pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngược đời như tỷ phú dầu mỏ Rockefeller dạy con trai: Muốn thành công phải là người "ngu ngốc"
Là tỷ phú đầu tiên trên thế giới, ông John D. Rockefeller (1839 - 1937) được biết đến với biệt danh "Vua dầu mỏ". Lúc sinh thời, tài sản cá nhân của ông ước tính tới hơn 1 tỷ đô la Mỹ. Thời kỳ đỉnh cao, ông độc quyền 80% ngành lọc dầu của Mỹ và 90% mảng kinh doanh đường ống dẫn dầu.
Được biết, ông Rockefeller không sinh ra trong gia đình giàu có. Ông xuất thân từ một gia đình nghèo khó và khi còn nhỏ phải sống dựa vào sự giúp đỡ từ hàng xóm láng giềng. Lớn lên trong hoàn cảnh như vậy, ngay từ khi còn là đứa trẻ, ông đã luôn tìm tòi mọi cách để có thể kiếm tiền. Có thể thấy đây là người có thể tự mình điều khiển và tạo ra vận mệnh bằng sự nỗ lực của bản thân.
Người xưa có câu: "Của cải và danh dự người thừa kế không quá 3 đời, đạo đức không quá 10 đời". Thế nhưng gia tộc Rockefeller trải qua 6 thế hệ vẫn là một trong những gia tộc giàu có nhất thế giới sau hơn 100 năm. Và sở dĩ con cháu của ông Rockefeller có thể tiếp nối vinh quang và thành công cho đến nay là nhờ vào sự giáo dục gia đình nhận được từ thời thơ ấu.
Rockefeller không chỉ là doanh nhân thành đạt mà còn là một người cha có học thức. Ông hiểu rõ rằng không phải tiền bạc mang lại hạnh phúc cả đời cho con mà là một nhân cách hoàn thiện, một trái tim mạnh mẽ và những thói quen tốt.
Bất cứ ai biết đến Rockefeller đều biết ông đã để lại 38 bức thư cho con trai mình. Những bức thư này ghi lại chân thực thành tựu của ông trong việc tạo ra những câu chuyện thần thoại về sự giàu có. Từ những bức thư, chúng ta không chỉ thấy được bản lĩnh của Rockefeller mà có có thể hiểu được bí quyết nuôi dạy con cái.
Chẳng hạn như trong bức thư thứ 14 mà vị tỷ phú viết cho con trai mình, ông nói: "Nếu con muốn thành công, con phải là người thông minh một cách 'ngu ngốc'".
2 kiểu người thông minh trên thế giới
Bức thư số 14 của vị tỷ phú dầu mỏ có nội dung như sau:
Con trai à, trên thế giới chỉ có 2 kiểu người thông minh:
Một là tận dụng khả năng thông minh, sáng tạo của mình. Đó là nghệ sĩ, học giả, diễn viên,…
Hai là sử dụng trí tuệ của người khác, chẳng hạn như các nhà quản lý và lãnh đạo.
Kiểu người thứ 2 cần một khả năng đặc biệt, đó là khả năng thu phục lòng người. Nhưng nhiều nhà lãnh đạo lại không nghĩ vậy, họ thu phục cấp dưới bằng mệnh lệnh khô khan, cứng nhắc. Theo cha, càng muốn gồng mình chỉ huy người khác, càng làm giảm đi tác dụng. Con biết đấy, mọi người đều nhạy cảm với việc bị đánh giá thấp, từ đó khiến họ mất đi lý trí và động lực phấn đấu. Nhà lãnh đạo như vậy chỉ làm thui chột khả năng của cấp dưới.
Cha lại nói về một chuyện hài hước thế này: Con lợn có thể trèo cây được nếu chúng ta khen và thuyết phục nó. Nghe buồn cười đúng không? Cũng giống như việc quản lý nhân sự - cấp trên tài giỏi là người biết lèo lái và khen ngợi cấp dưới. Và người lãnh đạo nào có tình cảm chân thành sẽ nhận được sự tôn trọng từ cấp dưới.
Một người không có tri thức là vô dụng. Nhưng một người có tri thức rất có thể trở thành nô lệ của tri thức. Mọi người cần biết rằng kiến thức có thể bị biến tướng bởi định kiến và hệ quả là một tâm lý bảo thủ bao trùm. Kiểu người như vậy luôn cho rằng: "Tôi hiểu rồi", "Tôi biết rồi", "Xã hội là thế này đây",…
Với cảm giác "hiểu" sẽ không còn hứng thú để biết. Và nếu không có hứng thú, động lực tiến lên thì mọi thứ sẽ trở nên nhàm chán, dần vuột mất. Đây là lý do vì sao nhiều người thất bại nhưng không hiểu nguyên nhân.
Tuy nhiên, vì bị lòng tự trọng, sự sĩ diện chi phối nên nhiều người không nhận mình chưa hiểu vấn đề. Họ cảm thấy xấu hổ khi phải hỏi ý kiến người khác, sợ bị đánh giá, coi thường. Với họ, thiếu hiểu biết giống như một tội ác. Kiểu người này có khi cả đời không hiểu được câu ngạn ngữ tuyệt vời: "Mỗi khi chúng ta không hiểu sẽ tạo nên một bước ngoặt trong cuộc đời".
Một kiểu người "không hiểu" mọi thứ nữa là đang giả ngu. Thực tế, một người biết cách giả ngu mới thực sự thông minh. Giả ngu cũng chính là sự khôn ngoan, là nghệ thuật không cần chứng tỏ mà người khác vẫn nể phục mình.
Nghệ thuật sống "ngốc nghếch" nghe qua tưởng vô lý nhưng kỳ thực, đó chính là cảnh giới cao nhất của thông minh. Và chắc chắn không phải ai cũng hiểu, không phải ai cũng làm được.
Con người ngày nay không ai chịu chấp nhận thua thiệt mà luôn muốn chứng minh, thể hiện, muốn phô bày những gì mình thông thạo, muốn tính toán chi li thiệt hơn. Họ tính toán thật kỹ, để làm sao không thua thiệt, không bị người khác lừa gạt.
Thực tế, thông minh không sai, lại càng không phải là có tội. Điều then chốt là sử dụng trí khôn của bản thân đúng lúc đúng chỗ. Vậy nên để làm một người hồ đồ, không toan tính mưu kế xảo quyệt mới hẳn là điều khó nhất.
Có những lúc, nếu chúng ta biết "mắt nhắm, mắt mở" và đãng trí mới tránh được những mâu thuẫn không đáng có và học được cách giả ngu của người thông minh. Cuộc đời này ngắn ngủi, quá thông minh chưa chắc chắn đã là điều tốt.
Tất nhiên, đây không phải là bức thư 14 hoàn chỉnh. Nhưng qua những đoạn văn ngắn, chúng ta có thể thấy Rockefeller là một doanh nhân kiệt xuất và là nhà thông thái trong cuộc sống. Ông đang dạy con trai mình cách sống đúng đắn, cách kiếm tiền thông minh.