Ngóng Tết

Biệt Sa
24/01/2020 - 07:41
Ngóng Tết
Ai còn thong dong còn những non tháng nữa mới đến Tết chứ nhà Thị từ đầu Chạp đã như thấy Tết đứng ngoài ngõ rồi. Tết hiện hình trên bức tường vẽ toàn hoạt họa. Đã chục năm nay, nhà Thị mới lại được thay áo mới. Những bức tranh tường sinh động thay cho lớp sơn trắng đã ố vàng.
Ngóng tết… - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Đã mấy năm nay mới giở lại nghề cũ, Thị lấy làm tâm đắc lắm, mặc cho quay hình lên lão chồng cứ lắc đầu: "Nhà cứ như trường mẫu giáo ấy". Chê vậy nhưng miệng lão tươi cười, mặt mày rạng rỡ. Chuyện! Mấy năm rồi lão mới lại về nước ăn Tết. Tết năm nay đặc biệt hơn vì sau 10 năm lấy chồng, lần đầu tiên Thị được ăn Tết ở nhà ngoại.

4 cái Tết vắng lão, muốn lắm, nhưng Thị vẫn ghìm lòng "chôn chân" ở nhà chồng, trọn vẹn mấy ngày Tết với bố mẹ chồng. Nhà mẹ đẻ Thị chỉ cách vài cây số, nào có xa xôi gì. Nhưng nhà chồng neo người. Bố mẹ chồng Thị chỉ có hai mụn con. Chồng Thị đi vắng đã đành, cô em cũng lại lấy chồng xa, bố mẹ chồng cô đều ốm yếu cả, chồng là bộ đội biên phòng đóng quân xa nhà. Năm nào cũng thế, giáp Tết cô ôm con tranh thủ tạt về ăn với bố mẹ một bữa cơm rồi đi bặt lúc nào nhà có việc mới lại về. Năm nay thì khác, chưa đến mùa đông, cô em chồng đã ríu ran báo sẽ về ăn Tết nhà ngoại.

Nhà Thị cũng không khá khẩm hơn. Có hai ông anh trai thì rủ nhau đi Tây lập nghiệp cả. Đã vậy một ông lấy vợ người tận miền Tây, một ông lấy vợ sinh ra ở nước ngoài, bà nào cũng mắn, cứ vài năm sòn sòn một đứa thì còn biết đi đâu về đâu.

Thiên hạ ai cũng bảo bố mẹ Thị sướng. Thì hai ông con trai với lại ông con rể đều làm việc ở nước ngoài, lộc lá để đâu cho hết. Họ đâu có biết những dịp lễ Tết, con gái bận bịu việc nhà chồng, bạn già cũng không rảnh để đi thể dục, sinh hoạt câu lạc bộ tạm ngưng, hai ông bà già vào ra bốn mắt nhìn nhau than vắn thở dài, đến bữa ăn quấy ăn quá, nằm mãi mỏi lưng, xem ti vi mãi mỏi mắt, lại bấm điện thoại cho con gái, không dám gọi sang mà chỉ hỏi han vu vơ. Ngóng nhà người ta thấy dâu rể con cháu nô nức nói cười lại rơm rớm chạnh lòng. Nhìn cách ăn mặc, chi tiêu chừng mực của bố mẹ Thị, chẳng ai nghĩ là người có tiền, có con cái thành đạt. Thị có cằn nhằn bố mẹ đừng tiết kiệm quá thì các cụ bảo già cả rồi, có nhu cầu tiêu pha, se sua gì đâu. Thị biết hai ông anh vẫn gửi tiền về đều đều. Chồng Thị thi thoảng cũng nhắc vợ gửi biếu bố mẹ vợ một ít nhưng bao năm vẫn vậy, nếp nhà ấu thơ của chị gần như không thay đổi. Vẫn vuông sân gạch, cây đại hoa trắng, căn nhà hai tầng bốn phòng ngủ, kiểu cũ nhỏ xinh nép mình dưới những công trình bề thế ngay giữa lòng thành phố. Đôi lần anh em Thị dò ý bố mẹ xem sửa sang lại nhà cửa cho rộng rãi, hoành tráng, mới mẻ hơn. Nhưng lần nào cũng vậy, bố mẹ cười cười: "Nhà vẫn còn rộng chán, còn trống những ba phòng chả có ma nào ở cho".

Thị thấy cũng phải. Ba cái phòng ấy nguyên là phòng của ba anh em Thị. Cái phòng ở tầng một, đối diện phòng bố mẹ, thi thoảng mẹ con Thị về còn ngả lưng. Còn lại hai căn phòng ở tầng trên, sợ mốc, mọt, hai cụ vẫn phải lau dọn thường xuyên. Mỗi lần quét dọn, sắp xếp lại, mẹ Thị vẫn lần sờ kể sự tích từng cuốn sách và những món đồ lưu niệm của các con.

Từ hôm nghe tin hai ông con trai và ông con rể sẽ về ăn Tết, không cụ ông thì cụ bà, tuần nào cũng gọi điện dò ý Thị chủ nhật có rảnh không? Lo các con, các cháu sống ở nước ngoài đầy đủ tiện nghi về với bố mẹ đơn sơ, cũ kỹ quá, các cụ quyết định tân trang lại phần nào nội ngoại thất trong nhà. Tinh thần vẫn là gìn giữ, tu bổ kỷ niệm, quá khứ. Cụ ông không tiếc tiền sắm sửa, thậm chí cất công thuê một anh kiến trúc sư là người quen tư vấn sắp xếp, thiết kế lại một số hạng mục để trông nhà cửa hiện đại, rộng rãi, tiện ích hơn.

Mãi mới hòm hòm ưng ý. Cụ bà xắng xở sắm sửa hàng mấy tháng trời. Cụ vốn đã kỹ tính chuyện đồ ăn thức uống, tuổi già nhớ nhớ quên quên, nay như con kiến tha lâu đầy tổ, mỗi ngày lại nhớ ra một thức cần mua để dự trữ. Lo một cái Tết mà còn hồi hộp, nhiêu khê hơn đám cưới ba anh em cộng lại.

Nói vậy nhưng Thị cũng háo hức đâu kém gì. Cứ nghĩ đến ba ngày Tết được nằm khểnh nhìn bố mẹ móm mém say sưa ngắm bọn trẻ chơi đùa và gẫu chuyện xưa cũ với hai ông anh và chơi bài, uống rượu với mấy món nhắm tuyệt cú mèo của mẹ, lòng Thị lại nôn nao chờ mong. Mà đâu phải riêng mình Thị. Từ hôm đặt được vé máy bay, hôm nào mấy anh em vợ chồng cũng í ới gọi video nhóm, hết nhắc nhau mua đồ này thức nọ, lại khoe những gì bên này, bên kia đã chuẩn bị được cho cái Tết sum vầy. Phần Thị, bận bịu mấy cũng nhẩm tính, chuẩn bị, gói ghém đâu ra đấy, đầu tư cả chiếc giường tầng đặt trong căn phòng thời chưa lấy chồng, chỉ đợi đến ngày đến giờ là về ngoại ăn Tết.

Rồi ngày ấy cũng đến. Chờ đợi những mười năm để có cảnh cả nhà rồng rắn về, đứng chộn rộn bên nhau trong vuông sân nhỏ, nghiêm trang nghe bố, nghe ông nội chỉ thị về nơi ăn chốn ở. Hai phòng trên tầng hai cho vợ chồng hai anh với hai đứa con nhỏ. Hai phòng tầng dưới, một ông bà vẫn ngủ, một cho 3 cháu nội, giường tầng cô út đã mua sẵn sàng. Thị chưng hửng: "Thế còn nhà con?". "Như mọi năm thôi, con gái nhỉ!". Bố Thị nháy mắt cười. Như mọi năm, tức là Thị vẫn chủ yếu ăn Tết nhà nội, thi thoảng đáo qua nhà ngoại chơi. "Thôi cố nốt năm nay, năm sau tính tiếp, con nhé", mẹ Thị an ủi xuê xoa. Thị cười như mếu, Tết ơi là Tết... Ngong ngóng mãi Tết làm cho vỡ mộng...


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm