Nghi hóa chất diệt muỗi gây bệnh đầu nhỏ

16/02/2016 - 16:49
Nguyên nhân gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh đang bị nghi ngờ là do hóa chất diệt ấu trùng muỗi có trong nước sinh hoạt tại Brazil. Tại Việt Nam có 9 tấn hóa chất này, nhưng chỉ sử dụng trong nước thải, nước công trình xây dựng.
Sáng 16/2, tại cuộc họp của Văn phòng đáp ứng dịch bệnh liên quan đến dịch bệnh Zika Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Việt Nam không sử dụng hóa chất Pyriproxyfen trong nước sinh hoạt, ăn uống. Hóa chất Pyriproxyfen là hóa chất vẫn được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép sử dụng để diệt ấu trùng muỗi trong nước. Mới đây, có thông tin hóa chất này có khả năng gây teo não ở trẻ.
Nhiều trẻ ở Brazil sinh ra mắc hội chứng đầu nhỏ.
Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh truyền nhiễm Mỹ tại Việt Nam nói rằng: Việc nghi ngờ hóa chất Pyriproxyfen là nguyên nhân gây ra bệnh teo não Zika ở trẻ đang được tiến hành điều tra, chưa có kết luận rõ ràng. Việc dùng thuốc diệt ấu trùng muỗi tại Brazil đã áp dụng thời khá dài tại vùng có dịch sốt xuất huyết và sốt rét. Hóa chất pyriproxyfen dùng ở tất cả các quốc gia, chứ không riêng gì Brazil.
 
Mối liên quan giữa virus Zika với hội chứng đầu nhỏ và viêm đa rễ thần kinh đang tiếp tục được điều tra. Ngày càng có bằng chứng rõ ràng, nhưng vẫn chưa thể khẳng định virus Zika liên quan đến 2 hội chứng này.
 
Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), Việt Nam cho phép nhập khẩu hóa chất Pyriproxyfen từ năm 2010 nhưng đến năm 2012 hóa chất này mới về Việt Nam. Tính đến tháng 4/2014, có hơn 9 tấn hóa chất Pyriproxyfen nhập vào Việt Nam và khoảng  2 tấn đã được bán. Đây là hóa chất duy nhất được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép sử dụng trong nước sinh hoạt.
 
Hiện đã có 36 quốc gia có ghi nhận nhiễm virus Zika. Một số nước trong đó có Thái Lan, Trung Quốc ghi nhận ca bệnh xâm nhập là người du lịch về từ châu Mỹ, vùng Caribe.

Trung Quốc – nước láng giềng của Việt Nam - thông báo đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika xâm nhập về từ vùng dịch. Cơ quan y tế Trung Quốc cho rằng nguy cơ lan truyền virus tại cộng đồng ở Trung Quốc vào thời điểm này là không lớn do thời tiết lạnh tại Trung Quốc không phù hợp cho muỗi phát triển. Tại Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika. Tuy nhiên nước ta có bệnh sốt xuất huyết cùng với sự tồn tại của loại muỗi Aedes, là muỗi truyền virus Zika. Hoạt động du lịch, thương mại, xuất khẩu lao động rất lớn đến các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh do virus Zika khiến nguy cơ virus xâm nhập và lan truyền tại nước ta khá cao.

Bệnh do  virus Zika thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Các điều tra dịch tễ cho thấy có thể có mối liên hệ giữa chứng đầu nhỏ với các trẻ được sinh từ những bà mẹ bị nhiễm virus Zika  trong thời kỳ mang thai. Phương thức lây truyền chủ yếu của virus Zika là qua muỗi Aedes (loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết), có một số bằng chứng có thể gợi ý virus có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục; tuy nhiên sự ghi nhận là rất hiếm. Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày.
 
Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika khi không cần thiết. Người đi tới và về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika phải chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Để phòng chống bệnh do virus Zika, người dân hãy áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng).
 
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm