Người phụ nữ tần tảo là điểm tựa để chồng con đều làm quan Thượng thư

30/03/2017 - 11:13
Chuyện bà Đàm Thị Thành hết lòng chăm lo giúp chồng con thành đạt, gây dựng nên một dòng họ nối đời thi thư khoa bảng được người đời sau truyền tụng, ngợi ca.

Bà Đàm Thị Thành sinh khoảng năm 1550, không rõ mất năm nào, là con gái út của Thượng thư nhà Mạc Đàm Cư, người làng Ông Mặc (làng Me), huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Nhà có 3 chị em gái, bà là con út.

Chồng bà là Nguyễn Thực (1555 - 1637), người xã Vân Điềm, huyện Đông Ngàn (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông Thực đỗ Hoàng giáp năm Ất Mùi (1595) đời vua Lê Thế Tông khi đã 41 tuổi, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại, được ban tước Lan quận công, từng đi sứ sang nhà Minh, Trung Quốc. Sách sử truyền rằng, ông Thực là người có đức độ, danh vọng trấn phục được người trong nước, làm quan thanh liêm gần gũi, tính tình mộc mạc, điềm đạm, hiếu lễ, có phong độ của bậc danh thần thời cổ. Chuyện về cuộc đời bà được truyền tụng như một câu chuyện cổ tích.

Tương truyền, khi Đàm Thượng thư xây dựng phủ đệ, trai tráng các làng xung quanh đều phải đến làm phu gánh đất vác đá. Nguyễn Thực đến muộn. Thấy một chàng trai trẻ chừng 17 - 18 tuổi mặt mũi thanh tú, dáng vẻ học trò đến làm phu gánh đất, ông bèn hỏi chuyện. Chàng trai cho biết là học trò đang đi học, phải học xong mới đến được nên đến muộn.

Nghe vậy, ông Đàm cho phép ngồi và ra một vế đối để thử tài Thập bát hùng năng đảm thổ (Trai 18 giỏi gánh đất). Chàng trai chẳng nghĩ ngợi đối luôn Cửu ngũ long phi tại thiên (Rồng cửu ngũ bay lên trời). Thấy vế đối của chàng có khí lượng, ông Đàm rất thích thú, ngầm đoán sau này chàng sẽ làm nên chuyện nên vào kể lại với 3 cô con gái và bảo: ‘Ngoài nhà có cậu học trò, đứa nào chịu cảnh nghèo hèn lấy nó thì sau sẽ được nhờ cậy’. Hai cô chị đứng sau mành nhìn ra, thấy vẻ nghèo khó của Nguyễn Thực bèn từ chối luôn, riêng cô út e thẹn nhận lời.

dam-thi-thanh.JPG
 Câu chuyện về bà Đàm Thị Thành chịu thương chịu khó, tảo tần giúp chồng con thành đạt được tác giả Vũ Phương Đề viết thành truyện 'Lan quận công phu nhân' trong tác phẩm 'Công dư tiệp ký' nổi tiếng.

Ngày hôm sau, ông Đàm cho người đến nhà Nguyễn Thực nói rõ ý định, lễ cưới nhanh chóng được lo liệu. Hôm đón dâu, ông Đàm dặn con gái: ‘Con phải nhớ, về làm vợ kẻ hàn Nho không thể sung sướng như lúc ở nhà với cha mẹ. Bằng sức lực của mình, con hãy đảm đang gánh vác việc nhà chồng, tự kiếm lấy cái ăn cái mặc, giúp chồng ăn học thành tài’.

Nghe lời cha, từ sau khi về nhà chồng, bà bỏ hết trang sức vòng xuyến, mặc áo quần vải thô, cấy lúa, trồng sau, xay thóc giã gạo, thổi cơm, gánh nước, không việc gì không làm. Tối nào cũng vậy, chồng đọc sách còn vợ dệt vải đến khuya. Chăm chỉ cần mẫn như vậy được mấy năm, Nguyễn Thực thi đỗ kỳ thi Hương, nhưng sau đó ông thi Hội nhiều lần đều trượt nên ngoài 30 tuổi vẫn nghèo hèn.

Hai cô chị lấy chồng giàu, mỗi khi gặp vợ chồng em gái thường lên mặt giễu cợt, thậm chí không thèm ngồi cùng chiếu. Nguyễn Thực vừa buồn cho mình vừa thương vợ, song riêng bà không bận lòng, vẫn vui vẻ tươi cười gánh vác việc nhà, vừa nuôi dạy con, vừa động viên chồng cố công rèn tập.

Không phụ lòng bà, Nguyễn Thực tiếp tục kiên trì học hành, năm 1595, khi 41 tuổi, ông đỗ Hoàng giáp, ra làm quan đến Thượng thư bộ Lại. Năm 1619, con trai cả của bà là Nguyễn Nghi, 32 tuổi, đỗ Tiến sĩ, làm quan đến Thượng thư bộ Lại. Hai cha con đều làm quan đầu triều, đều được phong quận công, gia đình bà danh vọng lừng lẫy một thời. Dòng họ của Nguyễn Thực về sau nối đời đỗ đạt với các Tiến sĩ tên tuổi như Nguyễn Khuê, Nguyễn Sĩ, Nguyễn Thẩm…

Chuyện bà Đàm Thị Thành hết lòng chăm lo giúp chồng con thành đạt, gây dựng nên một dòng họ nối đời thi thư khoa bảng được người đương thời truyền tụng ngợi ca, nêu thành gương sáng cho phụ nữ noi theo. Ngay sau đó, chuyện về bà được tác gia Vũ Phương Đề viết thành truyện Lan quận công phu nhân trong tác phẩm Công dư tiệp ký nổi tiếng của ông.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm