“Các chú xem có cách nào giúp đỡ không, chứ tại cái làng này, tôi chưa thấy ai khổ như nó”, bà Hoa, người dẫn đường cho chúng tôi, nói về chị Trần Thị Xuân ở cụm 5, xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Chị Xuân hàng ngày vất vả chăm hai con gái bại não (ảnh chụp 31/1/2014)
Căn nhà của chị Xuân nằm ở cuối làng. Đó là ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, cánh cửa là những thanh gỗ được nẹp tạm bợ. Trong nhà không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp cũ. Lúc này đã xế trưa. Ngồi bên giường, chị Xuân mặt mũi bơ phờ, nước mắt như muốn trào ra khi nhìn 2 cô con gái quằn quại, vật lộn với căn bệnh bại não và liệt tứ chi. “Chạy chữa mãi mà các cháu vẫn thế, giờ thì gia đình tôi chẳng còn gì nữa”, nói rồi chị Xuân bật khóc.
Năm 1985, chị kết hôn với anh Đông, một người trong làng. Trước đó, anh Đông có những biểu hiện thần kinh không bình nhưng chị vẫn quyết tâm làm đám cưới. 3 đứa con lần lượt ra đời trong niềm vui, hạnh phúc của gia đình. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. “Khi tôi sinh đứa con gái thứ 2 là Trần Thị Son và đứa thứ 3 là Trần Thị Thành, các cháu bình thường như bao đứa trẻ khác. Lạ nỗi, hơn 1 tuổi, cả 2 đều không thể bò hay đi mà chỉ nằm một chỗ’”, chị Xuân xót xa kể. Năm Son lên 6 tuổi thì bị sốt, ho, tay chân mềm nhũn, chị vội đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng. Sau khi thăm khám, các bác sĩ làm thủ tục chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận, Son bị bệnh bại não và liệt tứ chi, không thể chữa khỏi. “Nghe thế, tôi ngã khụy, bởi đoán chắc cái Thành cũng bị như vậy”, chị Xuân ngậm ngùi nhớ lại.
Quả thật, khi chị đưa cháu Thành tới Bệnh viện Nhi Trung ương khám, các bác sĩ cũng kết luận tương tự. Theo lời khuyên của bác sĩ, chị đưa 2 con vào khu phục hồi chức năng của bệnh viện để điều trị. Tuy nhiên, chỉ được hơn 1 tháng, gia đình không thể kham nổi chi phí ăn ở, đi lại, thuốc men. Hơn nữa, ở nhà, chồng chị cũng “không bình thường”, mẹ lại già yếu nên chị đành xin cho con xuất viện và tự điều trị tại nhà. Hiện tứ chi của 2 cháu ngày càng mềm, rồi teo dần. Chứng kiến cảnh ấy, chị không cầm được nước mắt nhưng chẳng còn cách nào khác.
Nồi cơm, liều thuốc vơi dần
Gia đình chị Xuân thuộc diện hộ nghèo. Con cái bệnh tật, chồng lại bị thần kinh nên mọi gánh nặng đều đè lên đôi vai bé nhỏ của chị. Nguồn thu chính của cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng. Thế nhưng ở đây hệ thống mương máng kém nên nước không đủ phục vụ cấy trồng, năng suất lúa rất thấp. Sản lượng thu được sau khi trừ chi phí đầu tư còn lại không đáng là bao.
Không thể trông chờ cả vào ruộng đồng, lúc nông nhàn, chị Xuân xin đi phụ hồ, gánh gạch. Hôm nào có việc, chị được trả hơn 50 ngàn đồng tiền công. Chị Xuân bảo, đấy là người làng thương chị vất vả nên cho đi làm cùng, chị thường bớt thời gian làm vì phải về cho con ăn. Hơn nữa, chị đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe giảm sút nên “người ta trả thế là cao rồi”. Làm quần quật nhưng cứ dành dụm được đồng nào, chị lại đưa 2 con đi khám và điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, hễ nghe có lương y, thầy lang nào giỏi, chị đều cơm đùm cơm nắm tìm đến với hy vọng chữa bệnh cho các con. Xa thì chị bắt xe khách, gần thì đi xe đạp.
Mẹ con chị từng đến hàng chục tỉnh/thành phía Bắc nhưng bệnh tình của các cháu vẫn không thuyên giảm. Cách đây hơn 1 năm, các bác sĩ phát hiện Thành bị dịch trào ngược, hẹp thượng vị và kết luận em bị xuất huyết dạ dày. Từ đó đến nay, mỗi tháng Thành phải vào viện điều trị 2-3 lần. Theo bác sĩ Trần Thị Thu Lan, Trưởng Khoa nội, Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng, chỉ riêng bệnh này của Thành, chi phí tiền thuốc đã lên tới cả triệu đồng/tháng.
Con trai cả của anh chị đã trưởng thành nhưng không có công việc ổn định, đành nhập vào "đội quân" cửu vạn ở chợ lao động Giảng Võ (Hà Nội), hôm thì có việc, hôm không. Vì thế, mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình vẫn mình chị lo liệu. Tuy nhiên, ở cái tuổi ngoài 50, chân đã mỏi, sức khỏe của chị cũng giảm sút nhiều nên nồi cơm của gia đình, liều thuốc cho các con cứ ít dần. “Dù sức khỏe giảm sút nhưng tôi sẽ cố gắng làm lụng để lo cho gia đình, nhất là 2 đứa con gái tội nghiệp. Tuy nhiên, không biết tôi có thể gánh gạch, xách vữa được bao lâu nữa, khi mà lưng đang dần còng, các khớp như có dao đâm mỗi lần làm việc nặng...”, nói đến đây, chị Xuân quay đi lau vội những giọt nước mắt.
Chồng bị thần kinh, mẹ già yếu, 2 con gái liệt tứ chi nên gia cảnh chị Xuân rất khó khăn, rất mong nhận được sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm! |