Người lãnh đạo đầu tiên Đoàn phụ nữ cứu quốc Việt Nam

08/03/2019 - 07:15
“Trước kia tôi cứ hình dung chị là một người đứng tuổi, hiền hậu, khỏe mạnh và toát lên vẻ cương nghị, không ngờ chị còn quá trẻ và xinh đẹp, da trắng hồng, đôi môi không thoa son mà tươi hồng tự nhiên”, nhà văn Lý Thị Trung nhớ lại hình ảnh của Anh hùng, Liệt sỹ Hoàng Ngân-người lãnh đạo đầu tiên của Đoàn phụ nữ cứu quốc

Năm 1947 tôi 18 tuổi, công tác ở Ban Tuyên huấn tỉnh hội phụ nữ cứu quốc (PNCQ) Hưng Yên. Thời gian ấy, hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương chung một mặt trận kháng chiến chống đế quốc Pháp. Chị Hoàng Ngân, Bí thư PNCQ Liên khu Ba quyết định thành lập Đội tuyên truyền phụ nữ liên tỉnh Hải Hưng với nhiệm vụ đi sâu đi sát vận động khuyến khích nhân dân nhất là phụ nữ hăng hái nhiệt tình tham gia kháng chiến, tích cực sản xuất, ủng hộ bộ đội, vận động chồng con, anh em gia nhập bộ đội, dân quân du kích, giúp đỡ đồng bào tản cư…

Đội tuyên truyền được thành lập gồm 12 người. Hà Tường đang là Bí thư phụ nữ huyện Tứ Kỳ, chị Hoàng Ngân rút Tường về làm Đội trưởng Đội tuyên truyền, Lan Vinh cán bộ Hội phụ nữ thị xã Hải Dương làm đội phó. Đội chúng tôi có chị Lưu đội viên du kích Mê Linh đi giúp việc cấp dưỡng và bảo vệ đội. Chị Lưu cắt tóc như con trai, mặc quần áo như bộ đội nên những lúc chị em cười đùa bá vai chị bị bà con lối xóm thắc mắc. Chúng tôi phải nói rõ, các bà hiểu ra lại cười xòa, không còn nghi ngờ “cái anh thanh niên” gánh đồ đạc lại còn gánh cả khẩu súng trường.

Đội chúng tôi đi đến xã nào cũng tìm ngôi chùa sư nữ xin được ở, đi hết các xã mới chuyển sang huyện khác, tất nhiên phải tránh các huyện, xã có đồn bốt của địch.

 

hoang-ngan.jpg
Đồng chí Hoàng Ngân - Bí thư Ban Phụ nữ cứu quốc Bắc Bộ

 

Chương trình làm việc của chúng tôi là diễn thuyết, sau đó hát đơn ca, đồng ca, ngâm thơ, diễn kịch… Nhiều lần đang chuẩn bị cho đêm diễn được tin báo quân địch đã kéo đến gần làng, chúng tôi không dám đi theo đường làng, phải lội tắt ruộng sang làng khác. Hoặc có lần đang diễn kịch thì làng bên kia con sông giặc đến càn quét. Bà con bên ấy lấy thuyền nan chở con cái, đồ đạc sang bên này và họ thản nhiên ngồi xem chúng tôi biểu diễn. Ngoài việc biểu diễn, chúng tôi còn làm tờ tạp san Tia sáng 24 trang viết tay trên thếp giấy học sinh, chữ chị Thiềm và Đông Nguyệt đẹp nên phụ trách trình bày các tin bài, kết quả việc làm của đội. Mỗi tháng làm một số, cả đội đọc xong, đội trưởng lên khu họp mang tờ tạp san Tia sáng nộp cho bí thư Hoàng Ngân để báo cáo.

Rồi chúng tôi còn triển lãm vì nhờ được một người tản cư biết vẽ, ông ta nhiệt tình thể hiện tranh với nội dung chúng tôi đưa ra: Các bà mẹ, các chị úy lạo bộ đội, chăm sóc thương binh, ủng hộ bộ đội, chị em tản cư dạy bình dân học vụ xóa nạn mù chữ… Chúng tôi tìm được những bài thơ hay như hai bài thơ Trưng Nữ Vương, Xuân chiến địa của nữ sĩ Ngân Giang viết thật đẹp trên giấy pơ-luya màu xanh nhạt đính vào các sợi dây chăng bên cạnh các tranh. Rất đông người đến xem. Các chị tản cư ở thành phố về bảo nhau chép thơ còn đọc cho nhau nghe những câu thơ thích nhất: …Công chúa Ngọc Hân mơ Nguyễn Huệ/Bởi say sự nghiệp khách anh hùng/Em cũng mơ chàng trai đất Việt/Sẽ là một bậc Nguyễn Quang Trung.

Chắc Hà Tường đã báo cáo chi tiết những hoạt động của đội nên khi đi họp về đã vui vẻ báo tin:

- Cả nhà ơi! Chị Hoàng Ngân đã khen đội ta làm việc rất tốt đấy! - Chúng tôi vô cùng sung sướng.

Đang say mê với công việc, đột ngột Hà Tường bị rút lên khu hội, Lan Vinh thay Tường làm đội trưởng. Sau đó ít lâu cả đội được triệu tập lên khu hội ở Thái Bình.

Đội chúng tôi lên khu hội còn đang bỡ ngỡ thì may sao gặp Tâm Ninh (Tâm Ninh tên thật là Tâm, đi công tác đổi là Ninh, về sau là Bạch Diệp - NSND điện ảnh). Tâm Ninh vốn là Bí thư phụ nữ thị xã Hải Dương, thân với Tường và Vinh nên hay đến chơi với đội tuyên truyền và thân với tôi. Ngồi nói chuyện với nhau tôi mới biết chị Hoàng Ngân đã phân công Tường làm Bí thư phụ nữ hai tỉnh Hải Phòng - Kiến An gọi là Hải Kiến và phải nhận công tác ngay. Lan Vinh thay Tâm Ninh về thị xã Hải Dương. Tâm Ninh cười bảo tôi:

- Vinh về thay mình. Mình lên khu hội mà chưa biết sẽ đi đâu. Các cậu sẽ được gặp chị Hoàng Ngân nhưng có thể phải sáng mai cơ, vì có mấy chị hoạt động trong vùng địch ra báo cáo. Chị Ngân bận lắm nhưng gặp thì rất vui.

Tôi hỏi Tâm Ninh:

- Mình nghe nói chị Hoàng Ngân yêu cậu lắm, hay gọi cậu là búp bê.

Tâm Ninh cười khanh khách:

- Mọi người cứ bảo mình trắng trẻo, mũm mĩm nên chị ấy mới gọi đùa thế.

Người nào làm việc với chị Ngân cũng được chị yêu mến, hướng dẫn, giúp đỡ một cách rất tình cảm. Cậu mà được làm việc với chị Ngân cũng thế thôi.

Rồi Ninh ghé tai tôi nói nhỏ: “Chị Ngân sắp lên Việt Bắc cơ quan Trung ương đấy!”. Tôi ngắt lời Ninh: “Chị Ngân giỏi quá nhỉ!”. Ninh đáp ngay:

- Chữ “giỏi” chưa đủ nghĩa với chị Ngân đâu. Nghe mọi người nói, bà mẹ chị có hàng cá rất lớn ở chợ Sắt (Hải Phòng) bán đi các tỉnh nên cũng là nhà giàu có. Bà chỉ sinh được một mình chị, tên thật là Phạm Thị Vân, đi hoạt động cách mạng mới đổi là Hoàng Ngân. Bà mẹ mải buôn bán thu tiền, ông bố mải đánh cờ, đánh bài mà cô con gái chỉ tìm sách hay và báo Bạn dân của Đảng để đọc, đọc xong còn đem cho các bạn gái bán hàng ở chợ Sắt giục họ đọc. Chị Tám bán hàng tấm (hàng vải) là người đã được giác ngộ cách mạng thấy Ngân cho mình báo lại giục đọc thì nghĩ: “Hay con bé này cũng là người trong tổ chức?” chị Tám nói điều ấy với đồng chí lãnh đạo tỉnh. Anh cũng cười:

- Cô bé ấy được đấy. Cô theo dõi, hướng dẫn để cô ấy là đồng chí của mình.

Thời kỳ ấy Mặt trận Bình dân bên Pháp lên cầm quyền (1936 - 1939) nên bọn thống trị ở Việt Nam cũng nới tay đàn áp phong trào cách mạng của ta. Báo chí cách mạng được in nhiều, một số cán bộ được hoạt động công khai.

Rồi Hoàng Ngân trở thành đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương năm 16 tuổi (1937) làm được nhiều việc cho phong trào phát triển và góp công sức thành lập được Hội Ái hữu tiểu thương ở chợ Sắt sau một thời kỳ đấu tranh quyết liệt với bọn thống trị chúng buộc phải chấp nhận (1938).

Song, đến cuối tháng 9/1939 Mặt trận Bình dân bên Pháp đổ, bọn thống trị ở Việt Nam lại khủng bố đàn áp Cách mạng cán bộ hoạt động công khai của ta phải rút vào bí mật Hoàng Ngân thoát ly gia đình làm công tác binh vận rồi giữ đường dây liên lạc với Hải Phòng, Hà Nội và cơ quan Trung ương theo sự chỉ đạo của đồng chí ủy viên Trung ương Hoàng Văn Thụ. Trong công tác nhiều khó khăn gian khổ nhưng chị đã vượt qua. Nhiều lần bị bắt giam lại được tha. Một lần chị bị bọn cảnh sát mật thám đón lõng vây bắt giam ở nhà lao Hà Đông, sau chuyển về Hỏa Lò (Hà Nội) trong trại giam nữ. Rồi anh Hoàng Văn Thụ cũng bị bắt, cũng bị đưa về giam ở Hỏa Lò. Bọn địch biết anh Thụ là cán bộ lãnh đạo quan trọng, chúng cố thuyết phục anh nhưng không được nên quyết định xử tử. Chúng đưa anh đến Hoàng Mai thuộc huyện Thanh Trì xử bắn. Chị em trong trại giam nữ rất đau buồn, Hoàng Ngân nằm vật xuống khóc nức nở. Lúc ấy chị em mới biết anh Hoàng Văn Thụ và chị Hoàng Ngân yêu nhau nhưng không dám hỏi.

Mãi đến tháng 3/1945 Nhật đảo chính Pháp chị Hoàng Ngân mới được ra tù. Chị đến cơ sở cũ tìm được các đồng chí của mình, tiếp tục hoạt động ở các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nội…

Cách mạng thành công rồi kháng chiến chống Pháp vì chúng muốn cướp lại nước ta lần nữa, chị Hoàng Ngân trở về làm Bí thư PNCQ Hải Dương, bây giờ là Bí thư PNCQ Liên khu Ba.

Sáng hôm sau chúng tôi được Tâm Ninh gọi lên phòng làm việc của chị Hoàng Ngân.

Trước kia tôi cứ hình dung chị là một người đứng tuổi, hiền hậu, khỏe mạnh và toát lên vẻ cương nghị, không ngờ chị còn quá trẻ và xinh đẹp, da trắng hồng, đôi môi không thoa son mà tươi hồng tự nhiên, đôi mắt đen hơi xếch, dáng người thon thả. Chị tươi cười hỏi han chúng tôi, cho biết đoàn thể có yêu cầu công tác mới nên một số chị em phải điều động làm việc khác, các em trở về cơ quan cũ hãy phát huy khả năng làm tốt nhiệm vụ như đã làm trong đội tuyên truyền.

Rồi chị vui vẻ hỏi từng người:

- Nào, ai làm màn kịch vui: “Tôi đi thăm đồng đêm tối không trăng sao?”.

Tôi chỉ vào Vân Thái:

- Thưa chị, Vân Thái đấy ạ.

- Ai làm mõ “chiềng làng, chiềng xã?”.

- Thu Thủy ạ.

- Ai là “chiến sĩ lên đường” và “thương binh hỏng mắt”.

- Lý Trung ạ.

Theo tay Đông Nguyệt chỉ, chị hỏi tôi:

- Em viết bài “Chú tiểu Bình” à? Bài ấy được lắm, chị đọc rất cảm động, về Hưng Yên công tác em hãy cố gắng viết nhiều nhé.

Bài “Chú tiểu Bình” tôi viết ngày chúng tôi ở chùa Phù Tải(1). Tiểu Bình là cô bé 11 tuổi, bố mất sớm, mẹ không nuôi nổi ba đứa con nên đem Bình gửi vào nhà chùa. Bình ngoan được các sư thương. Em thích xem chúng tôi tập diễn kịch, viết báo. Em không biết chữ, chúng tôi thay nhau dạy em học, chỉ vài tháng em đã biết đánh vần. Sư cụ trong chùa rất mến chúng tôi, cho thóc nếp ngâm nảy mầm, dạy cách nấu kẹo mạch nha. Tiểu Bình cũng thức đêm nấu kẹo với chúng tôi. Khi chúng tôi sang xã khác, em theo chúng tôi ra quá cổng chùa, nhìn lại thấy em lấy tay áo quệt nước mắt.

Trí nhớ của chị Ngân thật tuyệt vời, biết bao công việc quan trọng, bận rộn vẫn nhớ từng tiết mục biểu diễn, từng bài báo nhỏ. Vài giờ đồng hồ lần đầu tiên được gặp chị đâu có ngờ là không một lần gặp lại

Đầu tháng 3/1949 chị Lê Huyền, Bí thư PNCQ tỉnh Hưng Yên đưa cho tôi tờ công văn:

- Này, cậu sướng nhớ, được chị Hoàng Ngân viết đích danh Lý Thị Trung đi học lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng do Tổng bộ Việt Minh mở ở Việt Bắc. Chuẩn bị nhanh để đi cho kịp nhớ.

Thì ra chị Hoàng Ngân là Bí thư Đoàn PNCQ Việt Nam. Hôm đi họp Tổng bộ Việt Minh, anh Xuân Thủy nói với chị là Tổng bộ mở lớp đào tạo cán bộ viết báo bên phụ nữ hãy cử người đi học. Chị nhớ đến tôi, đã có công văn chỉ định tôi đi học. Chị chẳng làm báo bao giờ mà chỉ vài năm lãnh đạo Đoàn PNCQ VN chị đã thấy cần thiết và sáng lập ra tờ báo Phụ nữ Việt Nam.

Anh hùng, Liệt sĩ Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân sinh năm 1921 tại Hải Phòng, là con gái của nhà tư sản dân tộc Phạm Trung Long. Bà sớm giác ngộ cách mạng và nhanh chóng trở thành một cán bộ xuất sắc, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi (1938). Tháng 1/1941, bà bị thực dân Pháp bắt và kết án 12 năm tù giam tại nhà tù Hỏa Lò. Tháng 3/1945, lợi dụng thời cơ Nhật đảo chính Pháp, bà cùng một số chị em thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò tiếp tục hoạt động cách mạng.

Trở về, bà được làm Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc Hà Nội, Thành ủy viên Đảng bộ thành phố Hà Nội… Trong những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa, bà đã tổ chức đội nữ du kích Minh Khai. Trong năm 1946- 1947, bà tích cực hoạt động trong phong trào phụ nữ và được cử làm Bí thư Trung ương lâm thời Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam, rồi thành Bí thư Ban Phụ nữ cứu quốc Bắc Bộ.

Năm 1948-1949, kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt, Hội Liên hiệp phụ nữ phải đi nhiều nơi như Thái Nguyên, Bắc Kạn… nhưng bà vẫn không ngừng đẩy mạnh phong trào, sáng lập tờ báo Tiếng gọi phụ nữ (tiền thân báo Phụ nữ Việt Nam) với bài xã luận gây nhiều tiếng vang. Ngày 17/7/1949, sau một cơn sốt rét ác tính, bà qua đời tại Việt Bắc khi vừa 28 tuổi.

Sau khi bà mất, các tỉnh đội Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình đã lập các đội du kích Hoàng Ngân, một trường đào tạo cán bộ phụ nữ mang tên bà, các con phố mang tên Hoàng Ngân (ở Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội)…

Bà đã được phong tặng và truy tặng các danh hiệu: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh…

Phần mộ của bà được dời từ Thái Nguyên về nghĩa trang Mai Dịch bên cạnh chồng bà – nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ để được yên nghỉ mãi mãi bên nhau.

khu-di-tich-thai-nguyen-51.jpg
Di tích Đoàn Phụ nữ cứu quốc, Hội LHPNVN (1948-1950) tại xóm Thẩm Doọc 1, xã Điềm Mặc (Định Hóa, Thái Nguyên)
 

***

Tôi đến trạm giao thông, họ họp lại thành một đoàn mười người, chỉ mình tôi là nữ. Anh giao thông dẫn đi đường số 5, giặc pháp đang càn lại quay về  đường sáu, hết trèo đèo, leo dốc, vượt sông phải một tháng trời đi bộ mới tới lớp học ở đồi Bờ Rạ, xã Phúc Trừu, Đại Từ, Thái Nguyên. Trong 3 tháng học tập nhiều đồng chí lãnh đạo đến giảng dạy tôi cứ mong có chị Hoàng Ngân đến nhưng không thấy.

Lớp học có 43 người, chỉ có 3 nữ: Chị Phương Lâm, Mai Cương và tôi. Sau ba tháng học tập, tôi về khu Ba trước khi về tỉnh hội phụ nữ Hưng Yên. Không ngờ về khu Ba lại nhận được thư của chị Hoàng Ngân. Mở ra xem mới biết là chị đã thỏa thuận với anh Xuân Thủy là sau khi học xong tôi sẽ về Báo Phụ nữ Việt Nam. Thư của chị đề ngày 21/6/1949, lạ chưa - ngày này lớp đang còn học sao thư lại chuyển về khu Ba?! Chị Bí thư khu Ba xem bức thư chị Ngân viết tôi đưa, chị nói với tôi: “Cũng lạ thật, bức thư này gửi về trường viết báo mới đúng. Sau ngày viết thư này khoảng gần một tháng thì Hoàng Ngân qua đời. Chúng tôi được tin báo như vậy”. Tôi bàng hoàng không thể ngờ một người như chị Hoàng Ngân mà ra đi sớm thế. Mới 28 tuổi đời! Sau này hỏi ra mới biết chị chỉ kêu nhức đầu, nhiều lần ôm đầu vật vã rất khổ sở. Thuốc men không có, bệnh viện thì xa. Chị em phải khiêng võng đưa chị đi, mấy lần gặp mưa to phải tránh. Khiêng tới gần bệnh viện thì chị đã tắt thở.

Chị Hoàng Ngân ơi chị vẫn nhớ đến em để em được làm nghề viết báo. Bây giờ đã nghỉ hưu mấy chục năm rồi em vẫn luôn tưởng nhớ chị. Hà Nội có đường phố mang tên chị như là chị đang “sống” với nhân dân thủ đô. Bức thư chị gửi cho em, em đã gửi vào Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để các chị em lớp sau biết được tấm lòng yêu nước, yêu dân của chị.

Tác giả - Nhà văn Lý Thị Trung sinh năm 1930, là một trong những người sáng lập Báo Phụ nữ Thủ đô. Bà từng công tác tại báo Thủ đô (nay là Hà Nội mới) và NXB Phụ nữ. Bà có nhiều sáng tác trong đó từng có tác phẩm “Màu thiên thanh” được giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm