Bắt đầu với khởi đầu khiêm tốn của người dân di cư từ Scotland sang Hoa Kỳ, Andrew Carnegie đã trở thành người giàu thứ hai trên thế giới, người đã kiến tạo ngành công nghiệp thép những ngày đầu tiên.
1. Tự học tập
1. Tự học tập
“Bạn không thể thúc đẩy bất cứ ai đi lên các bậc thang trừ khi anh ta sẵn sàng để leo lên đó”
Trong suốt cuộc đời mình, Andrew là tấm gương vĩ đại về quá trình tự học tập kiên nhẫn và không ngừng. Ông sinh ra ở Dunfermline, Scotland, di cư sang Hoa Kỳ với cha mẹ từ năm 13 tuổi. Suốt tuổi thơ khó nhọc, ông không được học hành. Công việc đầu tiên của cậu bé 13 tuổi là công nhân trong một nhà máy bông, sau đó là người thu hóa đơn, nhân viên trong công ty điện báo, nhân viên đường sắt… “Điều đầu tiên tôi được học là nghèo đói có nghĩa là gì”. Carnegie đã viết về tuổi thơ của mình “Một hình ảnh đã đốt cháy tim tôi từ khi còn là một đứa trẻ là cảnh cha tôi phải cầu xin để có một công việc”. Trưởng thành trong nghèo khó, Andrew nuôi dưỡng ước mơ tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình bằng học tập. Ông bắt đầu thói quen đọc sách và không bỏ qua bất cứ cơ hội nào làm phong phú tầm hiểu biết của mình. Năm 30 tuổi, Andrew Carnegie bắt đầu doanh nghiệp riêng của mình, ngay sau đó, ông đã áp dụng tất cả những gì học được từ khi còn là một công nhân cho đến những ngày làm việc về thông tin liên lạc và giao thông đường sắt để mở rộng quy mô doanh nghiệp. Chỉ đứng sau John D.Rockerfeller về sự giàu có, Andrew được biết đến là doanh nhân thông minh, nhà đàm phán thiên tài, người có hiểu biết sâu rộng không chỉ trong kinh doanh mà còn xã hội và nghệ thuật.
Đương thời, Andrew Carnegie là người bạn đàm đạo của nhiều nhà văn hóa và chính khách lớn trong đó có Thủ tướng Anh Ewart Gladstone, nhà văn Mark Twain, tổng thống Hoa Kỳ Grove Cleverland… Dấu ấn về quá trình tự học của Carnegie còn thể hiện trong những hoạt động nhân đạo xuyên suốt cuộc đời ông. Carnegie dành một phần lớn tài sản của mình với 60 triệu USD để xây 1679 thư viện trên khắp thế giới, 78 triệu USD cho các trường học và hàng triệu cuốn sách quyên góp mỗi năm… như một lời nhắn nhủ của ông tới cả thế giới rằng điều đầu tiên để bạn thay đổi cuộc sống của mình, điều quan trọng nhất đã biến một cậu bé xuất thân từ một gia đình nhập cư nghèo khó trở thành một trong những nhân vật thành công nhất của thời đại mình đó là tự học, không ngừng mở rộng kiến thức và vốn hiểu biết của bản thân mình.
2. Tập trung
Hình của Andrew Carnegie được in trên con tem của Mỹ
2. Tập trung
“Những người trung bình chỉ sử dụng 25% năng lượng và khả năng của mình vào công việc. Thế giới ngả mũ trước những người dồn 50% năng lượng vào công việc của họ và dẫn đầu thế giới là những người cống hiến 100% linh hồn của mình cho sứ mệnh của họ”
Nói về thành công, Carnegie luôn khẳng định “Điều kiện tiên quyết, bí mật duy nhất để thành công là dồn toàn bộ suy nghĩ của bạn, năng lượng của bạn cho công việc kinh doanh mà bạn lựa chọn”. Suốt cuộc đời mình, Andrew Carnegie đã hoàn toàn theo đuổi ngành công nghiệp thép với những cải tiến mới nhất cho các loại sắt thô, thép đường ray và các loại máy móc từ thép. Thực tế từ năm 1889, sản lượng thép của Hoa Kỳ đã vượt qua sản lượng của Anh bởi những thành quả của Andrew Carnegie. Andrew luôn nói rằng: Con đường thành công theo hình dung của ông là một đường thẳng với một làn đường duy nhất. Bằng sự kiên nhẫn, bằng ý chí học hỏi tất cả những gì liên quan tới con đường đó, ai cũng có thể đi tới sự thành công “Những người thành công là những người đã lựa chọn và mắc kẹt với lựa chọn của mình”. Làm việc chỉ hướng tới một mục tiêu tại một thời điểm, cống hiến 100% năng lượng và suy nghĩ cho mục tiêu duy nhất, Carnegie khẳng định rằng “Không có doanh nhân nào thành công trong việc cố gắng hoàn thành nhiều mục tiêu cùng một lúc. Họ sẽ ngã trên con đường dẫn tới thành công nhanh nhất. Cách đúng để thành công là bạn phải lựa chọn để trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực nào đó.
3. Cho đi sự giàu có của chính bạn
3. Cho đi sự giàu có của chính bạn
“Tiền bạc mang theo thông điệp thiêng liêng rằng người chiếm giữ nó cần phải biết quản lý tiền trong suốt cuộc đời mình vì lợi ích cộng đồng”
Là người giàu thứ hai thế giới cuối thế kỷ XIX, nhưng Andrew Carnegie lại cho đi gần như toàn bộ của cải trong cuộc đời mình vì các mục đích cộng đồng. Bên cạnh vị trí của một doanh nhân thành công, Carnegie còn là nhà hảo tâm vĩ đại của thời đại mình. Những thư viện miễn phí được Andrew xây dựng khắp nơi trên nước Mỹ, Vương quốc Anh và các nước nói tiếng Anh khác. Ông thành lập rộng rãi các quỹ hưu trí cho công nhân và ủng hộ nhiều dự án từ thiện cũng như những dự án vị mục đích công cộng, tiến bộ xã hội và phát triển giáo dục khác, cho dù suốt cuộc đời mình, Andrew Carnegie sống khiêm tốn, không khoe khoang, xa lánh những nơi phồn hoa và chưa bao giờ lãng phí.