Lấy bằng được nhà báo… bắt nhà báo bỏ bằng được nghề.
Chị bạn tôi kể, ngày trước chị cãi lời cha mẹ và quyết tâm đến với anh vốn là nhà báo. Lấy chồng làm báo vinh dự lắm, minh chứng là bài viết của anh sau khi được đăng báo là bạn bè sinh viên trong ký túc xá tìm đọc, tán thưởng. Vậy mà sau này, cái nghề mà chị ghét nhất lại chính là… nghề báo! Chị không thể chia sẻ với lịch làm việc của chồng bởi giờ giấc không ổn định. Có lúc vừa xong cơm chiều, anh đang chơi với con, dạy con học thì bất ngờ sếp lại điều đi viết ngay bài phản ánh vụ việc gì đó mới xảy ra. Rồi chưa kể có những chuyến đi công tác cả nửa tháng trời… Cuối cùng, chị nằng nặc buộc anh bỏ nghề chỉ vì chỉ muốn cuộc sống gia đình bình thường như bao người khác. Anh ngớ ra: “Trước kia, em bảo mê anh vì anh theo nghề báo? Sao bây giờ em lại thế?”.
Trước đây chị tự hào về công việc của chồng lắm nhưng giờ chị ghét và muốn chồng bỏ nghề
Phải lòng giọng hát nhưng cần ở vợ nhiều thứ khác…
Trong một lần dự tiệc cưới, anh bạn tôi tình cờ ngồi chung bàn với cô gái bên cạnh có dung nhan không mấy nổi bật. Vậy mà khi cô được mời lên sân khấu góp vui, lập tức anh mê mẩn tiếng hát như làn gió mát ve vuốt, mơn trớn trái tim cô đơn. Cô ấy vốn là ca sĩ, dù không nổi tiếng lắm nhưng vẫn thường xuất hiện ở các tụ điểm sân khấu. Do mê giọng hát nên từ giây phút đó, anh trở thành “cây si” tại điểm diễn của cô hằng đêm. Sự nhọc công ấy được đền bù xứng đáng.
Cưới xong, cô vẫn đi hát hằng đêm chứ? Không hề. Anh không muốn vợ xuất hiện trước đám đông với những tràng pháo tay nồng nhiệt nữa. Anh tâm sự với bạn: “Tài năng của cô ấy khiến tớ từng chết mê chết mệt. Bây giờ ngoài tiếng hát, tớ cần ở cô ấy nhiều thứ khác nữa”.
Qua tháng năm “niềm tự hào” cũng trở thành “phù phiếm”
Nhiều người thổ lộ, lúc yêu nhau chỉ cần “người kia” có 1-2 điểm hấp dẫn là họ có thể tự nguyện lao tới như thiêu thân thấy ánh đèn. Phải cưới cho bằng được, chỉ đơn giản do ái mộ, tự hào với sự hấp dẫn ấy.
Anh bạn tôi vừa đẹp trai lại vừa có tài. Hễ anh xuất hiện là lập tức các cô nàng vây quanh bởi cách kể chuyện duyên dáng, có tài đàn ca hát xướng, biết làm thơ du dương... Chị mê anh như điếu đổ. Trong mắt chị, tính cách của anh là niềm tự hào, còn những thứ khác chỉ là phụ, hơn nữa giữ được trái tim của người có tài mới là bản lĩnh. Khi chung sống với nhau, tính cách của anh vẫn tiếp tục duy trì, phát huy chứ? Chưa chắc. Chị không quan tâm đến những thứ ấy nữa, bởi đời sống gia đình cần nhiều thứ khác thiết thực hơn, chứ không chỉ những gì từng khiến chị ái mộ, si mê mà nay chị cho rằng “phù phiếm”. Oái ăm chưa?
Mong muốn thay đổi một cách ép buộc, tham lam có thể kiến “nửa kia” nảy sinh tâm lý chống cự, chán nản
Anh phải bỏ “thói quen của chúng ta” đi.
Thời gian quen nhau, cả 2 người có chung thói quen là ngày cuối tuần thường tụ tập bạn bè cà phê hoặc nếu cao hứng thì “chuyển tông” bia bọt lai rai. Bạn của người này dần trở thành bạn của người kia. Vậy mà ngày kia, nàng tuyên bố: “Em không muốn anh gặp mấy người bạn của anh nữa!”. Nghe ngạc nhiên quá, chàng bèn hỏi: “Tại sao vậy em?”. Nàng đáp tỉnh bơ: “Họ rủ anh nhậu nhiều quá!”. Cả tuần mới có dịp gặp nhau 1 bữa thì nhiều nhặn gì cơ chứ? Mà lúc ấy cũng có nàng kè kè bên cạnh kia mà? Bỏ mặc những lời “thanh minh thanh nga”, nàng vẫn không thay đổi ý kiến. Phải chăng chỉ vì muốn “người ấy” toàn tâm toàn ý với mình chứ không chia sẻ thời gian cho bất kỳ ai khác, dù đó là bạn rất thân?
Nghệ thuật thay đổi để không “hư bột hư đường”
Lý giải như thế nào là tùy hoàn cảnh của từng người, tuy nhiên, phải thấy rằng, muốn thay đổi tính cách của người bạn đời, cần phải có thời gian, là cả một quá trình tỉ tê, nhỏ to tâm sự chứ không thể lấy danh nghĩa vợ/chồng để ép buộc, áp đặt theo kiểu “muốn là được ngay”. Nếu quyết liệt muốn “cải tạo”, “góp ý”, “nhắc nhở” thay đổi cho kỳ được tính cách từng khiến mình si mê thì biết đâu “người đó” chẳng còn một chút gì hấp dẫn nữa. Lúc ấy, có thể “nửa kia” sẽ trở thành mẫu người khác rất nhạt nhẽo mà chính bản thân mình cũng… chán! Vậy thì, sau khi cưới nhau, chấp nhận đến mức độ nào hoặc muốn thay đổi tính cách của “nửa kia” là cả một nghệ thuật. Mọi thứ chỉ có thể thay đổi khi có sự tự nguyện, tự giác chứ không thể “duy ý chí” từ một phía. Nếu không, sự việc sẽ tồi tệ hơn, “hư bột, hư đường” hết.