Nghe "Về đây nghe em" của Trần Quang Lộc để thấy dư âm vang vọng đời người

Phong Linh
09/06/2020 - 07:15
Nghe "Về đây nghe em" của Trần Quang Lộc để thấy dư âm vang vọng đời người

Cố nhạc sĩ Trần Quang Lộc

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã đi về phía cát bụi, nhưng còn để lại những dòng ca khắc khoải, thấm đẫm tình yêu và lòng khao khát chân thành.

Bài Về đầy nghe em được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ thơ từ bài thơ của A Khuê, với những hình ảnh gần gụi quen thuộc với mỗi miền quê Việt Nam đã gợi nhắc trong lòng người những hoài niệm sâu thẳm.

Ấy là đôi áo the, guốc mộc, là bài ca dao, là nồi ngôi khoai, là giọt sương mai, là tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng trên sông… Chỉ bằng những hình ảnh ấy đã gợi nên cả một ký ức ngọt dịu nên thơ nơi miền quê gắn liền với bao thế hệ Việt Nam.

Điệp khúc Về đây nghe em, về đây nghe em vang lên da diết, đi qua từng cung bậc của câu chuyện, như lời cầu khẩn một cuộc trở về của chàng trai si tình với người yêu thương đã bỏ miền quê thân thuộc ấy mà ra đi.

Không biết nơi miền xa kia có điều gì níu kéo, cuốn hút, nhưng ở nơi đây, là quấn quýt đầy kỷ niệm ái tình thần thuộc, là những chân thành gắn bó, là một phần mộng mơ, một phần cuộc đời mà nàng thuộc về.

Về đây nghe em, về đây nghe em/Về đây thả ước mơ đi hát dạo/Để chào mời bằng hạt sương mai/Để bằng lòng ngọt ngào hấp hối/Để hận thù người người lắng xuống/Và tìm nhau như tìm xót xa/Trong lúc lệ đã đầy vơi…

Được viết vào những năm 1969-1970, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang cao trào, bài hát da diết của Trần Quang Lộc mang đầy những ẩn dụ sâu sắc, hơn cả tình cảm nam nữ, đó còn là tiếng lòng da diết của một người con nước Việt dành cho Tổ quốc.

Quê hương ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm, quê hương nay đầy đau thương, nhưng quê hương cũng vô cùng êm đềm. Về đây nghe em, về đây để được khóc, được cười, được chia sẻ những tủi hờn, những khóc than.

Và trên tất cả, quê hương sẽ là dòng suốt mát lành, là ngọn nguồn của những tình cảm nguyên sơ, chân thành nhất:

Chở lòng người trở về quê hương/Chở hồn người vào dòng suối mát/Chở thật thà vào lòng dối trá…

Bài hát ngay từ khi ra đời đã được bao thế hệ người nghe nhạc say đắm, bởi chất trữ tình mênh mang, bởi sự da diết thâm trầm, lại được biểu đạt bằng những giản dị trong kỹ thuật sáng tác.

Âm nhạc không cần khoa trương, bởi ngay từ trong ca từ đã cất lên đủ đầy những thanh âm của xúc cảm, chạm được vào trái tim mỗi người nghe. Tôi tin rằng ai cũng từng bâng khuâng trước những giai điệu nồng nàn, đẹp đẽ của ca khúc Về đây nghe em.

Nghe ‘Về đây đi em’ của Trần Quang Lộc, thấy dư âm vang vọng của đời người - Ảnh 2.

Danh ca Tuấn Ngọc là người thể hiện thành công ca khúc "Về đây nghe em"

Rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ từng thể hiện bài hát Về đây nghe em của Trần Quang Lộc. Mỗi người một vẻ, mỗi người lựa chọn một cách thức truyền tải ẩm nhạc khác nhau, nhưng sâu kín trong mỗi giọng ca cất lên đều chất chứa nỗi niềm yêu thương đong đầy.

Trong vô số những bản thu âm của ca khúc, tôi đặc biệt mang nhiều xúc động nhất với giọng ca của Tuấn Ngọc, người đàn ông hát. Giọng hát tự sự, mang nhiều trầm tư trải nghiệm của một người đàn ông trải qua biển sóng thăng trầm của cuộc đời, đã tiếp cận được cái sâu thẳm đẹp đẽ, tĩnh lặng và da diết mà Trần Quang Lộc muốn gửi gắm trong ca khúc.

Sinh thời, nhạc sĩ Trần Quang Lộc từng kể: "Tôi viết Về đây nghe em năm 1969-70, thời điểm đó ở Sài Gòn thì chiến tranh đang ở cao trào. Buổi tối ở Sài Gòn lúc đó thời tôi còn đi học tối thì đi đánh đàn ở các quán bar. Thành phố Sài Gòn giới nghiêm, ban đêm chỉ còn lại những người lính viễn chinh Mỹ. Còn trong mấy quán bar chỉ còn lại những cô vũ nữ, cave… những cô sinh viên mặc mini jupe phục vụ trong những quán bar này…

Lúc ấy mình là con người Việt Nam nên có cái nhìn hình như có điều gì đó ray rức trong lòng… cảm nhận có cái gì đó mình không diễn đạt được. Mình cảm nhận có một sự mời gọi để quay về với quê hương, những day dứt đó mình viết thành ca khúc Về đây nghe em".

Cái "ray rức" của Trần Quang Lộc mãi hôm nay vẫn cứ còn vang vọng qua những ca từ, nói hộ tấm lòng tha thiết của biết bao người Việt. Tình yêu sâu đậm, vang vọng ấy, dù người hôm nay đã trở về nơi cát bụi. thì dư âm yêu thương vẫn còn vỗ theo từng nhịp sóng, chạm vào trái tim mỗi người yêu nhạc.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1949, tại Quảng Trị. Từ năm 20 tuổi, ông học tại Trường Quốc gia Âm nhạc Huế và bắt đầu sáng tác vào cuối thập niên 1960. Tuyển tập nhạc đầu tiên của ông được phát hành vào năm 1970 tại Sài Gòn mang tên Hát trong dòng sông xưa. Cùng với Về đây nghe em, ông được yêu mến qua những ca khúc Em còn nhớ Huế không, Có phải em mùa thu Hà Nội, Chợt nghe em hát…

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc điều trị ung thư suốt 5 năm qua. Ông từng phẫu thuật cắt bỏ bàng quang, sau đó ông tiếp tục bị chẩn đoán mắc ung thư phổi. Trong thời gian điều trị, bệnh đã làm ông hỏng một bên mắt. Những năm cuối đời, gia cảnh khiến việc chữa trị cho ông gặp nhiều khó khăn.

Vào 17 giờ 45 phút chiều 7/6, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã qua đời ở tuổi 71 tại nhà riêng ở TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm