pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người bị tay chân miệng nên kiêng ăn gì để nhanh khỏi bệnh?
Ngoài việc bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C và các chất dinh dưỡng khác, người mắc bệnh tay chân miệng cần phải kiêng một số loại thực phẩm nhất định để tránh làm bệnh trở nên dai dẳng hơn cũng như ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Người bị tay chân miệng không nên ăn gì là băn khoăn của rất nhiều người. Theo đó, người bệnh cần tránh xa những thực phẩm sau đây.
1. Bị tay chân miệng không nên ăn thức ăn cứng, cay nóng hoặc quá mặn
Bệnh nhân mắc tay chân miệng thường sẽ có triệu chứng là xuất hiện các vết loét trong khoang miệng và cổ họng. Vì vậy, các loại thức ăn cay nóng, cứng hay được nêm nếm quá mặn là những thực phẩm những người bị tay chân miệng không nên ăn.
Nếu người bệnh ăn những loại thức ăn cứng, cay nóng hoặc quá mặn sẽ khiến các vết loét trong miệng bị kích ứng nặng. Điều này dẫn đến tình trạng khiến bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu, đau rát, thậm chí khó lành hơn.
2. Thực phẩm giàu arginine
Arginine là một loại axit amin có thể làm virus sản sinh nhiều hơn. Khi mắc tay chân miệng người bệnh không nên ăn những loại thực phẩm có chứa loại axit amin này vì có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Thực phẩm chứa nhiều arginine là: nho khô, đậu phộng, socola,... Bệnh nhân mắc tay chân miệng nên tránh xa những loại thực phẩm này trong khẩu phần ăn của mình.
3. Các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa
Một trong những thực phẩm người bị tay chân miệng không nên ăn chính là các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân mắc tay chân miệng nên tránh ăn nhiều thịt và các thực phẩm giàu chất béo khác như phô mai, bơ vì chúng sẽ làm cho da tiết dầu nhiều, khiến tình trạng phát ban trở nên trầm trọng hơn.
Hơn nữa, việc tiêu hóa những loại thực phẩm này có thể tác động nặng nề đến những vết lở loét trong miệng người bệnh, gây khó khăn cho việc nhai và nuốt thức ăn.
Trên đây là một số loại thực phẩm những người bị tay chân miệng không nên ăn. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây trong quá trình điều trị bệnh:
- Thời gian mắc bệnh thường ngắn (khoảng từ 5 - 10 ngày) nên việc ăn uống không nên quá nặng nề, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Không nên ép trẻ ăn quá, vì sau khi hết bệnh trẻ sẽ ăn nhiều hơn để bù lại khi bị bệnh.
- Người bệnh cũng không nên ăn với số lượng nhiều trong một thời điểm vì sẽ gây cảm giác khó chịu. Với những trẻ nhỏ, ép ăn nhiều sẽ khiến cho trẻ khóc và gây mệt mỏi, tác động tiêu cực tới quá trình hồi phục bệnh.
- Tuyệt đối không ăn những thức ăn cứng, sống, mất vệ sinh.
- Không ăn thức ăn nóng vì có thể làm đau rát các vết loét ở khoang miệng.
- Không kiêng khem thực phẩm gì khi đã giảm bệnh (thường là sau 4 – 5 ngày) và quay trở lại chế độ dinh dưỡng bình thường, phù hợp với từng lứa tuổi.
Ngoài ra, người bị bệnh tay chân miệng phải chú ý ăn uống đủ chất để tăng cường hệ miễn dịch, đặc biệt là trẻ nhỏ. Theo đó, các bác sĩ khuyến cáo tăng cường hệ miễn dịch ở trẻ sơ sinh bằng việc cho bú mẹ nhiều hơn. Với những trẻ không còn bú mẹ thì tăng cường miễn dịch cho trẻ qua dinh dưỡng, vận động, thói quen sinh hoạt, lối sống lành mạnh.