'Nghiện' tập thể hình – lợi bất cập hại

21/04/2017 - 17:10
Tập thể hình về bản chất là hoạt động mang lại nhiều lợi ích cả về sức khỏe lẫn thẩm mỹ nhưng nếu người tập không biết cân bằng, hành vi này có thể gây nghiện.

Một cô gái trẻ là “tín đồ” của một phòng tập gym ở phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM cho biết, mỗi ngày cô tập đều đặn khoảng 4 tiếng đồng hồ, với nhiều bài tập rất nặng. “Tập phải “đủ đô” thì lát nữa về mới ngủ ngon giấc được. Không thì cứ trằn trọc mãi, sáng dậy không nổi, còn mệt hơn”, cô cho biết.

Buổi trưa ở một quán cơm văn phòng ở quận 1, chúng tôi gặp một nhóm bạn nữ, hầu hết đều có vóc dáng “cực chuẩn”. Thế nhưng, trong số đó có vài cô tỏ ra mệt mỏi, ngáp ngắn ngáp dài, đôi mắt lờ đờ như không có sinh khí. Một người trong nhóm giải thích: “Mấy bạn này lên cơn… nghiện tập thể hình đấy. Hễ trưa nào không đi tập được là lại vật vờ chẳng khác nào lên cơn nghiện… ma túy. Vậy chứ mà chỉ cần đến phòng tập, “nạp” vô vài bài là lại khỏe re ngay thôi mà!”.

the-hinh-13.jpg
Nếu tập không đủ "đô" họ dễ cảm thấy mệt mỏi, buồn bã như người lên cơn nghiện. Ảnh minh họa

Tiếp cận những “triệu chứng” nói trên, chúng tôi không khỏi liên tưởng tới trường hợp của những anh chàng nghiện bia, rượu: Khi chưa “nạp” đủ nồng độ thì họ cũng cảm thấy mệt mỏi, về đêm cứ trằn trọng, không tài nào ngủ được!

Trao đổi với một số bạn trẻ, mới biết tình trạng “nghiện tập thể hình” đã trở thành “vấn nạn” của rất nhiều người, nhất là từ khi phong trào tập thể hình “bùng phát” mạnh mẽ trong cả phái nam lẫn phái nữ, cả người trẻ lẫn người già.

Việc nhiều phòng tập thể hình được nâng cấp, đầu tư hàng tỷ đồng để tăng sức hấp dẫn cũng như nâng cao hiệu quả tập luyện, càng khiến cho tình trạng “nghiện” phát triển mạnh hơn, rộng rãi hơn.

Vì nghiện mà nhiều người phải nhịn ăn, giảm mặc, cắt bớt chi tiêu, thậm chí cả đi vay mượn để có tiền mua phiếu tập với mức giá ngày một đắt đỏ.

the-hinh-3.jpg
Tập thể hình ở mức vừa phải thì tốt, nhưng nếu bị nghiện thì sẽ dẫn tới nhiều hậu quả

Ban đầu, nhiều người chỉ nghĩ rằng, cần phải tập thể hình để có được một thân hình “lý tưởng”, với “bụng 6 múi”, thân hình “đồng hồ cát”,… nhưng mặc dù tiếp cận với môn tập thể hình sau nam giới, sự “cuồng tín” của nhiều phụ nữ đã khiến cho tỷ lệ rơi vào tình trạng “nghiện” tập thể hình hiện cao hơn so với nam giới.

Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam, hành vi nghiện tập thể hình là có thật. “Đây là hành vi nghiện mới với những dấu hiệu thường thấy là: Thường xuyên tham gia tập thể hình với mức độ dày đặc, trong cuộc sống chỉ quan tâm đến chuyện tập luyện, bỏ bê cả công việc, học tập. Sự mất cân bằng xuất hiện và ngày một trầm trọng hơn”.

Đồng quan điểm, nhà Vô địch thể hình thế giới Phạm Văn Mách cũng cho biết, nguyên nhân dẫn tới nghiện là “bởi vì họ có tâm lý muốn xây dựng cơ bắp, thân hình khỏe đẹp càng nhanh càng tốt, nên lao vào tập luyện rất nhiều, đến một lúc nào đó thì không còn biết đâu là điểm dừng. Thế nhưng cách này không đúng, thậm chí phản tác dụng, vì tập luyện với cường độ cao khiến cơ thể mệt mỏi, suy kiệt”.

Trong tập thể hình, cần phải luôn đảm bảo sự cân bằng
 

Vì thế, cả chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn và lực sĩ Phạm Văn Mách đều đưa ra lời khuyên: Mặc dù tập thể hình về bản chất là hoạt động mang lại nhiều lợi ích cả về sức khỏe lẫn thẩm mỹ, nhưng cần đảm bảo sự cân bằng, không để mình lệ thuộc vào việc tập thể hình, cũng không để việc nghiện tập thể hình tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới các mục tiêu khác của cuộc sống, và còn có thể dẫn tới không ít hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe và nhan sắc của chính bản thân…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm