Ngoáy tai - việc làm vô ích

11/12/2015 - 09:32
Nhiều phụ huynh thường ngoáy hoặc lấy ráy tai cho con mà không biết rằng, việc làm này dễ tác động xấu đến màng nhĩ của trẻ.
Bé Nguyễn Nam Phong, 4 tuổi, ở Hà Nội, được mẹ đưa đến một phòng khám tai mũi họng tư tại Khu tập thể Nghĩa Tân, Hà Nội, với lý do: Ráy tai che kín lỗ tai, bé liên tục đưa tay lên ngoáy, không chịu cho người lớn lấy ra. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết, tai bé có biểu hiện viêm, tấy đỏ vùng trong tai và rỉ nước. Nếu bé không chịu hợp tác điều trị thì buộc phải gây mê để lấy ráy tai ra. Rất may, sau khi nhỏ thuốc và bố mẹ phối hợp động viên, bé ít ngọ nguậy nên bác sĩ đã lấy ra cục ráy có màu vàng, bên trong có màu sẫm. Nếu để một thời gian nữa, tình trạng viêm nặng hơn thì quá trình điều trị sẽ khó khăn.

Cha mẹ nên cẩn trọng khi ngoáy và lấy ráy tai cho trẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), cha mẹ không nên dùng tăm bông ngoáy tai cho con. Thực tế, có nhiều trẻ bị thủng màng nhĩ do phụ huynh quá nhiệt tình “nạo vét” trong tai hoặc do bé tò mò, dùng tăm bông thọc vào tai mình đúng như cách mà bố mẹ vẫn làm với bé. Vì thế, tốt nhất nên tránh dùng tăm bông hoặc các vật dụng dài để đưa vào tai của trẻ. Nếu quá mạnh tay, tăm bông có thể làm tổn thương, thậm chí gây thủng màng nhĩ. Hằng ngày, sau khi tắm cho bé, phụ huynh chỉ cần dùng khăn ướt lau nhẹ vùng tai ngoài là được.
 
Không nên lấy ráy tai

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức, ráy tai là hỗn hợp hòa tan trong nước của da chết, lông và chất tiết từ các tuyến nhầy ở ống tai. Ráy tai chỉ được hình thành ở 1/3 ống tai, phía ngoài, phần sâu bên trong gần với màng nhĩ không sản sinh chất này. Ráy tai có tác dụng diệt khuẩn, diệt nấm và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước. Đây là một phần cơ chế tự bảo vệ của tai, giúp làm sạch, ngăn không cho bụi và vi khuẩn từ môi trường đi sâu vào bên trong tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ. Sự tích tụ của ráy tai không hề gây nhiễm trùng tai như nhiều người thường nghĩ.

Nhiều người nhầm tưởng cần loại bỏ ráy tai hằng ngày như một biện pháp vệ sinh thân thể. Trong đa số trường hợp, ống tai ngoài sẽ tự làm sạch. Nhờ động tác nhai và chuyển động của hàm, ráy tai cũ và các tế bào da chết liên tục di chuyển từ phía màng nhĩ tới lỗ tai ngoài. Chúng khô dần và rơi ra ngoài.

Vì thế, người lớn không nên thường xuyên ngoáy tai cho trẻ, tốt nhất là không đụng gì đến tai của bé. Với trẻ cảm thấy khó chịu, hay cho tay vào tai ngoáy, người lớn có thể làm mềm ráy tai ở nhà bằng cách dùng dung dịch oxy già pha loãng để làm vệ sinh tai theo hướng dẫn của bác sĩ. Không phải cứ thọc sâu vào bên trong tai để lấy ráy là tốt mà chỉ cần vệ sinh nhẹ nhàng bên ngoài bằng vật dụng vệ sinh, đảm bảo. Thường xuyên lấy ráy tai sẽ làm mất đi lớp bảo vệ niêm mạc ống tai, thậm chí làm tai ẩm ướt có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Nếu bị ráy tai khô, dễ gây tình trạng viêm tai. Với những trường hợp này, cần đưa trẻ đi khám để bác sĩ có thể dùng dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ ráy tai. Ngoài ra, ống tai ngoài quá nhỏ hoặc hình dáng khác thường có thể khiến ráy tai khó thoát ra ngoài, dẫn tới hình thành nút ráy tai. Nút ráy tai cũng xuất hiện khi chất này bị đẩy sâu vào trong ống tai. Khoảng 6% số người bị nút ráy tai. Nguyên nhân hay gặp nhất là do sử dụng tăm bông hoặc những vật dụng khác để lấy ráy tai. Bởi động tác này chỉ giúp loại bỏ phần ráy tai ở nông bên ngoài, trong khi lại đẩy phần ráy tai còn lại vào sâu hơn bên trong, tạo điều kiện hình thành nút ráy tai.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm