Hoàng dạy học trò bằng tình yêu và lòng nhiệt huyết của mình (Hình minh họa)
Chuyện Hoàng tình nguyện lên Bản Luốc dạy chữ cho trẻ em vùng cao trở thành tâm điểm trong trường. Khá nhiều người thở phào khi “điềm dữ” ấy đã không gọi tên mình. Tất nhiên là không có tôi trong số đó. Năm ngoái tôi đã nhận lệnh điều động đi công tác ở Hồ Thầu trong 1 năm nhưng 2 tháng sau, tôi đã dùng mối quan hệ của bố với ông hiệu trưởng để về phố.
Kỳ thực, ngay từ đầu, tôi đã không cần lên Hồ Thầu. Dạo ấy, tôi chia tay tình đầu sau 4 năm gắn bó. Áp lực và chán chường khiến tôi không đủ sức trụ lại ở thành phố này. Vì vậy, tôi quyết định đi. Khổ cực thể xác có thấm gì so với nỗi đau tinh thần, miễn là trốn chạy được thành phố chằng chịt những vết thương. Thời gian sau đó, cô đơn và gian khổ khiến tôi phải tìm cách trở về.
Hoàng là người bạn thời phổ thông của tôi, vốn nổi tiếng là “cậu ấm” trong một gia đình khá giả, sung túc. Bố Hoàng làm ở Bộ Giáo dục nhưng tôi luôn tin rằng Hoàng về trường này bằng năng lực của chính mình và việc tự nguyện lên vùng cao chẳng phải để minh chứng cho điều gì đó như những lời đồn thổi. Hoàng vốn thật thà, nhiệt huyết lắm. Song, quyết định lần này của cậu, tôi cho là một sự liều lĩnh.
Tôi chủ động hẹn gặp Hoàng, phần vì muốn kể cho cậu nghe về cuộc sống trên vùng heo hút kia, phần vì muốn níu giữ Hoàng ở lại. Từ ngày tôi chia tay tình đầu đến giờ, Hoàng đã hiện diện một cách có ý nghĩa trong cuộc sống của tôi. Tôi dành cho Hoàng một thứ tình cảm đặc biệt, hơn tình bạn nhưng tôi không dám chắc đó là tình yêu. Vài lần tôi bắt gặp ánh mắt Hoàng nhìn tôi lạ lắm, ngay cả khi cậu sẵn sàng chìa bờ vai của mình cho tôi tựa vào lúc tôi đau khổ vì tình đầu tan vỡ. Bằng cách nào đó, Hoàng luôn dõi theo tôi. Tôi thì vẫn quyến luyến với “tình cũ” nên chưa thể mở lòng đón nhận một tia nắng mới.
- Bản Luốc gần Hồ Thầu nên mình biết, cuộc sống không dễ dàng gì đâu. Có đêm nằm nghe cả tiếng gió rít mạnh trong rừng, có khi mưa lũ ngập trắng thôn ròng rã cả tuần, lương thực không đủ dùng. Lớp học xập xệ lắm. Năm ngoái, lớp mình dạy còn có em bị rắn cắn ngay trong lớp học nữa.
- Nhưng không một ai lên đấy thì các em sẽ mù chữ sao? Những vất vả, gian khổ ấy, trẻ em còn vượt qua được mà.
- Chúng đã thích nghi với cuộc sống từ khi sinh ra rồi. Cậu thì chưa từng trải qua.
Tôi đã cố gắng thuyết phục Hoàng bằng trải nghiệm của mình nhưng dường như không lay chuyển được cậu.
Cuối cùng thì Hoàng cũng lên đường vào một ngày đông se lạnh. Cậu gửi lại thành phố một nụ cười rất ấm trước khi lên với Bản Luốc. Tôi không buồn bởi tôi tin Hoàng sẽ trở về sớm hơn thời gian 1 năm trong kế hoạch.
1 tháng.
2 tháng.
Đến tháng thứ 3, Hoàng vẫn bám trụ với Bản Luốc. Vài lần gọi điện về, Hoàng còn khoe với tôi những niềm vui cậu có được trên mảnh đất cằn cỗi, hoang vu ấy.
Những ngày đông ở thành phố lạnh lẽo khiến tôi nhớ Hoàng. Cảm giác trống vắng và hiu quạnh bủa vây tôi mỗi lần bước ra phố và nhận thấy Hoàng đã chẳng còn bên mình như mùa đông năm trước.
Tôi leo lên xe khách, sau một giấc ngủ dài đã đến gần Bản Luốc vào mờ sáng hôm sau. Những ngọn núi xám ngắt trong màn sương vón thành tảng bồng bềnh phủ quanh, con đường vào Bản Luốc nhầy nhựa bùn đất. Đến Bản Luốc thì nắng vừa kịp nhú lên. Khung cảnh vẫn hoang sơ và yên ắng như Hồ Thầu năm ngoái. Tôi hỏi đường nhưng phải mất nửa tiếng sau mới đến được lớp học của Hoàng. Lớp học là căn nhà lợp tranh nhỏ bé. Tôi nép bên bức vách, nhìn bóng dáng cậu qua ô cửa sổ. Giọng Hoàng trầm ấm và ánh mắt luôn lấp lánh niềm vui nhìn học trò của mình. Lớp học chỉ có 8-9 em mà rộn rã lắm. Chúng hăng hái giơ tay phát biểu và đọc vanh vách bài thơ trong sách.
Khoảnh khắc ấy, tôi không chỉ thấy yêu Hoàng hơn bao giờ hết mà hình như cậu đã gieo vào lòng tôi tình yêu nghề, yêu trẻ.