pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngư dân Quảng Ninh gượng dậy sau bão Yagi
Chị Nhung trắng tay vì cơn bão số 3
Làm lại từ 2 bàn tay trắng
Chị Phạm Thị Nhung cho biết, cách đây 3 tháng, gia đình chị đã đầu tư 3 tỉ đồng để nuôi 110 dây hàu. Đây là số tiền được vợ chồng chị tích cóp cả chục năm cộng với hơn 1 tỉ đồng cầm cố sổ đỏ để vay ngân hàng. Nếu thuận lợi, đến cuối năm, khi thu hoạch, vợ chồng chị sẽ có tiền trả ngân hàng và dư thêm một ít tiền để trang trải cuộc sống và lo cho 2 con ăn học.
Tuy nhiên, cơn bão Yagi đã cướp đi tất cả. Nhiều ngày nay, vợ chồng chị lo đến mất ăn, mất ngủ khi không biết phải chạy vạy đâu ra tiền để trả khoản lãi vay ngân hàng.
Theo anh Nguyễn Văn Thành, chồng chị Nhung, thôn Đông Hà có 50 hộ dân thì gần như 100% tổng số hộ đều nuôi trồng thủy sản. Sau bão, đa số các hộ dân này gần như mất trắng, hộ nào may mắn thì vớt vát lại được chút đỉnh.
Bố mẹ anh Thành là ông Nguyễn Văn Quý và bà Phạm Thị Đông năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng tài sản sau hơn 40 năm tích góp giờ cũng tan biến theo sóng biển. Ngoài ra, 4 người anh, em trai của anh Thành cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cơn bão đã "quét sạch" thành quả lao động bao năm, đẩy đại gia đình anh Thành và nhiều gia đình khác vào cảnh trắng tay, nợ nần.
"Còn người là còn của", mấy hôm nay bố con anh Thành vẫn động viên nhau như thế. Sinh ra ở vùng biển, gắn bó với biển nên họ đâu thể bỏ nghề được. Anh Thành cũng như người thân trong nhà giờ cố gắng gượng dậy sau bão, làm lại từ đầu để trước mắt có tiền trả nợ và trang trải cuộc sống.
Mong muốn lớn nhất của người đàn ông này bây giờ là được ngân hàng giãn nợ, tiếp tục tạo điều kiện cho vay vốn để tái nuôi trồng.
Gần 2 tiếng vượt sóng biển vịnh Bái Tử Long, chúng tôi đến xã Thắng Lợi. Đây là xã đảo xa nhất của huyện Vân Đồn khi cách đất liền 40km. Sau cơn bão lịch sử, xã Thắng Lợi cũng trở nên hoang tàn. Rừng cây trên những ngọn núi bao bọc quanh xã đảo này bị gió vò gãy đổ, xơ xác.
Năm nay đã 86 tuổi, cụ bà Phạm Thị Hoa có 11 người con (6 trai, 5 gái). Tất cả những người con của bà đều sinh ra, lớn lên và gắn bó với biển. Người đánh bắt, người nuôi thủy sản nhưng sau bão, tất cả đã trắng tay. Tuổi cao, sức yếu, bước đi khó nhọc nhưng bà Hoa vẫn động viên các con "không được gục ngã, không được buông xuôi".
Hoàn cảnh như gia đình cụ Hoa, ở xã đảo Thắng Lợi đâu đâu cũng gặp. Người ít thì mất vài tỉ đồng, người nhiều thì cả chục tỉ đồng. Thế nhưng, mấy hôm nay, thay vì ủ rũ, họ động viên nhau vượt qua nghịch cảnh.
Mong được giãn nợ và được vay vốn mới để tái sản xuất
Bão đi qua, để lại cho Quảng Ninh những thiệt hại nặng nề, ước tính sơ bộ, toàn tỉnh thiệt hại kinh tế khoảng 23.770 tỉ đồng, chiếm hơn một nửa số thiệt hại của toàn quốc. Thiệt hại về người có 25 người chết, hơn 1.000 người bị thương.
Về tài sản, 70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ; 165 tàu, phương tiện thủy bị chìm. Hơn 102.800 nhà dân bị tốc mái; 251 nhà bị đổ sập; 4.942 nhà bị ngập; 7.500ha lúa bị ngập; hơn 500.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Bão Yagi đã biến những vùng nuôi trồng đầy triển vọng trước đây trở thành những vùng nước trắng. Theo thống kê sơ bộ của huyện Vân Đồn, bão số 3 đã gây thiệt hại trên 2.200 tỉ đồng cho người dân nuôi trồng thủy sản trên biển.
Trong đó, nhuyễn thể thiệt hại ước tính trên 1.300 tỉ đồng; cá biển trên 500 tỉ đồng; hải sản khác gần 400 tỉ đồng. Ngoài ra, bão còn gây thiệt hại cho 318 nhà bè; gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ.
Còn tại thành phố Cẩm Phả, ước tính có 158/371 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão, với tổng giá trị thiệt hại ước tính hàng trăm tỉ đồng. Tính đến ngày 11/9/2024, trên khu vực biển của thành phố chỉ có khoảng 39 hộ nuôi còn giữ lại được vài phần lồng bè, mức độ thiệt hại từ 50% đến 70%; 326 hộ còn lại gần như thiệt hại hoàn toàn.
Đáng nói, phần lớn các hộ đều nuôi các loại cá có giá trị cao như cá song, cá vược, cá chim vàng…
Tại thị xã Quảng Yên, toàn bộ 800 dây hàu, 1.700 lồng nuôi cá của các hộ nuôi trên địa bàn đều bị phá huỷ sau bão. "Của đau con xót", những ngày này, nhiều người vẫn cố gắng ra biển tìm kiếm, hy vọng vớt vát một chút tài sản, từ mảnh bè gỗ, tới sợi dây treo hàu.
Ông Bùi Huy Chu, Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh dịch vụ nuôi trồng và sơ chế thủy hải sản Trường Đạt (TP Cẩm Phả), nói rằng, để nuôi trồng thủy sản cần rất nhiều vốn và hầu hết các hộ dân đều phải vay vốn từ ngân hàng. Sau bão, người dân gần như mất trắng, do vậy, ai cũng muốn được giãn nợ và được hỗ trợ để khôi phục ngành nghề thế mạnh này.
"Hợp tác xã Trường Đạt hiện có 16 hộ dân, thiệt hại khoảng 12 tỉ đồng, riêng tôi mất nhiều nhất, với 6 tỉ đồng. Sau bão, toàn bộ lồng bè đã tan hoang. Những ngày vừa qua, chúng tôi đang tập trung thu dọn và vớt vát chút ít còn sót lại. Cá mất, hạ tầng cũng bị xóa sổ.
Tôi đang nợ ngân hàng 4 tỉ đồng và còn rất nhiều hộ không thuộc hợp tác xã của chúng tôi nhưng đang nuôi ở khu vực này cũng bị thiệt hại rất lớn, có hộ mất 30 tỉ đồng. Chúng tôi rất muốn sớm khôi phục sản xuất nhưng điều đó bây giờ phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước".
Các địa phương đang tiếp tục rà soát thống kê thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, đồng thời lên kế hoạch để dọn vệ sinh môi trường biển trong thời gian tới, cũng như tạo điều kiện hỗ trợ để bà con có thể quay trở lại nuôi trồng trong thời gian ngắn nhất.
Để khắc phục hậu quả, toàn tỉnh Quảng Ninh đã huy động gần 70.700 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị quân đội, công an đứng chân trên địa bàn; 110 lượt máy xúc; 465 lượt tàu, xuồng để tập trung công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ, nhất là trên biển; hỗ trợ người dân dọn dẹp sau bão, tổng vệ sinh môi trường.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã nêu một số đề xuất với Chính phủ cho phép bổ sung đối tượng là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02 của Chính phủ.
Đặc biệt, ông Huy đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu cho khoanh, giãn nợ theo hướng được áp dụng đối với ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất; chính sách cho các hộ nuôi trồng thủy sản, hộ trồng rừng vay vốn; đề nghị cho tăng vốn điều lệ của các doanh nghiệp lâm nghiệp, miễn tiền thuê đất đối với doanh nghiệp lâm nghiệp và hộ nuôi trồng thủy sản trên biển.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (bão Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất. Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10/2024; một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.