Người mẹ 6 năm nghỉ làm để ‘cứu’ con tự kỷ

12/12/2016 - 09:48
'Nuôi dạy con tự kỷ là hành trình gian nan, nhiều nước mắt và khổ đau. Nhưng chỉ có tình yêu thương của cha mẹ mới có thể cứu được con và đánh thức tiềm năng 'đang ngủ' trong con', chị Nguyễn Thị Xoan (Tây Mỗ, Hà Nội) chia sẻ.

Chị Xoan tâm sự: Những ngày nắng 40 độ chói chang hay những ngày rét cắt da cắt thịt 8 độ, mình ròng rã ngoài đường để chở con đi học các lớp chuyên biệt. Con tự kỷ, nếu xấu hổ, ngại ngùng mà nhốt con ở nhà thì con sẽ không bao giờ tiến bộ. Dù ra ngoài con liên tục ăn vạ, nhưng mình thường xuyên cho con đi chơi. Nơi công cộng nào cũng có mặt. Đi nhiều đến mức, mình đã bị động thai khi mang bầu đứa con thứ hai. Ra ngoài không chỉ để con được chơi mà còn là cơ hội để mình dạy con. Mình dạy con mọi lúc mọi nơi, luôn dạy những gì mà con đang thiếu: Dạy con cảm nhận nóng - lạnh, chua - ngọt, dạy con mua bán… Mình cũng cố gắng dạy con đi xe đạp rất sớm vì môn thể thao này giúp con tập trung và giảm rối loạn cơ.

Đang đi làm, mình quyết định xin nghỉ để dành toàn thời gian bên con. Bởi với trẻ tự kỷ, từ 2 đến 5 tuổi là thời điểm vàng để can thiệp tốt nhất. Nếu để qua lứa tuổi này, sẽ rất khó khăn. Điều quan trọng nhất là chỉ có tình yêu thương của bố mẹ mới cứu được con tự kỷ trong giai đoạn quan trọng này, không thể “phó mặc” cho cô giáo với thời gian 1 tiếng vô cùng ít ỏi.

xoan-nguyen.jpg
Chị Xoan đã nghỉ việc 6 năm để dạy con, bởi chỉ tình yêu thương của cha mẹ mới có thể cứu con tự kỷ.

Nghiên cứu nhiều tài liệu, tiếp xúc với nhiều cha mẹ có con tự kỷ, đặc biệt trong quá trình nuôi dạy con, mình nhận ra rằng, đừng bao giờ nghĩ con không thể làm được điều gì đó. Bởi tiềm năng của con đôi khi chính cha mẹ cũng không biết, cho tới khi con làm được.

Như trước đây, mình không bao giờ nghĩ con mình đi học được. Con phải học chuyên biệt gần nửa năm mới chịu ngồi yên trên ghế, nửa năm mới cầm được bút vì con bị rối loạn cơ và vận động tinh kém, học cộng trừ cũng phải nửa năm. Ngày khai giảng của con là ngày mình hồi hộp nhất. Cả ngày thót tim, chỉ lo cô giáo gọi điện về cho gia đình rằng con không thể theo học được. Thế nhưng, hôm đó, con đã ngồi học được như các bạn. Với mình, niềm vui ấy còn lớn hơn cả trúng số độc đắc.

khanh.jpg
 Sự tiến bộ của con là hạnh phúc, hy vọng, động lực rất lớn của bố mẹ có con tự kỷ.

Con đi học, niềm vui chỉ là hi hữu, còn hầu như ngày nào con cũng có vấn đề. Ngoài vấn đề ở bản thân thì con còn bị bạn đánh, bạn kỳ thị, gọi là thằng điên, thần kinh, rồi con đánh bạn bị cô phạt, từ đó con sợ cô nên cứ để bạn đánh mà không phản ứng lại.

Nhiều hôm, mình quan sát từ xa, thấy con đứng yên để mấy bạn vây đánh mà thương con thắt cả ruột gan. Thế nhưng, cha mẹ tự kỷ đều phải quen với điều đó để không cho phép mình nản chí. Bởi nhờ thế mà con biết tương tác xã hội, biết "học theo" các bạn là con đã hòa nhập được phần nào.

Giờ con đã học lớp 3, đã biết cộng trừ, nhân chia, biết làm bài toán có lời giải dù còn rất khó khăn. Sự tiến bộ ấy, trước đây mình chưa bao giờ dám mơ tới. Đó là niềm hạnh phúc vô biên, là phần thưởng mình nhận được trong hành trình gian nan cùng con. Hành trình ấy sẽ còn rất dài, song những tiến bộ nho nhỏ của con cũng là động lực rất lớn để bố mẹ tiếp tục hy vọng rằng con sẽ thay đổi, có thể hòa nhập với cuộc sống như bao đứa trẻ bình thường khác.

Không trẻ tự kỷ nào giống nhau. Chỉ các bố, mẹ mới biết con đang thiếu cái gì nhất và nên bắt đầu từ đâu để giúp con. Hồi con mình 4 tuổi, khi bắt đầu biết nói, tối nào đến giờ đi ngủ, mình cũng tắt điện, bật đèn pin dạy chữ cho con trên giường. Mình cho con học 2 năm lớp 1. Thương con thì phải để con tự chiến đấu, kể cả việc con bị bắt nạt ở trường. Để đồng hành cùng con, cha mẹ cần kiên trì.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm