pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người bệnh cần phải làm gì khi bị lên cơn hen?
Cảm giác bị khó thở, hụt hơi là một trong những dấu hiệu nhận biết cơn hen - Ảnh Internet.
Với những bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn, những cơn hen có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào, đặc biệt là khi có sự tác động của các yếu tố kích thích như phấn hoa, hóa chất...
Khi bị lên cơn hen, nếu không biết cách xử lý kịp thời, tình trạng khó thở, tức ngực của người bệnh càng trở nên trầm trọng, tiếng thở khò khè trở nên trầm trọng hơn. Nguy hiểm hơn, nếu cơn hen không được điều trị đúng cách có thể dẫn tới đường thở và phổi bị bóp nghẹt, cơ thể thiếu oxy, nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong.
Vậy cần phải làm gì khi bị lên cơn hen? Phòng tránh những cơn hen bằng cách nào?
1. Dấu hiệu nhận biết cơn hen
Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sớm các cơn hen rất quan trọng, giúp người bệnh cũng như người nhà người bệnh biết cách xử lý đúng đắn, từ đó ngăn ngừa các rủi ro sức khỏe nghiêm trọng có thể xảy ra.
Trên thực tế, dấu hiệu cảnh báo sớm các cơn hen cũng tương tự như các triệu chứng đặc trưng của bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, các dấu hiệu cảnh báo cơn hen thường ở mức độ nhẹ hơn. Cụ thế, những dấu hiệu đó có thể là:
- Ho thường xuyên, nhất là vào thời điểm ban đêm.
- Cảm giác khó thở, bị hụt hơi.
- Cơ thể mệt mỏi.
- Ho hoặc thở khò khè sau khi tập thể dục.
- Chức năng của phổi bị suy giảm hoặc bị thay đổi khi sử dụng máy đo lưu lượng đỉnh.
- Xuất hiện các dấu hiệu tương tự như cảm lạnh hoặc bị dị ứng như ho, hắt hơi, đau đầu, sổ mũi...
Trong trường hợp phát hiện thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường như trên và nghi ngờ các cơn hen sắp xuất hiện, người bệnh không được hoảng loạn mà bình tĩnh xử lý.
2. Làm gì khi bị lên cơn hen?
Các bác sĩ cho biết, ngay khi lên cơn hen, tùy vào thể trạng người bệnh cũng như các yếu tố khách quan mà có cách xử lý khác nhau. Tuy nhiên, thông thường, khi bị lên cơn hen, người bệnh cần thực hiện theo các bước dưới đây.
2.1. Tránh xa các tác nhân gây kích thích cơn hen cấp
Người bệnh cần phải làm gì khi bị lên cơn hen? Việc làm đầu tiên đó là tránh xa những yếu tố khiến cơn hen cấp xuất hiện. Cụ thể, đó có thể là những yếu tố gây nên tình trạng mẫn cảm của đường thở như lông thú, phấn hoa, hóa chất, khói thuốc....
Việc tránh xa các tác nhân gây kích thích cơn hen cấp giúp việc xử lý cơn hen ở các bước tiếp theo có hiệu quả hơn.
2.2. Dùng thuốc
Sau khi đã tránh xa các yếu tố gây ra cơn hen, người bệnh cần sử dụng thuốc. Cụ thể, đó là thuốc giãn phế quản. Đây là những loại thuốc sẽ được hít trực tiếp vào đường thở bằng những dụng cụ bình hít hay bơm xịt khí dung hoặc bột khô. Các loại thuốc này có thể có hiệu quả nhanh chóng ngay sau 2 - 5 phút sử dụng.
Theo các bác sĩ, một số loại thuốc cắt cơn thường gặp như: Ventolin, Combizen, Subtamol…Với thuốc dạng xịt, hít, người bệnh có thể xịt từ 1 – 2 nhát. Trong trường hợp bệnh nhân không thể dùng bình xịt được thì cần dùng buồng đệm hay sử dụng máy khí rung.
Đối với những bệnh nhân hen suyễn, các bác sĩ khuyến cáo luôn mang theo thuốc xịt bên cạnh, kể cả khi bệnh đã được kiểm soát tốt. Ngoài ra, người bệnh cũng cần chủ động điều trị dự phòng để giảm tần suất tái phát cơn hen cấp tính.
2.3. Các bài tập thở hỗ trợ điều trị cơn hen
Trong trường hợp người bệnh gặp phải các cơn hen cấp tính, các bài tập thở có thể giúp đỡ bệnh nhân dễ thở hơn. Mục đích của các bài tập thở này là để giảm số lần thở, giữ cho đường thở mở lâu hơn và làm cho bệnh nhân dễ thở hơn.
Cụ thể, các bài tập thở hỗ trợ điều trị cơn hen là thở bằng miệng và thở bụng.
- Thở bằng miệng: Người bệnh hít vào bằng mũi và thở ra một cách từ từ bằng miệng. Lưu ý, thời gian thở ra phải gấp đôi thời gian hít vào.
- Thở bụng: Bệnh nhân hít vào bằng mũi với tư thế hai tay đặt lên bụng. Sau đó, thư giãn cổ và vai. Lưu ý, thời gian thở ra nên kéo dài gấp đôi hoặc ba lần so với thời gian hít vào.
Khi bị lên cơn hen cấp tính, bên cạnh tránh xa các tác nhân gây cơn hen và dùng thuốc, thực hiện các bài tập thở, người bệnh cần lưu ý nới lỏng quần áo, nghỉ ngơi tại chỗ. Trong trường hợp các triệu chứng của cơn hen vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã làm đầy đủ các bước trên, kèm theo các các dấu hiệu tím tái, không nói được, người bệnh cần gọi cấp cứu ngay.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng lưu ý khi bệnh nhân bị lên cơn hen tuyệt đối không được nằm. Để không bị khó thở và các triệu chứng khó chịu khác, người bệnh cần ngồi thẳng, cố gắng hít thở thật chậm và đều đặn.
Quan trọng nhất là bệnh nhân cần cố gắng giữ bình tĩnh vì càng hoảng loạn thì tình trạng sẽ càng tồi tệ hơn. Bên cạnh đó, sau khi điều trị xong, bệnh nhân cần phải tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ cũng như thực hiện chỉ định của bác sĩ về việc sử dụng thuốc.
3. Hạn chế các cơn hen cấp tính bằng cách nào?
Các bác sĩ cho biết, có thể hạn chế nguy cơ lên cơn hen suyễn bằng các biện pháp sau:
- Sử dụng thuốc điều trị hen suyễn theo đúng liều lượng và cách dùng theo chỉ định của bác sĩ.
- Tránh xa các tác nhân có thể kích hoạt cơn hen như bụi bẩn, hóa chất, phấn hoa, lông động vật....
- Không hút thuốc, tránh xa khói thuốc, tránh xa đồ uống có cồn.
- Kiểm soát tốt cân nặng, tránh để béo phì thừa cân.
- Tiêm vắc xin phòng ngừa cúm định kì.
- Theo dõi tình trạng sức khỏe bản thân bằng cách thăm khám sức khỏe định kỳ.
- Luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh.
Như vậy, các cơn hen suyễn cấp tính rất nguy hiểm nếu như không phát hiện và xử lý kịp thời. Vì vậy, việc nắm vững phải làm gì khi bị lên cơn hen là vấn đề rất quan trọng, giúp phòng tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Ngoài ra, để phòng tránh những cơn hen, bệnh nhân cần thực hiện lối sống lành mạnh, tránh xa các yếu tố làm tăng nguy cơ kích hoạt cơn hen và thực hiện đúng phác đồ điều trị cũng như các chỉ định của bác sĩ.