Người phụ nữ “con vua lại lấy 2 đời chồng vua” là ai

12/05/2017 - 07:00
Cuộc đời công chúa Ngọc Bình là một phần lịch sử đặc biệt của 3 triều đại Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Là công chúa nhà Lê nhưng số phận đưa đẩy bà kết duyên cùng vua của hai triều đại đối địch là Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn và Gia Long triều Nguyễn.

Việt Nam thế kỷ 18 có tình hình chính trị phức tạp, rối ren. Lúc này, vua Lê chỉ có quyền cai trị tượng trưng, tức chỉ có danh mà không có thực quyền. Quyền lực thực sự nằm trong tay hai thế lực phong kiến, các chúa Trịnh ở phía bắc (Đàng Ngoài) và các chúa Nguyễn ở phía nam (Đàng Trong).

Từ giữa thế kỷ 18, người nông dân bần cùng đã đứng lên khởi nghĩa cả ở Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong. Trong đó có phong trào khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn gồm Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ ở Bình Định.

Công chúa Lê Ngọc Bình là con út của vua Lê Hiển Tông (1717-1786) và Chiêu nghi Nguyễn Thị Điều, cũng là em gái công chúa Ngọc Hân. Dân gian còn lưu truyền rằng, Ngọc Bình nổi tiếng có vẻ đẹp sắc nước hương trời, cơ thể có mùi hương rất lạ, vô cùng cuốn hút.

tranh-minh-ha-cng-cha-l-ngc-bnh.jpg
 Tranh minh họa công chúa Lê Ngọc Bình.

Sau khi đánh bại nhà Nguyễn ở Đàng Trong, năm 1786, với danh nghĩa "phù Lê diệt Trịnh", Nguyễn Huệ (1753-1792) đã tiêu diệt chúa Trịnh rồi vào Thăng Long yết kiến vua Lê. Nguyễn Huệ được vua phong làm Nguyên súy dực chính phù vận, Uy quốc công rồi cho sánh duyên cùng công chúa Ngọc Hân, lúc này vừa tròn 16 tuổi.

Hai năm sau, tại Phú Xuân (Huế), Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu cung hoàng hậu. Họ có với nhau 2 con là công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức. Năm 1792, Nguyễn Huệ đột ngột qua đời, con trai là Quang Toản (con trai Quang Trung và Chính cung Hoàng hậu Phạm Thị Liên) nối ngôi lúc mới 10 tuổi lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh.

Do hoàng đế Cảnh Thịnh tuổi còn nhỏ, quyền lực triều Tây Sơn bị rơi vào tay nhóm quyền thần do Thái sư Bùi Đắc Tuyên (cậu ruột Quang Toản) đứng đầu. Vị Thái sư chuyên quyền, độc đoán nên trong hàng ngũ tướng sĩ Tây Sơn có nhiều người bất bình. Những quan nào theo Đắc Tuyên thì được ưu đãi, những quan nào ra mặt chống thì bị hại, đẩy ra làm quan xa.

Đến năm 1795, sau khi Thái sư Tuyên bị dẹp, thái hậu Lê Ngọc Hân làm mối Ngọc Bình cho Quang Toản, công chúa trở thành chính cung hoàng hậu nhà Tây Sơn khi vừa tròn 12 tuổi.

Cuộc hôn nhân giữa công chúa Ngọc Bình và hoàng đế Cảnh Thịnh đã đặt Ngọc Hân - Nguyễn Huệ, Ngọc Bình - Cảnh Thịnh vào mối quan hệ phức tạp. Ngọc Hân và Ngọc Bình vừa là chị em, vừa là mẹ chồng nàng dâu. Vua Quang Trung với vua Cảnh Thịnh vừa là cha con vừa là anh em cọc chèo mà nhạc phụ của họ là hoàng đế Lê Hiển Tông.

Tháng 5/1801, Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân, vua Quang Toản bỏ chạy ra Bắc Hà, Ngọc Bình và một số cung nữ bị kẹt lại Phú Xuân. Thấy hoàng hậu trẻ đẹp, ăn nói dịu dàng, dáng điệu thướt tha, mặc các cận thần kịch liệt phản đối, Nguyễn Ánh vẫn muốn lấy làm vợ. Ông trả lời bề tôi của mình rằng: "Tất cả giang sơn này, cái gì mà ta không lấy từ trong tay giặc, cứ gì một người đàn bà?".

Trong sách Quốc sử di biên của một cận thần triều Nguyễn là Phan Thúc Trực có đoạn chép về hoàn cảnh công chúa Ngọc Bình trở thành vợ Gia Long như sau: "Tháng Sáu năm Nhâm Tuất (1802) loan giá đức Thế tổ (tức vua Gia Long- TG) đến kinh thành Thăng Long... nhân dân hào mục bắt được anh em "nguỵ quyền" Nguyễn Quang Toản và đem dâng lên nhà vua... Bọn Tổng Thám lại dâng nạp bà phi là Lê Thị Ngọc Bình vào trong nội cung nhà vua". Lê Thị Ngọc Bình được nạp làm phi và sau đó được Gia Long sắc phong làm Đệ tam cung Đức Phi, đứng thứ ba sau hai bà Thừa Thiên cao Hoàng hậu họ Tống (mẹ hoàng tử Cảnh) và Thuận Thiên cao Hoàng hậu họ Trần (mẹ hoàng tử Đảm, sau là vua Minh Mạng). Có lẽ vì bị cưỡng ép hôn nhân nên tâm trạng khó có thể vui vẻ được, vì thế trong dân gian còn lưu truyền câu ca như nói lên tâm sự ở tình cảnh éo le của công chúa Ngọc Bình như sau: "Mất chồng rồi lại lấy chồng/Mặt nào còn sống ở trong cõi đời?".

vua-gia-long-nguyn-nh.jpg
 Vua Gia Long Nguyễn Ánh.

Ngọc Bình sau đó được vua Gia Long phong làm phi và sinh được hai hoàng tử cho nhà Nguyễn là Quảng Uy công Nguyễn Phúc Quân (sinh năm 1809), Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự (sinh năm 1810) và 2 công chúa là Mỹ Khê Ngọc Khuê và An Nghĩa Ngọc Ngôn. Bà mất năm 1810, khi tuổi đời còn khá trẻ (27 tuổi), được ban thụy là Cung Thận Đức phi, an táng tại làng Trúc Lâm. Năm 2008 tẩm mộ được cải táng về đồi Mâm Xôi, thuộc khu Đồng Chầm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà.

Ngọc Bình rất ít được sử sách nhắc tới nên những câu chuyện truyền tụng về cuộc đời hai bà đã gây ra sự lầm lẫn. Trước đây, có nhiều tài liệu cho rằng, người lấy Nguyễn Ánh là Ngọc Hân nhưng trên thực tế Ngọc Hân đã mất từ năm 1799.

Do lịch sử đưa đẩy, công chúa Ngọc Bình trở thành người có số phận lạ lùng trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam. Cuộc đời bà là một phần lịch sử đặc biệt của 3 triều đại Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Bà là con vua Lê, lấy hai đời chồng là vua của 2 vương triều đối nghịch nhau là Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn và Gia Long triều Nguyễn. Không những vậy, với thân phận là em gái công chúa Ngọc Hân, bà đã vô tình đưa Quang Trung và vua Gia Long trở thành anh em cọc chèo bởi cả hai đều là con rể của vua Lê Hiển Tông, nhưng đồng thời lại là kẻ thù của nhau. Điều đó làm cho cuộc hôn nhân giữa Nguyễn Ánh và Ngọc Bình trở nên vô cùng đặc biệt. Vì vậy, hàng trăm năm qua, dân gian vẫn còn truyền tụng câu ca dao về công chúa Ngọc Bình: "Số đâu có số lạ lùng/ Con vua lại lấy hai chồng làm vua".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm