Ngón tay cò súng vì 'nghiện” smartphone

14/01/2016 - 16:13
Sử dụng smartphone và máy tính bảng nhiều giờ trong ngày có thể khiến ngón tay cái bị đau nhức, thậm chí nếu lâu ngày có thể dẫn đến bệnh ngón tay cò súng (Trigger Finger).
Nửa năm trở lại đây, chị Thúy Bình (33 tuổi), nhân viên chăm sóc khách hàng của một công ty nước ngoài tại quận 1 (TP HCM) liên tục bị đau hai ngón tay cái mà không biết nguyên nhân, đến mức chị không thể gập hai ngón tay áp sát vào lòng bàn tay được. Ban đầu, chị Bình nghĩ có thể do đi ngủ buổi tối chị nằm đè lên tay hoặc xách đồ nặng khiến ngón tay chị đau nhức. Tuy nhiên, sau nhiều tháng, tình trạng đau không những thuyên giảm mà còn tăng nhanh, ngay cả khi chị không làm gì, khớp xương ở hai ngón tay cái của chị cũng có triệu chứng đau, nhức.

 Sử dụng smartphone nhiều có thể gây bệnh ngón tay cò súng. Ảnh: Nguyễn Hằng.

Lo lắng cho tình trạng ngón tay bị đau, chị Bình tìm đến khoa xương khớp của một BV tại quận 10 để được khám, chẩn đoán và điều trị. Tại đây, sau khi khám lâm sàng, BS kết luận chị Bình bị bệnh ngón tay cò súng, cần điều trị nội khoa. “Công việc của mình chủ yếu làm việc trên máy tính hoặc điện thoại. Ngoài ra, thời gian rảnh mình lại lướt smartphone để tán gẫu với bạn bè hoặc đọc báo, update thông tin trên Facebook… Bình quân, cứ 2 phút mình lại mở điện thoại, dung ngón cái trượt lên xuống, còn lúc nói chuyện với bạn thì dùng cả hai ngón cái, gõ tin nhắn. Không ngờ, đó lại là nguyên nhân khiến ngón tay của mình bị bệnh”, chị Bình chia sẻ.
Cùng tình trạng như chị Bình, anh Phước Hoàng (26 tuổi), ngụ tại quận Tân Bình (TP HCM) cũng từng phải đến BV để điều trị ngón tay đau nhức bởi chứng “nghiện” smartphone và máy tính bảng. Anh Hoàng cho biết, từ khi các trang mạng xã hội trở nên phổ biến, đặc biệt là khi smartphone giá rẻ tràn ngập thị trường, ngay từ khi còn là sinh viên, anh và các bạn của mình không khó để có thể sở hữu những chiếc smartphone, giúp cho việc học, chơi game, giải trí và kết nối với bạn bè trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sử dụng smartphone với tần suất cao mỗi ngày khiến ngón tay của anh Hoàng trở nên đau nhức. “BS nói mình phải chích thuốc, tập vật lý trị liệu, đặc biệt là phải “cai nghiện” smartphone. Từ đó, mình phải chuyển qua dùng điện thoại bấm nút truyền thống như trước đây”, anh Hoàng kể.
Chia sẻ về bệnh ngón tay cò súng, BS Nguyễn Thành Nhân, khoa Chấn thương chỉnh hình, BV ĐH Y Dược TPHCM cho biết, ngón tay cò súng hay còn được gọi với nhiều tên khác nhau như: Ngón tay lò xo, ngón tay bật, viêm bao gân gấp, viêm gân gấp ngón tay… là bệnh xương khớp thường xảy ra ở các ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái. Triệu chứng khi mới bị, người bệnh có thể thấy đau nhẹ ở dưới đáy các ngón tay, ấn vào thấy đau, cử động chỉ cảm thấy hơi vướng. Về sau ngón tay bị vướng khi cử động gập duỗi, nếu ngón tay đã duỗi thì rất khó gập lại và ngược lại, khi cố gắng gập lại hoặc duỗi ra, người bệnh thường nghe 1 tiếng “bậc”. Những cơn đau đối với ngón tay thường nặng vào buổi sáng và nhẹ dần lên trong ngày.

 Nhiều trường hợp đến BS thăm, khám bệnh khi ngón tay cái bị đau. Ảnh: Nguyễn Hằng.

Cũng theo BS Nhân, những nguy cơ dẫn đến bệnh ngón tay cò súng thường liên quan đến yếu tố làm việc quá mức bàn tay. Những người dễ mắc bệnh là Nhân viên văn phòng, thợ may, thợ hồ, đánh máy nhiều đặc biệt là sử dụng smartphone nhiều… Ngoài ra, một số bệnh lý khác như viêm đa khớp dạng thấp, gout, u bao hoạt dịch cũng là nguyên nhân dẫn tới Ngón tay cò súng. “Có nhiều phương pháp điều trị đối với Ngón tay cò súng. Có thể sử dụng thuốc kháng viêm để giảm sưng, phù nề của gân và bao gân bị viêm nếu bệnh ở giai đoạn nhẹ; chích kháng viêm tại chỗ, giúp giảm nhanh triệu chứng, tối đa 2-3 lần, mỗi lần chích cách nhau 1-2 tuần; nếu bệnh vẫn không bớt, có thể thực hiện tiểu phẫu hoặc phẫu thuật để mang lại hiệu quả”, BS Nhân cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm