Người mẹ trọn đời vì con của danh nhân Đào Duy Từ

16/04/2017 - 11:56
Nhờ có sự hy sinh hết lòng, quên mình của mẹ mà Đào Duy Từ sau này đã trở thành một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của nước ta.

Bà Vũ Kim Chi là mẹ của danh nhân Đào Duy Từ, sống vào thế kỷ thứ XVII, người làng Ngọc Lâm, huyện Lục An, Thanh Hóa. Chồng bà là ông Đào Tá Hán, nguyên cấm vệ ở kinh thành.

Ông Đào Tá Hán vốn có tài thơ ca, một hôm ngồi vui cùng đám quân sĩ, liền ứng khẩu mấy câu ca, chẳng may phạm vào tên húy của Minh Khang Thái vương nhà họ Trịnh (chúa Trịnh Kiểm) nên bị đánh 20 roi rồi đuổi về quê. Về quê, ông theo một giáo phường học nghề đàn hát, chẳng bao lâu trở thành một kép hát nổi tiếng trong vùng.

Mùa xuân năm ấy, giáo phường của Đào Tá Hán được gọi đến hát thờ và giúp vui cho hội làng Ngọc Lâm. Trong đêm hội, tiếng đàn giọng ca của anh kép hát tài danh đã làm rung động trái tim cô con gái ông Tiên chỉ Ngọc Lâm là Vũ Kim Chi. Kim Chi yêu say đắm Đào Tá Hán nên mặc cho gia đình ngăn cản vẫn quyết lấy ông bằng được.

Thời xưa con hát có thân phận thấp kém, lấy chồng làm nghề hát xướng là phải chấp nhận bị người đời khinh rẻ nhưng vì yêu tài, trọng người, bà Kim Chi bất chấp tất cả.

Năm 1572, bà Kim Chi sinh Đào Duy Từ, cuộc sống gia đình đầm ấm, yên vui. Nhưng hạnh phúc không được bao lâu, đến năm 1576, Đào Tá Hán qua đời. Vì còn trẻ, lại xinh đẹp nên bà Kim Chi được nhiều gia đình khá giả nhăm nhe muốn xin cưới về làm lẽ nhưng bà đều từ chối, quyết ở lại giáo phường, chăm sóc dạy dỗ con nối nghiệp cha.

wkxru7e1.jpg
 Chân dung tái dựng của Đào Duy Từ

Đào Duy Từ lớn lên được mẹ cho đi học. Người trong giáo phường xưa học chữ chỉ cốt để ghi chép lại và hát cho đúng những lời ca điệu hát trong giáo phường nhưng không ngờ Đào Duy Từ rất thông minh, học như ăn chữ, học hết chữ của thầy đồ làng, ông lại xin mẹ cho học thầy giỏi hơn. Bà Chi nhìn con ngậm ngùi.

Từ sau khi lệ cấm con nhà hát xướng tham gia thi cử được vua Lê Thánh Tông ban hành trong luật Hồng Đức, chưa từng có ai làm nghề hát xướng mà được đi thi nên học nhiều cũng chẳng để làm gì nhưng tiếc tài học của con, bà lại cho con học tiếp.

Đến kỳ thi Hương, để con được đi thi, bà liều đem lễ vật đến đút lót cho xã trưởng làng Hoa Trai để đổi con sang họ Vũ, giả tên là Vũ Như Lâm để Đào Duy Từ được đi thi. Xã trưởng Hoa Trai lâu nay vẫn ngấm nghé bà, nay lợi dụng cơ hội ép bà hứa nếu việc trót lọt sẽ chịu về làm lẽ ông ta. Vì con, bà Chi nhắm mắt gật đầu.

Cuối cùng, với tên Vũ Duy Từ, con nhà lương dân, năm 1593, Đào Duy Từ vào thi Hương, đỗ Á nguyên. Xã trưởng Hoa Trai thấy vậy mừng rỡ đến đòi bà thực hiện lời hứa. Bà lần lữa tìm cách chối khéo để tính kế thoát khỏi ông ta. Thấy vậy, xã trưởng tức tối đút lót cho quan huyện Ngọc Sơn để nhờ ông ta xét xử bắt bà thực hiện lời hứa. Không ngờ viên Tri huyện đem chuyện gian dối để đi thi của Đào Duy Từ bẩm báo lên. Đào Duy Từ bấy giờ vừa thi xong kỳ thi Hội trên kinh thành, quyển thi của ông theo khảo quan là đáng được trúng cách, liền bị hủy bỏ. Đào Duy Từ bị bắt rồi bị tống giam.

Ở quê nhà, nghe tin con bị bắt, bà Kim Chi vô cùng tuyệt vọng nhưng thân cô thế cô không biết trông cậy vào đâu. Vì vậy, khi nhận được trát bắt lên quan tra xét về tội man trá cho con đi thi, bà đã thắt cổ tự tử.

Đào Duy Từ là một kẻ sĩ năng động, không được chính quyền Lê - Trịnh trọng dụng để được thi thố tài năng, ông khuất thân sống cuộc sống tầm thường tại Thăng Long một thời gian rồi năm 1627 trốn vào Nam theo giúp chúa Nguyễn. Ông trở thành một trong những ‘khai quốc công thần’ của họ Nguyễn ở Đàng Trong, giúp chúa Nguyễn đứng vững được trước các cuộc tấn công quân sự của chính quyền Lê - Trịnh trong thời kỳ Bắc cự, xây dựng nền tảng chính trị vững chắc làm tiền đề cho công cuộc Nam tiến về sau.

n-th-o-duy-t-x-hoi-thanh-ty-huyn-hoi-nhn-bnh-nh.jpg
 Đền thờ Đào Duy Từ ở xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, Bình Định.
daodyttu1.jpg
 Bên trong  Đền thờ Đào Duy Từ

Tương truyền, ông còn đem các điệu ca múa ở Đàng Ngoài truyền dạy trong vương phủ họ Nguyễn, góp phần đặt cơ sở cho sự hình thành của nghệ thuật nhã nhạc cung đình Huế - loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại năm 2003.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm