Người phụ nữ hát ru Hoàng Sa

06/09/2015 - 14:11
Những điệu hát ru gắn với biển đảo, gắn với Hoàng Sa - Trường Sa dường như là máu thịt thấm đẫm trong tâm thức bà Đỗ Thị Hảo (69 tuổi), ngụ tại Thôn Tây, xã An Vĩnh, Lý Sơn.
Trong căn nhà nằm sâu trong con hẻm của xã đảo Lý Sơn, chúng tôi tìm gặp bà Đỗ Thị Hảo vào một ngày cuối tháng 8. Dáng vẻ cao gầy, đen và khắc khổ thường thấy ở phụ nữ vùng biển khiến chúng tôi suy nghĩ: Bên trong cái vẻ ngoài khô cứng này là một chất giọng ngọt, sắc duy nhất ở đảo? Tới khi người phụ nữ này cất giọng, mọi băn khoăn của tôi dần tan biến, trước mắt tôi không còn là người phụ nữ cả đời cùng chồng bám biển mưu sinh mà là người nghệ sĩ thực thụ.

Bà hát tự nhiên, không micro, không hiệu ứng âm thanh, sân khấu, không phấn son..., nhưng lại có một sức thu hút kỳ lạ. “Ớ... Lý Sơn hải đảo sa khơi, quanh năm sóng vỗ biển trời bao la, a ơ,.. Lý Sơn nhớ Hoàng – Trường Sa, ông cha ngày trước đã ra canh phòng, chứ Hoàng Sa đi có về không, lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi…”. Mỗi lần ngưng hát, bà Hảo lại kể cho chúng tôi nghe về nguồn gốc, xuất xứ và cả ý nghĩa của những câu từ trong từng lời hát ru, về những thói quen, phong tục tập quán và cả truyền thống giữ biển đã bao đời của người dân vùng đảo.

Sinh ra và lớn lên trên đất đảo Lý Sơn, cũng giống như nhiều người phụ nữ khác, bà Hảo luôn mang trong lòng nỗi bất an mỗi khi cha, chồng hoặc con ra khơi “trấn biển”, đó cũng là khởi nguồn của những câu hát mang đậm nỗi nhớ thương. “Cứ mỗi lần có người thân đi ra Hoàng Sa và Trường Sa, lòng người ở lại luôn lo lắng, bồn chồn như cắt ruột vậy. Ngày xưa, Lý Sơn không có điện, chúng tôi thắp sáng bằng đèn dầu hoặc ánh sáng của con đom đóm. Lúc trời vừa mờ tối, không khí buồn não nề lắm, những người mẹ như chúng tôi, khi ru con ngủ, chỉ biết hát và nhìn ra biển chờ người thân trở về”, bà Hảo chia sẻ.

Tuy nhiên, khi kể về truyền thống hát ru của người dân đảo Lý Sơn, bà Hảo chỉ lắc đầu và tỏ vẻ tiếc nuối bởi “Thời của những người phụ nữ như bà, mẹ và chúng tôi, hát ru con là một thói quen phổ biến ở tất cả các gia đình. Nhưng bây giờ thì khác, các bà mẹ trẻ không còn hát ru con, họ cũng không còn thuộc giọng điệu, câu hát chứa đựng biết bao tình cảm và ý nghĩa lịch sử từ những câu hát ru nữa. Vì vậy, tôi trở thành người duy nhất trên đảo còn hát ru, nhưng sau này rồi cũng trở thành quên lãng, đó cũng là điều khiến tôi buồn và tiếc nuối”.

Bà Hảo với cuốn “Con Hoàng Sa nhớ mẹ” được PGS.TS Lê Trọng tặng

Những điệu hát ru cứ theo bà Hảo lớn lên rồi nuôi lớn tâm hồn cho những đứa con, cháu của bà. Cho tới khi “không còn ai để hát ru nữa”, bà Hảo vẫn quyết “nuôi” những câu hát của mình với hy vọng có thể khơi gợi cảm hứng cho thế hệ trẻ, để họ cũng mê hát ru và gìn giữ nét văn hoá truyền thống của người dân xứ đảo.

Khi huyện đảo Lý Sơn khánh thành Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải vào năm 2010, con gái bà Hảo tốt nghiệp trường Du lịch và trở về làm hướng dẫn viên tại đây, bà cũng có nhiều điều kiện để tìm hiểu về Hoàng Sa - Trường Sa, những hiện vật được trưng bày tưởng như đã quá quen thuộc với người phụ nữ đảo, nhưng bà bảo, “tới Nhà trưng bày, nhìn thấy hình ảnh chiếc chiếu và những sợi mây được bó gọn để bên trong chiếc thuyền, có thể đối với nhiều khách du lịch, nó không đọng lại gì, nhưng ngay từ lần đầu nhìn thấy, nước mắt tôi chảy mãi, nó khiến tôi ám ảnh vô cùng”.

Trong ngôi nhà của mình, bà Hảo lấy cho chúng tôi xem tập thơ – văn “Con Hoàng Sa nhớ mẹ”, được đích thân PGS.TS Lê Trọng ký tặng, trong đó có bài Chiếc chiếu sợi mây, hình ảnh đã khiến bà xúc động mỗi lần nhắc nhớ. Bởi đối với những người dân đảo, quanh năm bám biển như bà, chiếc chiếu – sợi mây là tượng trưng của sự hy sinh, mất mát đối với những người ra khơi.

Bà Hảo kể: “Từ thời xa xưa khi lệnh vua ban cho người dân đảo phải ra khơi trấn biển, biết bao người đi đã không trở về, trong đó có dòng họ của chồng tôi. Trên mỗi chuyến ra khơi, ngoài những đồ nghề cần thiết, người dân đảo thường mang theo chiếu, bó mây. Nguyên nhân là bởi nếu có ai lỡ bỏ mạng ở cùng biển Hoàng Sa, họ sẽ lấy chiếc chiếu đó bọc xác và cột lại bằng sợi mây, trên đó gắn thanh tre đề tên người mất rồi thả xuống biển, trôi đến đâu, nếu bà con vớt được sẽ chôn cất giùm. Đó là nguyên nhân tại sao ở Lý Sơn có nhiều mộ gió (mộ không xác – PV).

Vừa dứt lời, bà Hảo cất giọng: “Ơ ớ ờ Hoàng Sa sông biển vỗ mênh mông ờ… Hải âu chao cánh giữa nắng hồng, nhớ buổi xa xưa người lính chiến, ra đi trấn đảo lệnh Gia Long ớ ơ… Một chiếc chiếu dài một sợi mây, qua đêm yên giấc trên chiếu này, làng biển anh về, mây bó chiếu mộ gió trên đồi, dưới dặng cây…””.

Cũng kể từ khi có cơ hội được tìm hiểu nhiều hơn về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ những bài thơ, hiện vật được trưng bày, bà Hảo bắt đầu phỏng lại thành những bài hát ru để ca ngợi và khẳng định chủ quyền hai quần đảo của Việt Nam. Người dân bắt đầu biết đến bà với biệt danh “hát ru Hoàng Sa”, các Sở, ngành cũng lần lượt mời bà tham gia hát trong những ngày lễ lớn ở đảo, những nhà nghiên cứu, sưu tầm tư liệu… cũng lần lượt tìm đến bà Hảo như muốn nghe những điệu ru, câu hát ẩn chứa biết bao sự thiêng liêng, hy sinh máu thịt và lòng dũng cảm của người dân vùng đảo đối với Trường Sa – Hoàng Sa. “So với những người trực tiếp ra khơi với mục đích vừa làm kinh tế vừa trấn biển, tôi không là gì, nhưng tôi mừng vì thông qua những câu hát ru của mình, đóng góp thêm bằng chứng, tư liệu để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, người đàn bàn sắp bước vào độ tuổi thất thập không giấy được cảm xúc.

Chia tay bà Hảo, tạm xa rời sự yên bình vốn có của Lý Sơn, chúng tôi trở về đất liền khi không khí của ngày Quốc khánh 2/9 đang cận kề, nhưng những câu hát ru của người phụ nữ vùng đảo cứ theo từng nhịp song, vang vọng theo từng bước chân tôi: “Ớ, Lý Sơn hải đảo sa khơi, quanh năm sóng vỗ biển trời bao la,.. Lý Sơn nhớ Hoàng – Trường Sa, ông cha ngày trước đã ra canh phòng. Chứ Hoàng Sa đi có về không, lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi… ơ ớ Hoàng Sa trời nước bốn bề, đội quân Bắc Hải quyết thề báo ân, gặp khi bão tố gian nan, đói ăn rong biển trứng Nhàn mà thay cơm, Việt Nam quyết trí không sơn, sử còn ghi chép rõ ràng mươi mươi, mặc dầu ,…ơ ơ.. nói ngược nói xuôi Hoàng – Trường Sa vẫn của người Việt Nam, hàng năm theo lệ xóm làng, tháng Ba khao thế lính Hoàng – Trường Sa…”

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm