Người phụ nữ 2 lần làm Thủ tướng Ấn Độ

14/12/2015 - 16:10
Cố thủ tướng Indira Gandhi là một trong những chính khách nổi bật nhất sau khi Ấn Độ giành độc lập. Bà từng được BBC bình chọn (năm 1999) là người phụ nữ vĩ đại nhất thế giới trong một nghìn năm qua.
Sự nghiệp chính trị của bà Indira Gandhi được coi là kinh điển của việc biến một thủ lĩnh - nhà dân chủ thành nhà độc tài, tin vào sự bất khả xâm phạm và sự độc đáo riêng của mình.

Bà đã biết về cái chết của mình trước đó và tự viết: "Nếu tôi chết bởi cái chết bạo lực, điều mà một số người sợ hãi và một số khác mưu toan, tôi biết rằng bạo lực chỉ là trong suy nghĩ và hành động giết người. Nhưng không phải trong cái chết của tôi, vì không có sự thù hận nào có khả năng vượt qua tình yêu của tôi dành cho nhân dân của mình”.

Indira Gandhi (SN 1917), làm Thủ tướng Ấn Độ từ 1/1966 - 3/1977, và lần thứ hai từ 1/1980 đến khi bị ám sát tháng 10/1984.

Bà là con gái của thủ tướng đầu tiên, Jawaharlal Nehru, và là mẹ của một thủ tướng khác, Rajiv Gandhi.

Sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc, giàu có và vị thế bậc nhất, ông nội của Indira là một luật sư giàu có, một trong số những thành viên quan trọng nhất của Đảng Quốc Đại Ấn Độ, gánh vác trách nhiệm lãnh đạo nhân dân Ấn Độ chống lại sự thống trị của thực dân Anh. Cha của bà là một luật sư trí thức, cũng là nhà lãnh đạo được yêu thích trong Phong trào Độc lập Ấn Độ.
 Indira Gandhi là một trong những chính khách nổi bật nhất sau khi Ấn Độ giành độc lập

Vài tuần sau khi Indira chào đời, nữ thi sĩ Ấn Độ trong thiệp chúc mừng gửi đến Modiral và Kamaira có viết: “Bé gái này sẽ là chúa tể mới của Ấn Độ”. Quả thật, Indira đã trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, và liên tiếp chấp chính 15 năm, trở thành nhà chính trị kiệt xuất ở Ấn Độ và trên thế giới.

Indira Gandhi học tại đại học Visva-Bharati (Ấn Độ) và đại học Oxford (Anh). Trong những năm sống ở Anh và Âu châu đại lục, Indira gặp Feroze Gandhi, một thành viên tích cực của đảng Quốc Đại và họ đã kết hôn. Năm 1938, bà gia nhập Đảng Quốc đại và trở thành người hoạt động nổi bật trong phong trào đòi độc lập cho nước này.

Trong năm 1959 và 1960, Gandhi đắc cử Chủ tịch Đảng Quốc Đại Ấn Độ.

Ở tuổi 43, Indira cô đơn trong cảnh góa bụa khi chồng bà qua đời vì bệnh tim. Sau cái chết của chồng, Indira dồn toàn tâm toàn ý vào hoạt động chính trị và dành tình yêu thương cho hai đứa con trai.

Năm 1964, Gandhi được bổ nhiệm Bộ trưởng Thông tin và Phát thanh. Tiếp đó, năm 1966, trong cuộc bầu phiếu của Đảng Quốc Đại, Gandhi trở thành thủ tướng thứ ba của Ấn Độ và là phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ này.

Trên cương vị thủ tướng, bà Indira Gandhi đã lãnh đạo Ấn Độ trong cuộc chiến với nước láng giềng Pakistan năm 1971, dẫn đến việc ra đời nhà nước Bangladesh ở phía đông Pakistan. Bên cạnh đó bà còn được nhớ đến với các chiến dịch chống phong trào đòi ly khai của các tín đồ đạo Sikh.

Bà từng được BBC bình chọn (năm 1999) là người phụ nữ vĩ đại nhất thế giới trong một nghìn năm qua

Bà chèo lái được đất nước trong cơn sóng cả, không để xảy ra tình trạng hỗn loạn và nội chiến trong bối cảnh nghèo đói hàng loạt. Dưới thời của bà, tăng trưởng GDP bắt đầu, viện trợ nhà nước cho các tầng lớp thiệt thòi nhất của xã hội bất đầu, "cuộc cách mạng xanh" được thực hiện và nó đảm bảo ngũ cốc cho đất nước. "Các cửa hàng giá cả hợp lý" bắt đầu hoạt động. Trong các cửa hàng này có thể mua tất cả mọi thứ cần thiết với giá cả phải chăng đối với người nghèo. Một phần hàng hoá nói chung được phân phát miễn phí.

Dưới thời của bà, mối quan hệ Ấn Độ với Pakistan rất căng thẳng nên chế bom nguyên tử là ý tưởng của bà. Bà đã không chi những khoản ngân sách lớn nào như vậy cho quốc phòng thời điểm đó.

Bà từng bồi dưỡng cậu con trai thứ Sanjai Gandhi làm người kế nhiệm. Nhưng năm 1980, một vụ tai nạn máy bay thảm khốc đã giết chết Sanjai, đúng 10 ngày sau khi Sanjai nhậm chức Chủ tịch Đảng Quốc Đại.

Vượt lên nỗi đau khổ và trái tim tan nát, người phụ nữ 63 tuổi tiếp tục đầu tư vào cậu con trai cả Raghiv Gandhi để làm người kế thừa. Năm 1983, Raghiv được bầu làm Chủ tịch Đảng Quốc Đại, trở thành cánh tay đắc lực của Indira. Raghiv dần thể hiện được tài năng lãnh đạo.

Sau khi Indira bị ám sát bởi chính vệ sĩ năm 1984, Raghiv Gandhi lên thay bà làm Thủ tướng và cuối cùng cũng bị ám sát chết như mẹ mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm