Người dân tích trữ thực phẩm, Hà Nội tái khẳng định "đủ hàng"

H.Y
24/07/2021 - 00:24
Người dân tích trữ thực phẩm, Hà Nội tái khẳng định "đủ hàng"

Cục QLTT Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hoá để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Chiều tối 23/7, nhiều người dân Hà Nội đã đổ vào các siêu thị, cửa hàng để mua bán, tích trữ thực phẩm.

Bà Bùi Thị Hoà (ở Xã Đàn, Hà Nội) từ chiều đã gọi điện cho con dâu đang ở cơ quan dặn dò phải đi siêu thị mua thịt, cá, củ quả và đặc biệt là mì tôm để tích trữ vì bà nghe đồn Hà Nội sắp siết chặt các biện pháp phòng chống Covid-19. "Lần nào, các con cũng mắng tôi và bảo không cần tích trữ thực phẩm nhưng tôi thì nghĩ, cứ tích trữ cho chắc, thực phẩm có thể không thiếu nhưng biết đâu giá cả sẽ bị đắt hơn vì thương lái đều nghỉ hết, lấy đâu ra hàng hoá mà cung cấp cho người dân" – bà Hoà phân tích.

Bà Phan Thị Nhung (ở Tứ Liên, Hà Nội) chiều tối nay cũng đã kịp vòng xe ra chợ mua mấy cân thịt bò, một ít rau củ, sữa và một vài thực phẩm thiết yếu. "Tôi mua nhiều thực phẩm một chút để mấy ngày tới không phải đi chợ. Chính phủ đã tuyên truyền, nếu không cần thiết thì nên ở nhà cho an toàn".

Người dân tích trữ thực phẩm, Hà Nội tái khẳng định "đủ hàng" - Ảnh 1.

Lượng khách đến các siêu thị có tăng nhẹ song lượng thực phẩm vẫn luôn đáp ứng đầy đủ

Theo khảo sát của phóng viên, mặc dù thời tiết mưa gió, tại một số siêu thị lớn ở trung tâm Hà Nội như Big C, VinMart, Co.opmart… song lượng khách đến siêu thị mua sắm vẫn tăng nhẹ. Chị Loan, một nhân viên bán hàng tại siêu thị VinMart Phạm Ngọc Thạch cho biết: "Thỉnh thoảng cũng xảy ra tình trạng mọi người phải chờ ở quầy thanh toán. Nhưng nhìn chung, lần này, người dân không đổ xô đi mua thực phẩm nhiều như những đợt trước. Có thể mọi người cũng hiểu và tin tưởng các siêu thị vẫn đáp ứng được nguồn thực phẩm đầy đủ".

Trong khi đó, tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi nằm ở trong khu dân cư thì đón lượng khách đông hơn hẳn mọi khi. Chị Thuỷ, một nhân viên bán hàng tại cửa hàng VinMart+ trên phố Kim Hoa, Hà Nội cho biết: Khoảng 20h tối nay, lượng người đến mua sắm có đông hơn hẳn so với mọi hôm. Khách hàng đến mua sắm đều thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn khi vào cửa hàng. Quầy hàng rau xanh, hoa quả, thực phẩm tươi sống, thịt mát… sữa được nhiều người lựa chọn.

Tối 23/7, Sở Công Thương Hà Nội một lần nữa tái khẳng định, lượng hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị đã dự trữ gấp 3 lần so với các tháng bình thường, người dân Hà Nội không nên lo lắng mà tích trữ thực phẩm.

Trước diễn biến tình hình Covid-19 còn nhiều phức tạp, thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30%- 50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu).

Ngoài ra, Sở Công thương Hà Nội cũng đã chỉ đạo doanh nghiệp phân phối, siêu thị, đơn vị kinh doanh tăng cường biện pháp để khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực; đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại…

Song song với đó, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá đối với các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch và hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân.

Hiện nay, trên địa bàn TP có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Người dân tích trữ thực phẩm, Hà Nội tái khẳng định "đủ hàng" - Ảnh 2.

Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, TP đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

"Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn", Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.

Trong ngày 23/7, thành phố đã phát hiện thêm 48 trường hợp nhiễm nCoV. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (từ ngày 29/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 666 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, các chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến nay đã có 397 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm