nhiều mỗi khi làm việc, dần dà tự làm cho bản thân cảm thấy quá tải, sinh ra mệt mỏi, stress. Thật ra, để có hạnh phúc, người càng thông minh càng phải nhìn nhận vấn đề một cách đơn giản đi thôi. Nhìn nhận rõ bản chất của sự việc, sự vật, hiện tượng mới là người thông minh thực thụ.
Người thông minh dễ bị ghen ghét, đố kỵ
Môi trường công sở ấy mà, luôn tồn tại những màn đấu đá, ghen ghét, ngầm đố kỵ lẫn nhau. Thông thường, người quá thông minh, quá nổi bật sẽ trở thành “nạn nhân chính” trong “tệ nạn” này. Về lý do thì có trời mới biết, đơn giản vì “giỏi hơn tôi là tôi ghét, thế thôi”.
Cũng từ đây, người thông minh khi đi làm thường xuyên chiêu mời rắc rối đến với mình, khi thì đồng nghiệp tẩy chay, khi thì bị vu khống, lúc thì bị kẻ xấu hạ bệ không thương tiếc. Nếu không quan tâm thì không sao, nhưng một khi quan tâm sẽ vô cùng mệt mỏi, khó chịu.
Người thông minh thường gặp vấn đề về sức khỏe
Đây là có thể nói là hệ quả của cả 4 điều bên trên. Người thông minh quá tham vọng, quá khắt khe, hay phức tạp hóa vấn đề hoặc thường xuyên bị ghen ghét sẽ rất dễ tổn thương tinh thần, sinh ra các bệnh về tâm lý.
Đó là chưa kể, người thông minh cũng có xu hướng dồn sức làm việc với mong muốn được sếp công nhận, mau chóng thăng tiến, phát triển nghề nghiệp,... rồi cứ thế làm việc quên ăn quên ngủ gây ra các bệnh về thể lý như xương khớp, hệ tiêu hóa,... Mà đã bệnh thì làm gì có được hạnh phúc.