Người mẹ tài hoa bậc nhất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

17/03/2017 - 17:23
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà văn hóa lớn, nhà thơ, người thầy tài giỏi của Việt Nam ở thế kỷ 16. Nhắc tới ông, không thể không nhắc đến công lao dạy dỗ của bà Nhữ Thị Thục - một người mẹ nhân hậu, một người thầy thông minh, lỗi lạc.

Bà Nhữ Thị Thục người làng Yên Tử Hạ, huyện Tiên Minh, xứ Hải Dương (nay thuộc xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng). Bà là con gái quan Thượng thư bộ Hộ, Tiến sĩ Nhữ Văn Lan nổi tiếng một thời về liêm khiết và trung trực dưới triều vua Lê Thánh Tông. Bà được phong là Từ Thục phu nhân. Họ Nhữ về sau có người di cư về Hoạch Trạch (nay là xã Thái Học, Cẩm Giàng, Hải Dương) lập nên một dòng họ có truyền thống khoa bảng ở nơi đây.

Sinh ra trong một gia đình vọng tộc nên bà được giáo dục rất chu đáo. Bà lại ham hiểu biết, rất thông minh nên tinh thông Hán học, giỏi văn chương, đặc biệt ham thích môn thuật số. Do học sâu Nho học, thấm nhuần tư tưởng tu thân của Nho gia nên bà sớm mang trong mình khí chất của bậc quân tử đại trượng phu. Bà được xem là bậc nữ lưu tài hoa vào bậc nhất chốn kinh kỳ thời bấy giờ, giỏi văn chương và tài học về lý, số. Có thể nói, bà là hình mẫu người phụ nữ rất hiếm gặp trong lịch sử Việt Nam. Nhiều gia đình danh giá muốn được kết thông gia với họ Nhữ nhưng bà kén chồng rất kỹ, chẳng chịu ưng ai nên mới muộn chồng.

khiem-2.JPG
Khu di tích và đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Năm 1491, bà sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm, tên khai sinh là Nguyễn Văn Đạt, với mong muốn con trai sẽ thành đạt. Khi còn nhỏ, Nguyễn Văn Đạt đã được mẹ hát ru bằng những câu dân ca hoặc những vần thơ do bà sáng tác. Nguyễn Văn Đạt khôi ngô, tuấn tú, có tư chất khác thường, 1 tuổi đã nói sõi, lên 5 tuổi đã được mẹ đem kinh truyện dạy cho. Bà Thục đã làm hàng trăm bài thơ lục bát dễ thuộc để dạy con từ việc chơi bi, chơi diều, đánh cờ cho đến luân lý đạo đức làm người, là người thầy dạy dỗ con về thơ ca, kinh sách.

Cũng giống mẹ, Nguyễn Bỉnh Khiêm rất thông minh, học một biết mười và say mê lý số. Ông học rất sâu Dịch số và nghiên cứu cực tinh Thái ất Thần kinh, là một nhân vật hàng đầu về Lý học ở nước ta. Ông thi đỗ Trạng nguyên thời nhà Mạc và đã có công đào tạo ra một đội ngũ tri thức kiệt xuất cho nước nhà. Đời sau đánh giá ông là bậc kỳ tài, có khả năng ‘nắm được huyền cơ tham gia vào việc của tạo hóa’.

Xưa nay các tác giả nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm đều ca ngợi sự tài giỏi và đánh giá cao công lao dưỡng dục của bà Nhữ Thị Thục trong việc hình thành phẩm cách, tài năng, trí tuệ mẫn tiệp và cách ứng xử tài tình của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhà sử học Ngô Đăng Lợi căn cứ vào sách ‘Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Văn Đạt phả ký’ đã khẳng định: 'Thân mẫu Nguyễn Bỉnh Khiêm là người thông minh, học rộng, giỏi văn chương, thông kinh sử, lại tinh thông cả lý số, thiên văn, đảm lược và có ý chí của bậc trượng phu'.

khiem.jpg
  Tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Khu di tích và đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tại Hội thảo khoa học ‘Vai trò của người mẹ và dòng họ ngoại với danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm’, cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đánh giá: Bà Nhữ Thị Thục - mẹ danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm - là một trong ba người phụ nữ nổi tiếng, tài trí hơn người của Việt Nam ở thế kỷ XVI (Trạng nguyên Linh phi Nguyễn Thị Duệ, Quận công Nhữ Thị Thuận và phu nhân Nhữ Thị Thục).

Dân gian còn lưu giữ nhiều giai thoại về tài năng, đức độ, chí hướng của bà. Ngay cả Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài Tựa Bạch Vân am cũng đã khẳng định công lao cũng như nhiệt tâm của người mẹ trong việc dạy dỗ ông từ thuở ấu thơ. Tại làng Yên Tử Hạ hiện vẫn còn mộ phần của bà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm