Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 2020: Chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%

11/11/2019 - 10:39
Sáng nay 11/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với 88,02% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Trong đó, Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 đến 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

Theo đó, nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát cho năm 2020 là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi.

Phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân…

Về các chỉ tiêu chủ yếu, có ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu GDP tăng từ 6,8% trở lên, ý kiến khác đề nghị chỉ tiêu này nên trong khoảng từ 6,7-6,8%, không ghi "khoảng 6,8%".

 

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

  

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kết quả thực hiện trong năm 2019 sẽ là cơ sở cho chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020, khi dự báo về bối cảnh, tình hình của năm 2020 còn nhiều biến động khó lường, tính toán, cân đối các nguồn lực, Chính phủ báo cáo Quốc hội mục tiêu tăng GDP năm 2020 khoảng 6,8% là mức tăng hợp lý, bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Về chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%, mặc dù mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong những năm vừa qua là như nhau, tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc duy trì tỷ lệ hộ nghèo giảm trong những năm cuối của nhiệm kỳ là khó khăn hơn các năm trước, vì bao gồm nhiều đối tượng nghèo đặc biệt khó khăn như người cao tuổi, người khuyết tật, neo đơn... Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ mục tiêu giảm nghèo từ 1-1,5% thấp hơn so với năm trước.

Về các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Quốc hội cơ bản tán thành nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra, giám sát chuyên đề.

 

Đại biểu bấm nút thông qua Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020

 

Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Kết luận số 63-KL/TW ngày 18/10/2019 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2020 gồm:

  1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%;
  2. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%;
  3. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%;
  4. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP;
  5. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%;
  6. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%;
  7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%;
  8. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh;
  9. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%;
  10. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%;
  11. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm