Do rối loạn chuyển hóa
Chị Đỗ Thúy Hạnh, 29 tuổi (TP Biên Hòa, Đồng Nai), không thể tin được rằng khi đi khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ kết luận chị bị mỡ máu cao, GNM độ 3, trong khi thể trạng chị khá gầy. Vì thế, chị tiếp tục đi kiểm tra ở cơ sở y tế khác nhưng kết quả tương tự. Không riêng gì chị Hạnh, nhiều trường hợp thiếu cân nặng cũng bị GNM, thậm chí gan còn có biểu hiện xơ cứng.
Bác sĩ Chuyên khoa II Vũ Đức Chung, Chủ nhiệm khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện 354, Hà Nội), cho biết, bình thường gan chứa khoảng 5g lipit (chất béo) cho mỗi 100g trọng lượng của gan. Trước đây, GNM thường gặp ở những người ngoài 60 tuổi, nghiện rượu, bị các bệnh về chuyển hóa, rối loạn dinh dưỡng… nhưng hiện gặp cả ở những người trẻ, người gầy.
Gan nhiễm mỡ không chỉ xuất hiện ở người già, nghiện rượu, béo phì mà còn gặp cả ở người gầy và người trẻ
Theo bác sĩ Yên Lâm Phúc, khoa Y học lao động, Học viện Quân y 103, không ít người lầm tưởng rằng người béo trong cơ thể thừa nhiều mỡ nên mỡ lan vào gan gây ra bệnh. Nhưng thực chất bệnh GNM chủ yếu xuất hiện do rối loạn chuyển hóa tế bào gan gây ra, những người gầy cũng có nguy cơ mắc GNM. Lẽ thường, gan chuyển hóa đường để tạo năng lượng. Nhưng vì một lý do nào đó, không có đủ đường để chuyển hóa, nên gan buộc phải thu thập mỡ dùng thay thế. Mỡ về gan quá nhiều, tích tụ lại trong tế bào gan và gây ra chứng bệnh này. Những người bị thiếu chất dinh dưỡng, thiếu các vi chất cần thiết sẽ làm hoạt động chuyển hóa mỡ không hiệu quả và gan bị nhiễm mỡ. Người gầy, thiếu protein trong thời gian dài sẽ làm mỡ trong máu không thể chuyển hóa nên sinh ra GNM. Đặc biệt, những người gầy nhưng bị nhiễm virus viêm gan B, C hoặc dùng thuốc hại gan đều có nguy cơ mắc bệnh này.
Biến chứng xơ gan và ung thư
Theo bác sĩ Vũ Đức Chung, GNM là khi lượng mỡ tích tụ trong gan chiếm quá 5% trọng lượng của gan. Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh: Nghiện rượu, béo phì, tiểu đường, tăng lipit máu, bị bệnh về gan, do dùng thuốc... nhưng chủ yếu vẫn là chế độ ăn thừa năng lượng gây ra. Điều đáng lo ngại, hầu hết trường hợp GNM không có triệu chứng nên không được phát hiện sớm.
Vì diễn biến bệnh phức tạp nên mỗi người cần chủ động khám tầm soát để phát hiện sớm và chủ động điều trị bệnh
Ở thể nhẹ, GNM không có biểu hiện gì nhưng sau đó gây rối loạn chức năng gan, gây rối loạn chuyển hóa mỡ máu cao, ảnh hưởng tới tim mạch... Lâu dài sẽ gây viêm gan và 20% có biến chứng xơ gan, ung thư, suy gan. Vì vậy, không chỉ người béo mà cả người gầy, nhất là những người bị nhiễm virus viêm gan B, C, uống nhiều rượu, bia hoặc dùng thuốc hại gan... đều cần khám tầm soát để phát hiện sớm bệnh. Nên kiểm tra đường huyết, cholesterol và triglyceride máu định kỳ 6 tháng/lần.