Người Dao ở Tây Bắc đối diện với nguy cơ cạn kiệt nguồn thuốc nam

Hoàng Sa
03/11/2023 - 22:46
Người Dao ở Tây Bắc đối diện với nguy cơ cạn kiệt nguồn thuốc nam

Phụ nữ người Dao đang bào chế thuốc nam gia truyền

Việc khai thác quá mức nguồn thuốc nam truyền thống trong những năm qua, khiến cho người Dao ở Tây Bắc đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên quý giá này.

Người dân tộc Dao ở Tây Bắc Việt Nam có nghề hái thuốc, bốc thuốc gia truyền khá nổi tiếng với nhiều bài thuốc, vị thuốc được lưu truyền qua các cuốn sách cổ của họ từ hàng trăm năm. Trong đó có một số bài thuốc nổi tiếng như thuốc tắm cho sản phụ mới sinh, thuốc trị các bệnh xương khớp, gan, thận, mất ngủ, thậm chí là thuốc chữa rắn độc cắn.

Những người phụ nữ dân tộc Dao thường lại là những người lưu giữ bí quyết các bài thuốc và trực tiếp đi hái thuốc. Và nguồn thuốc của họ chủ yếu là từ các loại nguyên liệu thảo dược được lấy từ trong rừng, trong đó có những loại cây dây leo chỉ sinh trưởng ở rừng già, và phải trải qua thời gian dài mới có thể trở thành nguyên liệu trong bài thuốc.

Người Dao ở Tây Bắc đối diện sự cạn kiệt nguồn thuốc nam - Ảnh 1.

Phụ nữ người Dao đỏ ở Sa Pa đang bào chế chế thuốc nam

Từ khoảng 2 thập niên trở lại đây, khi nền kinh tế thị trường phát triển mạnh, sự kết nối giao thương giữa các vùng miền thông thoáng, thì các bài thuốc gia truyền của người Dao cũng được nhiều người biết đến. Dẫn đến tình trạng khai thác chế biến thuốc diễn ra rất mạnh ở cộng đồng người Dao, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Bà Triệu Thị Tách, người Dao họ ở huyện Yên Bình, Yên Bái, cho biết: "Xưa kia người Dao chỉ hái thuốc về sử dụng trong gia đình, nên các loại cây thuốc đều rất sẵn. Chỉ đi một lúc là có thể hái đủ một gùi thuốc về chế biến và sử dụng. Nhưng ngày nay thì hiếm rồi, như bài thuốc tắm cho người mới sinh, bây giờ có những loại thuốc không còn kiếm được nữa, nên nó không còn đủ loại như xưa nữa".

Bà Lý Thị Vui, ở xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu, cho hay: "Từ khi du lịch phát triển, người Dao đã đi khai thác cây thuốc nhiều quá, để họ nấu thuốc bán cho khách du lịch, nên nguồn cây thuốc hết nhanh quá. Ngày xưa hái thuốc phải giữ cho cây còn mọc được, bây giờ thì họ cắt cả cây, cắt cả gốc nên nó không mọc được nữa. Có loại thì phải nhiều năm mới lấy được, nhưng khi họ lấy nhiều quá thì không còn nữa".

Hiện nay, ở nhiều khu du lịch trên các tỉnh Tây Bắc, đều xuất hiện các dịch vụ tắm lá thuốc, và các cửa hàng bán thuốc nam. Thậm chí, có những nơi như ở Sa Pa, Lào Cai, người dân còn xây dựng các cơ sở chế biến thuốc nam của người Dao với quy mô lớn, mỗi ngày sử dụng hàng tấn cây thuốc nguyên liệu để sản xuất chế biến thuốc bán ra thị trường. Điều này đã gây ra việc khai thác nguồn tài nguyên một cách ồ ạt suốt thời gian dài.

Người Dao ở Tây Bắc đối diện sự cạn kiệt nguồn thuốc nam - Ảnh 2.

Chị em phụ nữ người Dao đỏ lên rừng khai thác nguồn nguyên liệu thuốc nam

Việc cạn kiệt nguồn nguyên liệu thuốc nam của người Dao, về lâu dài, có thể dẫn đến sự mai một đi vốn tri thức dân gian về thuốc và các bài thuốc trong cộng đồng người Dao.

Ông Tẩn Láo Lở, ở xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, chia sẻ: "Xưa kia chị em phụ nữ người Dao đều biết về bài thuốc tắm của người Dao với các vị, các loại cây, loại lá đầy đủ. Nhưng ngày nay, nhiều loại đã bị cạn kiệt, nên nhiều chị em đã không còn biết các loại cây ấy, vị ấy, thì làm sao họ biết được bài thuốc tắm phải có loại ấy".

Theo bà Lý Mẩy Pham, Chủ tịch Hội LHPN xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, Lào Cai: "Trước những nguy cơ mai một của nguồn tài nguyên thuốc nam. Hiện nay, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo tồn gìn giữ nguồn tài nguyên thuốc ở cộng đồng người Dao xã Tả Phìn. Đồng thời khuyến khích chị em trồng cây thuốc nguyên liệu, để vừa khai thác vừa bảo tồn được nguồn thuốc một cách bền vững, để về lâu dài nguồn thuốc quý giá không bị cạn kiệt".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm