Người nông dân giỏi làm kinh tế, tràn đầy nhiệt huyết với hoạt động Hội

Hải Linh, Ảnh: PNHD
27/01/2024 - 11:59
Người nông dân giỏi làm kinh tế, tràn đầy nhiệt huyết với hoạt động Hội

Chị Phạm Thị Bảy (áo xanh) chia sẻ kinh nghiệm vận hành máy phun thuốc sâu liên hoàn với các địa phương lân cận

Sinh ra lớn lên trong gia đình thuần nông, chị Phạm Thị Bảy, hội viên phụ nữ xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) luôn trăn trở về việc làm sao để thúc đẩy cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm liền, chị là hội viên phụ nữ tiêu biểu của địa phương.

Sáng tạo ra máy phun thuốc sâu liên hoàn

"Ngay từ cuối năm 2014, khi UBND xã Ngũ Phúc có chủ trương triển khai tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện việc dồn điền, đổi thửa chỉnh trang đồng ruộng, tôi đã bàn với chồng đầu tư mua máy cày để vừa phục vụ nhu cầu của bà con trong thôn, vừa tăng thu nhập cho gia đình" - chị Phạm Thị Bảy nhớ lại.

Đến năm 2016, xã Ngũ Phúc hoàn thành công tác chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch bờ lô, bờ thửa rộng rãi, thuận tiện cho máy móc phục vụ sản xuất đi lại, chị Phạm Thị Bảy lại nghĩ tới việc phát triển mô hình sản xuất lúa tập trung. "Khi ấy, huyện Kim Thành có chủ trương đẩy mạnh mở rộng các vùng sản xuất tập trung theo hướng "một vùng - một giống - một thời gian", tôi nhận thấy trên địa bàn xã Ngũ Phúc có một số diện tích đất nông nghiệp để hoang hoá, rất lãng phí. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn xin ruộng của những chị em hội viên bận đi làm nơi khác, không có nhu cầu cấy lúa để chuyển đổi thành vùng trồng lúa tập trung theo hướng "một vùng - một giống", với 1ha cấy lúa nếp quýt và 2ha cấy lúa nếp soắn Thái Bình" - chị Bảy vui vẻ cho biết.

Người nông dân giỏi làm kinh tế, tràn đầy nhiệt huyết với hoạt động Hội- Ảnh 1.

Chị Phạm Thị Bảy luôn say mê với việc đồng áng ở quê mình

Để việc quy vùng sản xuất đạt hiệu quả cao, chị Bảy đã đến huyện Bình Giang học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế theo mô hình quy hoạch vùng lúa tập trung, rồi về áp dụng trên diện tích 3ha của gia đình. Mô hình đã giúp chị có thành công đầu tiên. Đây cũng là động lực để chị và gia đình mạnh dạn mở rộng quy mô vùng sản xuất.

Chị Bảy kể: "Cuối năm 2019, tôi tiếp tục quy hoạch thêm 2 vùng cấy giống lúa, mỗi vùng 2ha, nâng tổng số diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch theo vùng lên 8ha. Đồng thời, tôi áp dụng các biện pháp chăm sóc khoa học kỹ thuật đúng quý trình, theo đúng hướng dẫn của phòng nông nghiệp và hợp tác xã".

Năm 2021, chị Bảy tiếp tục cấy giống lúa mới ST25. Biết chị chăm chỉ làm ăn, một công ty tư nhân trên địa bàn đã ưu đãi, hỗ trợ chị lúa giống và phân bón cùng kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu sản phẩm. Chị đã cấy giống lúa ST25 trên diện tích 2ha. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, năng suất lúa đạt tiêu chuẩn, nên công ty này đã thu mua làm thóc giống của chị với giá cao gấp 2 giống lúa bình thường. Riêng vụ mùa năm 2021, chị Bảy cấy 15ha lúa, trong đó có 8ha lúa nếp Thái Bình, 2ha lúa nếp quýt, còn lại là giống lúa ST25.

Để việc gieo cấy thuận lợi, bảo đảm gieo cấy nhanh và hiệu quả, chị Bảy đã mày mò ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thêm 1 máy cấy. Đồng thời, chị cũng sáng tạo ra 1 máy phun thuốc sâu liên hoàn với cấu tạo máy (bao gồm 1 máy vận hành với bộ ống dây dài 100m, chứa được 16 lít thuốc sâu). Qua học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia nông nghiệp, chị liên kết với hội máy gặt, máy cày, máy cấy tại địa phương để đưa máy phun thuốc sâu sáng tạo này về phun tại khu vực canh tác. Từ đó đến nay, nhiều xã lân cận đã đến học hỏi để thử nghiệm và ứng dụng thực tiễn.

Vẫn biết, làm nông nghiệp còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với hiệu quả kinh tế từ mô hình cấy lúa tập trung, tích tụ ruộng đất bỏ hoang đã mang lại nhiều lợi nhuận kinh tế cho gia đình chị. Đây cũng là động lực để người nông dân gắn bó với đồng ruộng, hạn chế tình trạng ruộng bỏ hoang.

Người cán bộ Hội năng động, nhiệt huyết với phong trào

Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, với thâm niên 12 năm là Ủy viên BCH Hội LHPN xã, Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn Bằng Lai, 14 năm làm tổ trưởng Tổ phụ nữ 18, chị còn là người năng động, nhiệt tình trong các phong trào, nhiệm vụ của Hội. Chị luôn có những sáng kiến hay việc làm mới, được Chi hội phụ nữ và hội viên nhiệt tình ủng hộ.

Ngay từ năm 2011, khi được bầu là Ủy viên BCH Hội LHPN xã, chị đã thay mặt tổ phụ nữ xung phong làm điểm "mô hình sách bút tình thương". Cho đến nay, đã có 32 cháu học sinh nghèo vượt khó, được "mô hình sách bút tình thương" ủng hộ nhiều phần quà ý nghĩa. Cũng với "mô hình ủng hộ tại chỗ", chi Hội của chị đã tặng các phần quà ý nghĩa cho các hội viên bị tai nạn và mắc bệnh hiểm nghèo.

Người nông dân giỏi làm kinh tế, tràn đầy nhiệt huyết với hoạt động Hội- Ảnh 2.

Những thửa ruộng do chị Bảy canh tác đều đạt sản lượng cao do áp dụng đúng KHKT vào sản xuất

Đến năm 2015, chị tiếp tục vận động các chị em trong chi Hội tham gia mô hình phân loại rác thải và đảm nhận đoạn đường tự quản, thường xuyên quét dọn sạch sẽ, duy trì mô hình giúp nhau giống, vốn, ngày công lao động.

Cho đến nay, đã có gần 100 lượt hội viên tham gia giúp đỡ nhau về giống, vốn, ngày công lao động. Trong đó chị em đã giúp chị Nguyễn Thị Ngọc, có con bị tai nạn 13 ngày công làm đồng, 45 ngày công dặm lúa, rắc đạm, làm cỏ khi mẹ con chị Ngọc bị cách ly vì covid 19 và chữa bệnh…

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, chị Bảy luôn tích cực tham gia vào Ban phát triển thôn, tuyên truyền vận động hội viên hiến đất, hiến công mở rộng đường giao thông nông thôn và chỉnh trang đồng ruộng. Với uy tín và trách nhiệm cao, chị được chính quyền địa phương tin tưởng, phân công chị vào tổ giám sát, tổ thu tiền, được hội viên đồng tình nhất trí đóng góp kinh phí đạt 100%.

Với những đóng góp cho xã hội cũng như phát triển kinh tế gia đình, nhiều năm liền, chị Bảy được cấp uỷ, chính quyền xã tuyên dương khen thưởng. Được Ban chấp hành Hội LHPN xã khen thưởng phụ nữ làm kinh tế giỏi, xứng đáng với danh hiệu " giỏi việc nước, đảm việc nhà".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm