Phân trại số 2, Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) là nơi giam giữ, cải tạo 800 phạm nhân nữ. Nơi đây cũng có lớp mầm non rất đặc biệt dành cho 23 cháu từ 1 đến 3 tuổi, đều là con của các phạm nhân nữ.
Sau giờ lao động cải tạo, chị Nguyễn Mai Hương (Lạng Sơn) được đón con từ lớp học về. Ôm con trai vào lòng, phạm nhân Hương cảm thấy cuộc đời này còn nhiều ý nghĩa. Mẹ con chị Hương được mẹ tròn con vuông, có công không nhỏ của các cán bộ quản giáo nơi đây giúp đỡ. Trung tá Nguyễn Thị Yến, Đội phó Đội y tế và môi trường phụ trách Phân trại số 2 cho biết, khi phạm nhân Hương trở dạ, chị Yến đã trực tiếp đỡ đẻ cho phạm nhân Hương. Đứa con trai chào đời khỏe mạnh, phạm nhân Hương vui đến trào nước mắt. Phạm nhân này đã đặt tên con là Trần Mai Đức Vinh.
Công việc của một cán bộ y tế đã choán hết thời gian của chị Yến. Hầu như đêm nào chị Yến cũng vài lần phải dậy để thăm khám bệnh cho bệnh nhân. Chị Yến cho biết, có nhiều phạm nhân đến khám bệnh, lúc đầu tỏ ra căng thẳng, mệt mỏi với tâm lý bất cần đời. Sau khi nghe lời tư vấn, động viên của chị, họ đã sớm hồi tỉnh và yên tâm cải tạo.
Công việc của một cán bộ y tế đã choán hết thời gian của chị Yến. Hầu như đêm nào chị Yến cũng vài lần phải dậy để thăm khám bệnh cho bệnh nhân. Chị Yến cho biết, có nhiều phạm nhân đến khám bệnh, lúc đầu tỏ ra căng thẳng, mệt mỏi với tâm lý bất cần đời. Sau khi nghe lời tư vấn, động viên của chị, họ đã sớm hồi tỉnh và yên tâm cải tạo.
Cán bộ quản giáo Trại giam Phú Sơn 4 hướng dẫn các phạm nhân thu hoạch chè
Suốt 25 năm làm công tác y tế ở Trại giam Phú Sơn 4, chị Yến đã từng đỡ đẻ cho hàng trăm phạm nhân. Đến giờ, chị Yến vẫn nhớ như in trường hợp của chị Linh (Bắc Ninh). Hôm Linh trở dạ, chị Yến cùng các đồng nghiệp vội đưa Linh đến bệnh viện tỉnh. Trên đường đi, Linh đã đẻ ngay trên xe ô tô. Chị Yến vốn là “bà đỡ” mát tay đã giúp đứa con của Linh chào đời ngay trên xe ô tô. Giờ Linh đã đoàn tụ bên gia đình, thỉnh thoảng vẫn gọi điện lên cảm ơn chị Yến và các cán bộ của Phân trại số 2.
800 phạm nhân nữ, mỗi người mỗi cảnh, mỗi tính cách, trong đó phạm nhân về ma túy chiếm trên 60% số phạm nhân trong toàn trại. Do tính chất đặc thù của đơn vị nên phụ nữ được phân công đảm nhiệm nhiệm vụ trên tất cả mọi lĩnh vực, từ trinh sát, trực trại, giáo dục, hồ sơ, quản giáo, bảo vệ đến công tác hậu cần, y tế, kế hoạch sản xuất và hướng nghiệp dạy nghề, văn thư, cấp dưỡng và nuôi dạy trẻ. Trung tá Hoàng Thị Thủy, Chủ tịch Hội phụ nữ Trại giam Phú Sơn 4 cho biết: “Tất cả các công việc đều được thực hiện trên nguyên tắc phối hợp, tương trợ lẫn nhau, nên trong thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ đều gắn kết, trao đổi và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.
Cũng theo chị Thủy, từ nhiệm vụ được giao, mỗi hội viên đều xác định được nhiệm vụ của người cán bộ thuộc lực lượng cảnh sát trại giam. Đó là giáo dục, cảm hóa những con người phạm tội, giúp họ nhận thấy được hành vi phạm tội của bản thân, hiểu được những giá trị nhân văn trong cuộc sống để từ đó tiếp thu sự giáo dục, quyết tâm cải tạo, sớm trở về làm người công dân sống có ích cho cộng đồng, từ đó góp phần cùng toàn lực lượng CAND trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Nghề quản giáo vốn dĩ vất vả, áp lực công việc cao, nhất là ở một trại tạm giam lớn và đông can phạm, phạm nhân như Phân trại số 2. Song, giữa áp lực công việc luôn quá tải, các chị đã khắc phục khó khăn trong cuộc sống đời thường để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ. Không chỉ giúp các phạm nhân cải tạo tốt, ở Trại giam Phú Sơn 4, các phạm nhân nữ còn được tổ chức học nghề. Trong thời gian cải tạo, nhiều phạm nhân được học nghề sơn sửa móng tay, nghề may... Chị Thủy cho biết thêm: “Nhiều phạm nhân khi cải tạo xong, hòa nhập với cộng đồng là họ có thể kiếm việc làm cho mình. Đó cũng là cách cải tạo tốt để giúp những người lầm lỡ có kế sinh nhai và hoàn lương thành công”.