Cô Thanh Tâm kính mến!
Cháu tốt nghiệp đại học ra trường đã 2 năm rồi nhưng chưa tìm được công việc phù hợp. Giữa năm nay, bố mẹ cháu đã lo 40 triệu để chạy cho cháu một suất vào làm nhân viên phòng hành chính nhân sự tại một công ty đang ăn lên làm ra ở Hà Nội. Cháu cảm thấy bản thân rất phù hợp với công việc này nên muốn gắn bó lâu dài. Trong công việc, cháu luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sống chan hòa, cởi mở với đồng nghiệp. Cháu vẫn nghĩ rằng, mọi thứ tốt đẹp đã bắt đầu mỉm cười với mình thì ngờ đâu cháu lại bị lôi vào một câu chuyện rắc rối, phức tạp.
Cùng đợt vào làm cùng cháu có chị Hiền dáng cao ráo, xinh xắn. Chị được rất nhiều nam đồng nghiệp quý mến, trong đó có cả vị sếp tổng của công ty, năm nay ngoài 50 cũng quan tâm, để ý. Vài lần các chị cùng phòng cũng nhấm nháy bảo rằng chị Hiền đã bị đưa vào tầm ngắm của sếp ông thì không biết sau này công ty có sóng gió gì không.
Lần đó, công ty cháu có dự án mới nên nhân viên một số phòng ban phải đi làm thêm ngày nghỉ. Gần hết giờ nghỉ trưa, cháu có văn bản quan trọng cần chữ ký của sếp tổng nên gõ cửa xin vào thì thấy trong phòng có chị Hiền. Xong việc cháu trở về phòng mình và một lúc sau khi ra nhà vệ sinh thì bắt gặp chị Hiền chạy ra từ phòng sếp, đầu tóc rối bù, cúc áo bị giật đứt. Chị ý kéo cháu vào phòng sếp bảo: “Em vào làm chứng giúp chị chuyện này!”. Chị Hiền vừa quệt nước mắt vừa nói một cách đầy uất ức, miêu tả lại việc đã bị sếp sàm sỡ.
Xâu chuỗi lại mọi chuyện từ xưa đến nay cháu đã hiểu tất cả sự việc. Sếp tưởng chị Hiền cũng như những cô gái dễ dãi khác định làm bậy nhưng chị lại cứng rắn, thậm chí còn kéo cháu vào làm chứng. Cháu bối rối chưa biết nói sao thì sếp đã nhắc khéo với cháu rằng: “Cô Thủy cũng mới vào đây, lại là chỗ người nhà của anh Đức mà tôi đã giúp đỡ rất nhiều. Tôi tin là cô sẽ biết cách xử sự. Cô Hiền hiểu lầm tôi chứ mọi chuyện không như lời cô ấy nói. Tôi sẽ chờ khi cô ấy bình tĩnh hơn rồi xin lỗi”.
2 tuần nay chị Hiền báo với công ty xin nghỉ phép. Cháu thì vô cùng khó xử, không biết đến lúc chị ấy đi làm thì cháu sẽ phải xử lý ra sao? Cháu cứ im lặng che giấu cho sếp hay vạch trần sự thật. Vì việc này, sếp có để cháu làm việc yên ổn hay không? Nếu cháu xin nghỉ làm ở đây thì đâu dễ tìm được việc ưng ý lại mất không một món tiền của bố mẹ.
Thu Thủy - Thanh Nhàn, Hà Nội
Bối rối khi đồng nghiệp quệt nước mắt và uất ức miêu tả lại việc đã bị sếp sàm sỡ (ảnh minh họa)
Trong sự việc, cháu trở thành nhân chứng bất đắc dĩ nhưng cháu cũng chỉ nghe và cảm nhận được phần nào đó câu chuyện chứ không trực tiếp chứng kiến nên không đứng ra làm chứng công khai được. Trước tình huống tế nhị này, cháu cần thể hiện sự mềm mỏng, khéo léo.
Đối với Sếp, cháu có thể chia sẻ mình thấy tiếc thế nào nếu người Sếp giỏi giang, mình tôn trọng, đã ở tuổi cha chú lại có thể có những hành động như vậy. Cô tin, ông ấy không mất mặt với cháu nhưng sẽ phải suy nghĩ, cân nhắc nếu có thói ấy. Đối với chị Hiền, cháu có thể gặp và chia sẻ với chị nhiều hơn để hiểu rõ vấn đề. Nếu thực sự có chuyện ấy xảy ra, chị Hiền cũng cần cân nhắc mọi chuyện trước khi lựa chọn hành động thế nào. Nếu muốn làm tới cùng thì nên có sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể trong cơ quan.
Đối với công việc, đừng vì chuyện này mà cháu ngừng phấn đấu. Cháu hãy khẳng định bản thân là người lý trí, vững vàng chứ không phải người dễ dàng bị điều khiển, đe dọa, nhưng cũng là người nhân hậu, mở lối thoát cho người mong muốn sửa đổi.
Đây là trải nghiệm thực tế cuộc sống mà cháu không thể trốn tránh, hãy mạnh mẽ, khách quan đương đầu và giải quyết nó nhé!