Người phụ nữ đầu tiên nghiên cứu về xã hội loài người

06/10/2016 - 09:41
Với quyển sách Thời thanh xuân ở Samoa, Margaret Mead trở thành người phụ nữ đầu tiên nghiên cứu về xã hội loài người. Bằng những công trình nghiên cứu của mình, bà đã góp phần làm cho nhân học trở thành một môn khoa học thực thụ.

Ngày 16/12/1901, cô bé Margaret Mead chào đời tại Philadelphia, Hoa Kỳ trong một gia đình trung lưu. Bà là con cả trong 5 người con của Eward Mead - một nhà kinh tế học và là giáo sư của Học viện Wharton. Mẹ bà, Emily Mead, cũng là một nhà giáo, nhà xã hội học và người theo chủ nghĩa nữ quyền. Và, ngay từ nhỏ, bà cũng đã chủ yếu được đào tạo bởi bà nội Masha - cũng là hiệu trưởng của một trường học.

1.jpg
 Chân dung nhà nhân học Margaret Mead

Mead từng viết: “Cái kiểu gò bó và bắt học sinh phải ở trong lớp học, học những thứ trong sách vở suốt một thời gian dài của hầu hết các trường học là thứ mà gia đình tôi chán ghét nhất”. Còn về bà nội, Mead viết: “Bà nội cho rằng, chỉ ghi nhớ nội dung thôi thì chẳng được gì, vì thế tôi chẳng giỏi giang gì khi phải ghi nhớ những kiến thức địa lý trong sách vở, nhưng tôi học cách quan sát thế giới ở xung quanh mình và ghi lại tất cả những gì mà tôi nhìn thấy được”.

Năm 1919, Mead vào học tại trường De Pawl. Bà cùng 4 người bạn lập thành một nhóm người đa dân tộc lấy tên là “Đồng minh người thiểu số”, trong đó có một người da đen, một người theo đạo Thiên Chúa và một người Do Thái duy nhất trong trường.

Để tìm được không khí học tập tốt hơn, sang năm thứ 2, Mead chuyển sang học tại trường đại học Barnard. Lúc này, bà được học một khoá về nhân loại học học do Franz Boas, một nhà nhân chủng học nổi tiếng thế giới và là người phản đối kịch liệt nạn phân biệt chủng tộc giảng dạy. Khoá học để lại ấn tượng sâu sắc và bà quyết định trở thành một nhà nhân chủng học. Từ đó, Mead luôn theo học thầy Franz.

Mead ngày càng tin vào luận thuyết chủng tộc bình đẳng và cho rằng, học và tìm hiểu về các nền văn hóa khác sẽ khiến cho con người hiểu về bản sắc văn hóa của chính mình hơn. Lý luận này mang đến cho Mead rất nhiều cảm hứng. Tình bạn thân thiết giữa Mead và trợ lý Lucie của Franz càng làm cho bà hứng thú với vấn đề nhân chủng học.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học Barnard, Mead lập gia đình và vào học khoa nhân loại học của đại học Columbia. Tại đây bà được Franz Boas và Ruth Benedict trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn. Bà nhanh chóng trở thành người bạn vong niên thân thiết với Ruth Benedict.

Năm 1924, Margaret Mead nhận học vị thạc sĩ. Sau khi tốt nghiệp, Franz đề nghị bà ở lại Mỹ để phát triển sự nghiệp nhưng bà nhất quyết đi đến Polynesia ở nam Thái Bình Dương để nghiên cứu về nền văn hóa vốn rất ít được chú ý đến.

4.jpg
 Margaret Mead trong một chuyến điền dã

Năm 1925, bà thực hiện chuyến điền dã đầu tiên đến quần đảo Samoa, một phần của khu vực Polynesia. Kết quả là công trình nổi tiếng Thời thanh xuân ở Samoa (Coming of Age in Samoa) ra đời vào năm 1928.

Cuốn sách nhằm trả lời cho những câu hỏi vốn đưa bà đến Samoa: Tuổi thành niên ở Mỹ có quá nhiều xao động, bất an. Vậy những hiện tượng tâm lý đó phụ thuộc vào yếu tố sinh học hay yếu tố văn minh? Yếu tố nào có tính chất quyết định? Liệu dưới những điều kiện khác nhau, tuổi thanh niên sẽ có những biểu hiện khác nhau?

Để trả lời những câu hỏi trên, Mead tiến hành nghiên cứu trong những nhóm nhỏ người Samoa ở một làng có khoảng 600 người. Ở đó, bà tìm hiểu, chung sống, quan sát và phỏng vấn 68 phụ nữ trẻ khoảng tuổi từ 9 đến 20. Bà kết luận rằng sự chuyển đổi từ tuổi thơ đến thành niên ở Samoa là một sự chuyển tiếp nhẹ nhàng, suôn sẻ, không có nhiều các cảm xúc âu lo, bồn chồn, hoặc dằn vặt về cảm xúc, tâm lý như thường thấy ở Mỹ. Bà đi đến kết luận rằng chính yếu tố văn hóa đã quy định những đặc điểm tâm lý tuổi thành niên.

Với quyển sách này, bà trở thành người nghiên cứu đầu tiên về xã hội loài người.

Trong những năm 1926-1928, Mead làm trợ lý cho giám đốc viện bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Mỹ. Bà ly hôn với người chồng đầu tiên là Luther Glassman và bắt đầu chuyến nghiên cứu khảo sát thứ hai ở quần đảo Admiralty để nghiên cứu về trẻ em ở Manus. Trong chuyến đi này, bà gặp Leo Fotuna, một nhà nhân chủng học New Zealand và kết hôn tại New Guinea. Thành quả nghiên cứu của bà là sự ra đời của cuốn sách Lớn lên tại New Guinea. Đó lại là một trong những quyển sách bán chạy nhất.

Từ năm 1930-1933, Mead tiến hành nghiên cứu vấn đề giới tính ở những bộ lạc khác nhau tại New Guinea và cuốn sách Khí chất và giới tính của ba bộ lạc nguyên thủy tiếp tục được xuất bản. Bà coi đây là tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình.

Năm 1935, Mead ly hôn với Foruta. Năm sau, bà lại kết hôn với nhà sinh vật học, nhân chủng học người Anh và bắt đầu chuyến khảo sát thứ 3 với chồng. Lần này bà đến đảo Bali. Trong 2 năm ở lại hòn đảo này, Mead và chồng đã chụp 25.000 bức ảnh có ghi chú rõ ràng. Họ cùng hợp tác viết thành tác phẩm Tính tình của người Bali: Giải thích qua hình ảnh. Các nghiên cứu độc đáo của bà và chồng mình đã có ảnh hưởng lớn đối với giới nghiên cứu nhân chủng học.

Năm 1939, sau khi sinh con gái Mary, bà viết tác phẩm Thời khắc đang chuẩn bị ra mắt năm 1942. Đó là tác phẩm phân tích khái quát tính cách của người Mỹ hiện đại không giống như những nét văn hóa truyền thống mà bà đã được học.

3.jpg
 Bằng cuộc đời nghiên cứu say mê và miệt mài của mình, bà đã góp phần làm cho nhân học trở thành một môn khoa học thực thụ

Năm 1944, bà thành lập Hiệp hội nghiên cứu văn hóa đa quốc gia. Đó là một tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ cho công việc nghiên cứu của những nhà nhân chủng học trẻ tuổi.

Năm 1954, bà trở thành phó giáo sư nhân chủng học của đại học Columbia và dạy ở rất nhiều trường đại học khác. Bà còn là một nhà lãnh đạo cuộc vận động nữ quyền, dám làm dám chịu và ủng hộ nhiều hoạt động xã hội khác như bảo vệ môi trường, tâm lý lành mạnh, tự do khoa học…

Năm 1978, bà qua đời vì bệnh ung thư. Trong cuộc đời nghiên cứu của mình, Margaret Mead đã thực hiện 14 cuộc điền dã, cho ra đời hơn 40 tác phẩm, hơn 1.000 bài viết và chuyên đề. Bà có đóng góp đặc biệt trong việc phổ biến tri thức khoa học bằng lối viết giản dị, dễ hiểu. Trong lĩnh vực nghiên cứu, bà đã làm cho nhân học xã hội trở thành một môn khoa học thực thụ. Cống hiến lớn nhất của bà là đã làm cho mọi người hiểu về nhân chủng học. Mead mong mỏi hàng triệu người cùng nhìn về văn hóa dân tộc khác như những gì bà viết: “Hãy yêu quý và nhìn nhận mọi sự sống trên thế giới”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm