Bà Stanley Ann Dunham - thân mẫu ông Obama - sinh năm 1942, là con gái của một người buôn bán đồ gỗ. Đó là giai đoạn lịch sử nước Mỹ đầy căng thẳng do chiến tranh, kỳ thị và mất niềm tin vào sự dị biệt. Cha mẹ đặt cho bà cái tên Stanley đầy nam tính là vì họ mong một đứa con trai nhưng lại sinh ra con gái. Sự kỳ thị nam nữ này đã khiến Ann phải chịu đựng suốt những năm học phổ thông.
Chân dung bà Stanley Ann Dunham hồi trẻ. |
Trong cuộc đời mình, bà có đến 4 cái tên và mỗi cái tên là hiện thân một giai đoạn của cuộc đời. Trong thời gian đầu mang tên Stanley, bà phải theo gia đình dời chỗ ở đến 5 lần, từ bang Kansas đến bang California rồi Texas và Washington, trước khi bà bước sang tuổi 18. Stanley theo học trung học ở Washington, học thêm lớp nâng cao về triết học và thường xuyên lui tới các quán cà phê ở Seattle. "Bà ấy là một cô gái thông minh, ít nói, hay quan tâm đến tình bạn và những vấn đề thời sự" - Maxine Box, một người bạn thân thời trung học kể.
Thế rồi sau khi Stanley tốt nghiệp trung học, gia đình lại di chuyển đến thành phố Honolulu, bang Hawaii. Hawaii lúc đó mới thành một bang của nước Mỹ, còn hoang sơ và nhiều cơ hội phát triển. Ở đây, Stanley ghi danh vào học Đại học Hawaii.
Lúc này, bà bắt đầu sử dụng cái tên mới là Ann, và bà đã gặp gỡ ông Barack Obama Sr. trong một lớp học tiếng Nga. Ông Obama là một người da đen gốc Phi đầu tiên dự học tại trường Đại học Hawaii. Hai người đã âm thầm hẹn hò với nhau.
Vài tháng sau khi gặp gỡ, Ann đưa chàng trai da đen về gặp cha mẹ rồi hai người làm đám cưới ở thị trấn Maui vào ngày 2/2/1961, khi Ann mang thai. Họ làm đám cưới trong âm thầm, lặng lẽ, bạn bè không ai được mời dự và cũng chẳng được thông báo. Thời đó, việc một thiếu nữ da trắng mới 18 tuổi lấy chồng người da màu là một chuyện rất khó xảy ra. Chính vì thế mà khi bạn bè của bà ở Washington nghe được tin bà đã lấy chồng thì tất cả đều bị "sốc". Ann rời trường đại học chỉ sau một học kỳ đầu. Tháng 8/1961, Barack Obama ra đời.
Giai đoạn này, bà Ann thường được mọi người gọi bằng cái tên mới - bà Barack H. Obama. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này không tồn tại được lâu. Khi Obam 1 tuổi thì cha ông để mẹ con ông ở lại Hawaii để đến Harvard học lấy bằng tiến sĩ kinh tế. Sau đó, ông quyết tâm thực hiện ước nguyện quay trở về quê cha đất tổ ở Kenya để giúp một tay tái thiết đất nước. Đáng lẽ ông có thể mang vợ con theo nhưng ở quê hương Kenya, ông cũng có một cuộc hôn nhân trước. Vì vậy, bà Ann đành phải ôm con ở lại Hawaii. Tháng 1/1964, bà và ông Obama chia tay nhau.
Khi Obama được 2 tuổi, bà Ann quay trở lại trường đại học, tiếp tục việc học và dự định lấy bằng cử nhân sau 4 năm. Điều kiện cuộc sống rất khó khăn, bà đã phải rất vất vả, nhờ đến cả sự giúp đỡ của cha mẹ để nuôi nấng Obama. Một lần nữa, bà Ann lại yêu một sinh viên ngoại quốc học cùng Trường đại học Hawaii tên là Lolo Soetoro, người Indonesia. Soetoro là người dễ tính, vui vẻ và sẵn sàng dành hàng giờ chơi đùa với cậu bé Obama. Vì vậy, khi ông Soetoro đưa ra lời cầu hôn vào năm 1967, bà Ann đã nhận lời. Hai mẹ con bà khăn gói theo ông về Indonesia. Cả hai mẹ con rất ngỡ ngàng khi lần đầu tiên đặt chân lên một vùng đất xa lạ. Trong quyển hồi ký của mình sau này, Obama đã kể lại: "Vừa bước chân ra khỏi máy bay là cảm nhận ngay cái nóng như thiêu như đốt, hầm hập như lò bánh mỳ".
Tổng thống Obama lúc còn nhỏ và mẹ. |
Indonesia vào giai đoạn cuối thập niên 60 thế kỷ XX là đất nước kém phát triển, mọi thứ đều khan hiếm, đắt đỏ. Bà Ann và con trai là 2 người ngoại quốc đầu tiên đến sống ở vùng ngoại ô Jakarta nghèo khó này. Obama đã phải lăn lộn làm quen với môi trường sống mới, làm đủ trò để kết bạn với lũ bạn hàng xóm cùng trang lứa.
Sau khi đã ổn định chỗ ở, bà Ann cho con đi học tại một ngôi trường Thiên Chúa giáo có tên gọi là Trường tiểu học Franciscus Assisi. Obama ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý không chỉ vì cậu là người ngoại quốc mà còn vì cậu bụ bẫm hơn tất cả học sinh địa phương. Cậu ăn những món ăn thuần túy địa phương một cách ngon lành, cùng lũ bạn chơi đá bóng và trèo cây hái trái, chơi đùa vui nhộn. Bọn trẻ địa phương gọi cậu bằng biệt danh "thằng da đen" cậu cũng không để ý.
Theo cách riêng của mình, bà Ann luôn cố gắng để bù đắp sự thiếu vắng cộng đồng người da đen trong cuộc đời con trai mình. Bà thường mang về cho con trai nhiều quyển sách viết về phong trào đấu tranh vì quyền công dân và những đĩa hát của ca sĩ da đen Mahalia Jackson. Lo lắng cho việc học của con trai ở trường, bà đã dậy từ lúc 4 giờ sáng để dạy con học bài.
Trong khi bà Ann ngày càng hòa nhập vào cộng đồng người Indonesia, ông Soetoro đã thăng tiến trong một công ty dầu hỏa của Mỹ, nhờ đó ông đã chuyển gia đình đến ở một khu phố khác. Cuộc sống không quá vất vả, nhưng bà Ann luôn cảm thấy nhàm chán vì phải theo chồng đi dự tiệc tùng liên miên. Cuộc sống vợ chồng vì thế mà ngày càng trở nên xa cách.
Năm 1971, khi Obama mới 10 tuổi, bà Ann đưa con trở về Hawaii sống với ông bà ngoại. Bà nhờ cha mẹ giúp đưa cháu đến học tại trường danh giá nhất Honolulu là trường Punahou, theo diện học bổng. Sau này, ông Obama kể về quyết định đó, cho rằng đó là một quyết định rất khó khăn đối với mẹ, và nó cho thấy bà rất coi trọng vấn đề giáo dục cho con. Sự xa cách với con trai khiến bà không thể yên tâm và vì vậy chỉ một năm sau bà đã quyết định quay trở về Hawaii ở bên cạnh con trai, mang theo cả con gái Soetoro-Ng, còn ông Soetoro thì ở lại Indonesia. Bà ghi danh theo học thạc sĩ Nhân chủng học tại Đại học Hawaii để có điều kiện nghiên cứu về nhân chủng học.
Chỉ sau 3 năm sống với con ở Honolulu, Ann quay trở lại Indonesia để theo đuổi việc nghiên cứu và lấy bằng tiến sĩ ngành nhân chủng học. Lúc này Obama đã 14 tuổi, quyết định không theo mẹ mà ở lại Hawaii vì ông thích cuộc sống tự lập đã được ông bà ngoại dạy cho.
Tổng thống Obama cùng mẹ và cha dượng ở Indonesia. |
Ở Indonesia, bà Ann mang một cái tên mới là Ann Dunham Sutoro. Bà được mọi người xem là người phụ nữ phi thường: một bà mẹ Mỹ da trắng có 2 đứa con đa sắc tộc lại theo đuổi một sự nghiệp. Bà lại phải dậy thật sớm để làm việc nặng nhọc nhằn kiếm sống và theo đuổi ước mơ lấy bằng tiến sĩ. Bà cũng rất cảm thương những người phụ nữ Indonesia nghèo khổ, vì vậy bà thường hay giúp đỡ họ đủ mọi thứ trong cuộc sống, giúp họ những khoản tín dụng nhỏ để họ tự vượt khó, kể cả dạy họ học tiếng Anh để tìm kiếm cơ hội vươn lên tốt hơn. Theo lời ông Obama bộc bạch thì chính người mẹ đã xây dựng cho ông một lý tưởng về hòa hợp sắc tộc tuy giản dị mà vô cùng sâu sắc.
Bà Ann trở về Hawaii vào năm 1984, sau hơn 1 năm ở Indonesia, và bắt đầu những chuyến đi đi về về giữa Hawaii và Indonesia. Cuối cùng thì bà Ann cũng lấy được bằng tiến sĩ nhân chủng học vào năm 1992. Hai năm sau, mùa thu năm 1994, bà đổ bệnh khi đang ở cùng bạn bè ở Indonesia. Khi quay về Hawaii, bà mới biết mình mang căn bệnh ung thư khó chữa. Bà qua đời vào ngày 7/11/1995. Trước khi qua đời bà còn kịp đọc và nhận xét bản thảo một quyển hồi ký của con trai.
Sau này, ông Obama rất ân hận vì đã không ở bên cạnh mẹ vào những giờ phút cuối. Ông đã mang tinh thần của "mẹ Ann" vào trong các chiến dịch tranh cử, mà nhờ nó ông đã luôn giành chiến thắng.
"Chính mẹ đã cho tôi có được sự tự tin rằng mình có thể làm được bất cứ điều gì. Khi lớn lên, tôi còn nhận ra rằng, bà cũng có những ngờ vực, sự sợ hãi và cũng từng có lúc không chắc chắn về những việc đang làm. Cách mẹ vượt qua khó khăn như thế nào đã truyền động lực cho tôi rất nhiều...", đó là những điều Tổng thống Obama từng chia sẻ chia sẻ trên trang Humans of New York trước câu hỏi “Người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời của ông là ai?".