pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghiên cứu mới: Giảm cân hiệu quả hơn nhờ ngủ đủ giấc
Theo khuyến cáo của Viện Y học về giấc ngủ Hoa Kỳ, thời lượng ngủ của người trưởng thành trong độ tuổi từ 18-60 nên đạt ít nhất 7 tiếng mỗi đêm để đảm bảo sức khỏe cả về thể chất về tinh thần. Tuy nhiên, dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật nước này lại có đến hơn 30% số người trưởng thành tại Hoa Kỳ không ngủ đủ giấc.
Thiếu ngủ gây nên nhiều hậu quả khác nhau cho cơ thể, trong đó có vấn đề về kiểm soát cân nặng. Đây là điều đã được chứng minh bởi các nghiên cứu từng được thực hiện trong quá khứ. Giấc ngủ bị hạn chế dẫn đến làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, tăng cân và béo phì.
Đồng thời, giấc ngủ chất lượng kém còn làm tăng đáng kể cảm giác thèm ăn các loại thức ăn giàu năng lượng và chứa nhiều carbohydrate. Điều này lại càng thúc đẩy tình trạng tăng cân dễ dàng xảy ra hơn.
Đọc thêm:
Giảm cân hiệu quả hơn nhờ chế độ nhịn ăn gián đoạn 5:2
Uống nước chanh có giảm cân không? Bật mí cách giảm cân bằng chanh an toàn và hiệu quả
Tuy nhiên các nhà khoa học đến từ Đại học Copenhagen mới đây đã công bố một nghiên cứu mới tại Đại hội về Béo phì Châu Âu năm 2022. Kết quả của nghiên cứu đã góp phần bổ sung thêm các bằng chứng mới về mối quan hệ giữa giấc ngủ và trọng lượng cơ thể. Cụ thể, giấc ngủ chất lượng kém khiến mọi người khó duy trì nỗ lực kiểm soát cân nặng sau khi giảm cân.
Tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Signe Torekov cho biết, những người trưởng thành thiếu ngủ hoặc có chất lượng giấc ngủ thấp sau khi giảm cân thường khó đạt được mục tiêu duy trì cân nặng hơn so với người ngủ đủ giấc.
Nghiên cứu mới về giấc ngủ
Để thực hiện nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã thực hiện đánh giá thông tin về chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ của 195 người mắc bệnh béo phì. Dữ liệu về những người này được cung cấp từ Thử nghiệm Kiểm soát giả dược ngẫu nhiên có kiểm soát S-LiTE.
Trong 8 tuần đầu tiên của nghiên cứu, các tình nguyện viên sẽ phải áp dụng một chế độ ăn nghèo calo. Kết quả đạt được là những người này đã giảm trung bình đến khoảng 12% trọng lượng cơ thể.
Sau đó nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi thêm các tình nguyện viên trong thời gian kéo dài 12 tháng. Ở giai đoạn này, các tình nguyện viên sẽ được chia làm các nhóm khác nhau một cách ngẫu nhiên để nhận được sự can thiệp khác nhau, bao gồm:
- Tiêm giả dược hằng ngày.
- Tiêm giả dược và luyện tập thể dục hằng ngày.
- Tiêm 3 mg thuốc giảm cân liraglutide hàng ngày.
- Tiêm thuốc liraglutide hàng ngày kết hợp với tập thể dục.
Bộ câu hỏi về Chỉ số Chất lượng giấc ngủ tại Pittsburgh (PSQI) là công cụ mà nhóm nghiên cứu lựa chọn sử dụng để đánh giá chất lượng giấc ngủ của các tình nguyện viên. Theo đó, những người có điểm số PSQI lớn hơn 5 điểm là những người có giấc ngủ kém, và những người có giấc ngủ tốt là những những người có điểm số PSQI nhỏ hơn 5 điểm.
Đồng thời các nhà khoa học cũng tiến hành gắn gia tốc kế cho những người tham gia để đánh giá thời lượng ngủ của họ vào 4 thời điểm khác nhau. Những thời điểm này bao gồm trước và sau 8 tuần áp dụng chế độ ăn calo thấp, thời điểm tuần thứ 26 và tuần thứ 52 của 12 tháng theo dõi kế tiếp.
Giấc ngủ và mối quan hệ với giảm cân
Theo tiến sĩ Jane Odgen đến từ Đại học Surrey cho biết, giữa giấc ngủ và cân nặng chắc chắn tồn tại một mối liên hệ nào đó với nhau. Tuy nhiên, liệu rằng đó là tăng cân gây ngủ kém hay ngủ kém là gây tăng cân thì lại là điều chưa được biết rõ.
Trong giai đoạn đầu của nghiên cứu này, việc giảm cân có liên quan đến sự cải thiện giấc ngủ. Bởi các tình nguyện viên đã tăng thêm được 0,8 điểm chất lượng giấc ngủ PSQI và ngủ nhiều hơn khoảng 17 phút sau khi áp dụng chế độ ăn ít calo trong 8 tuần.
Nhưng giai đoạn này lại không có sự phân chia các nhóm đối chứng và ngẫu nhiên với nhau. Do đó chưa thể khẳng định liệu sự cải thiện giấc ngủ này có phải là do giảm cân gây nên không, hay là do một yếu tố nào khác như thời gian, ăn nhiều trái cây và rau củ, hoặc do những người tham gia đang phải ở trong một cuộc nghiên cứu,...
Còn giai đoạn theo dõi kéo dài của nghiên cứu lại cho thấy sự thay đổi của chỉ số BMI không giống nhau phụ thuộc tình trạng giấc ngủ. Với những người béo phì ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm hoặc có chất lượng giấc ngủ kém thì chỉ số BMI được ghi nhận đã tăng lên đến 11,6kg/m2, trong khi đó chỉ số này lại giảm đi 0,16kg/m2 ở những người béo phì ngủ nhiều hơn 6 tiếng mỗi đêm.
Tiến sĩ Jane Odgen cho biết, sự tăng cân ở những người ngủ ít và có giấc ngủ kém là điều đã được dự báo từ ban đầu và kết quả này không phải là một điều ngẫu nhiên. Do đó, mặc dù ngủ kém và tăng cân có mối quan hệ nhất định với nhau nhưng chúng lại không phải là nguyên nhân của nhau. Bởi việc thèm ăn nhiều hơn vào ban đêm khi ngủ kém có thể mới chính là nguyên nhân dẫn đến tăng cân chứ không phải là do giấc ngủ.
Tập thể dục đóng vai trò quan trọng
Nghiên cứu này cũng nhận thấy, những người tham gia hoạt động nhiều duy trì sự cải thiện chất lượng giấc ngủ liên quan đến chế độ ăn tốt hơn so với những người ít vận động.
Vì vậy theo Tiến sĩ Signe Torekov, tập thể dục có thể là phương pháp đầy hứa hẹn để duy trì hiệu quả giảm cân nhờ cải thiện giấc ngủ. Những người trưởng thành không ngủ đủ giấc hoặc có chất lượng giấc ngủ kém có thể sẽ nhận được các lợi ích nhờ vào các biện pháp hỗ trợ giấc ngủ và hỗ trợ giảm cân, chẳng hạn như tập thể dục.
Còn Tiến sĩ Jane Odgen thì cho rằng, mối quan hệ giữa giấc ngủ và cân nặng liệu có phải là một mối quan hệ nhân quả hay không vẫn chưa phải là điều được biết rõ. Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra tập thể dục có thể giúp duy trì giấc ngủ tốt hơn. Vì vậy cách tốt nhất chính là tăng cường tập thể dục, từ đó làm cải thiện giấc ngủ và giúp giảm cân hiệu quả hơn.
Nguồn tham khảo: Getting enough quality sleep may be the key to weight loss