Người quê mong Tết

07/02/2016 - 23:00
Cứ thấy Tết là muốn về nhà, thấy Tết là nghĩ về ông bà, cha mẹ, về vợ chồng, con cái của mình…
Nhiều năm về trước, khi còn là một đứa trẻ, tôi luôn xung phong xé những tờ lịch. Mỗi tờ giấy mỏng manh được kéo xuống thì Tết lại gần thêm một ngày. Đối với bọn trẻ chúng tôi thời bấy giờ, Tết là những ngày tuyệt vời không gì sánh nổi. Nhất là những ngày giáp Tết, cái cảm giác háo hức khiến trái tim nhỏ đập rộn ràng. Hồi ấy, hình như Tết đến sớm hơn bây giờ.

Khi những hạt thóc nếp mới khô vỏ trên sân, tôi đã nghe bà nội nhắc “thúng này để nấu rượu, thúng kia để gói bánh chưng...”. Đợi thêm vài hôm trời mưa phùn, bà đi chợ về, thể nào trong thúng cũng có ít hành với đôi gióng mía. Tôi vừa giúp bà bóc vỏ hành vừa tròn mắt xem ông nội chẻ hóp đan phên… hành muối. Đợi đến khi bà nội ngả cái nia lớn xuống ngồi xiết đỗ là Tết đã về trước cửa.

29 Tết, cứ năm, bảy hộ lại chung nhau đụng một con lợn. Tiếng bà con trong xóm gọi nhau í ới, đàn ông cùng thịt lợn, đàn bà hái lá thơm, bọn trẻ con chạy xung quanh chí chóe nhận phần đuôi, bong bóng… Chia xong đâu đấy, mỗi nhà ôm một mâm lớn hài lòng trở về. Ở quê tôi, mâm cỗ cuối năm là phải có tiết canh, lòng dồi, thế nên mỗi gian bếp lại vang lên tiếng băm sụn, giã lạc cí ca cí cách. Từng món đã được bà và mẹ đơm lên mâm bốc khói nghi ngút thì ngoài cổng râm ran tiếng nói cười.
  Cứ thấy Tết là muốn về nhà, thấy Tết là nghĩ về ông bà, cha mẹ
Bà vội cởi chiếc khăn trùm đầu, phủi sạch bụi tro bám trên hai vai, tất tưởi chạy ra ngõ. Ông bình tĩnh đứng từ trong hiên ngóng xuống nhưng đôi mắt đã rạng rỡ ý cười… Bác gái mới đi một quãng đường xa trở về nắm lấy tay bà, vừa cười vừa khóc. Bố tôi cùng với bác trai, chú út đã khệ nệ khuân nào thùng nào bịch vào nhà… Tiếng chào hỏi xen lẫn tiếng hỏi han, tiếng cười nối tiếp nhau không ngớt…

Sau khi cả gia đình cùng thắp nén nhang thơm báo cáo tổ tiên, hai bác và cô chú tôi đem thuốc, các đồ dùng biếu bố mẹ. Lại khui ra nào thùng nào bịch chia cho các em. Trong đó có những túi miến, măng, mì chính đến những hộp bánh thơm phức. Tất cả đều được gói cẩn thận đủ thấy sự tỉ mỉ chuẩn bị và dành dụm trong suốt một năm trời. Bác tôi lại kéo lũ cháu lại gần, đo xem mỗi đứa năm nay cao thêm bao nhiêu? Đứa nào cũng được bác phát cho một bộ quần áo mới. Chúng tôi cùng nhau quây quần bên mâm cơm ngày Tết vừa có gà, lợn quê vừa có thịt bò khô, bia đem về từ thành phố. Bọn trẻ con tham ăn phồng mang trợn má, còn người lớn thì khề khà nói chuyện trong năm, chẳng mấy chốc mà chiều buông.

Khi nồi bánh chưng sôi cũng là lúc chậu nước lá bưởi đặt phía trên tỏa hương. Lũ trẻ chúng tôi được bố mẹ tắm gội, mặc quần áo mới xúng xính đi chợ Tết. Phiên chợ cuối năm đông nghìn nghịt, khắp nơi những đứa trẻ tròn xoe mắt, phấn khích sà vào sờ sờ những món sặc sỡ bày trên các sạp đồ chơi. Những người bà, người mẹ thì vội hơn vì còn phải vào sâu trong chợ mua thêm mắm muối, chút bánh kẹo, mấy bông hoa, cành đào, cành quất… Chợ cuối phiên là lúc người nông dân nghèo đi mua sắm. Niềm hi vọng Tết này lũ trẻ được ăn nhiều hơn, Tết nhà mình to hơn một chút như đẩy lùi giá lạnh. Những tiếng mặc cả rôm rả tới khuya…

Giờ chúng tôi đã lớn, đi xa. Bố mẹ mấy ngày cuối năm thường gọi điện liên tục báo tình hình ở nhà và hỏi han bao giờ được nghỉ? Buổi tối hôm tôi về, trời mưa rét, mới xuống xe đã thấy bố đứng đợi co ro trong gió lạnh, mẹ chạy ra ngõ nắm tay tôi vừa khóc vừa cười. Đào quất ở nhà đã đâu đấy rồi, riêng nồi bánh chưng bố mẹ vẫn đợi các con về gói “cho chúng mày phấn khởi”. Chúng tôi ngồi canh bánh bên bếp lửa, nói bao chuyện… Rồi bố lại giục “đi ngủ để còn dậy sớm đánh đụng lợn, làm cỗ lòng dồi. Mai các bác về…”.

Đêm giao thừa, tôi giúp mẹ luộc gà chuẩn bị lễ cúng sang canh. Em trai thì theo bố lên chùa thắp hương cầu phúc. Năm mới đến, bố và em trai tôi cười nói đi vào nhà, chúng tôi mừng tuổi nhau, chúc tụng những điều tốt đẹp. Sau khi bố thắp hương khấn nguyện tổ tiên, cả nhà tôi cùng nhau nghe, ngắm pháo. Như mọi năm, bố vẫn cứ kêu “cấm pháo mà bà con nổ trộm nhiều thế…” nhưng trong giọng nói lại không thấy ý phàn nàn, mẹ và em tôi đều cười. Còn tôi nhớ Tết năm xưa, từng có lần dẫn chú công an xã vào phạt cậu bé hàng xóm nổ pháo trộm rồi cười lớn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm