Người suy thận, kẻ bị nhồi máu não sau cuộc rượu

Linh Trần
31/01/2023 - 11:26
Người suy thận, kẻ bị nhồi máu não sau cuộc rượu

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên kiểm tra não cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu

Trong số gần 30 trường hợp cấp cứu trong dịp Tết Nguyên đán do ngộ độc, có nhiều bệnh nhân bị bị hôn mê sâu, tổn thương não rất nặng nề, suy thận cấp... sau khi uống rượu.
Suy thận, hôn mê sau uống rượu

Ngày 31/1, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc rượu. Trong đó, có bệnh nhân bị hôn mê sâu, tổn thương não rất nặng nề, suy thận cấp, hạ đường huyết, xuất huyết tiêu hóa, tiêu cơ vân...

Trên giường bệnh, bệnh nhân N. (36 tuổi, trú tại Lào Cai) bị ngộ độc rượu đang được các bác sĩ chăm sóc. Gia đình cho biết, trong những ngày Tết Nguyên đán, bệnh nhân gặp gỡ bạn bè, người thân nên rất vui và uống khá nhiều rượu. Sau một cuộc nhậu, bệnh nhân nằm bệt một chỗ, người nhà thấy vậy liền đưa lên giường và đắp chăn cho ngủ. Sáng hôm sau, người nhà vào gọi thì phát hiện bệnh nhân đã hôn mê nên nhanh chóng đưa vào cơ sở y tế địa phương cấp cứu, rồi chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Nguyên cho biết, quá trình say rượu bệnh nhân đã nằm bất động trong thời gian dài khiến cơ bị chèn ép, tổn thương (tiêu cơ vân). Từ đó, sinh ra chất gây tắc thận, dẫn đến suy thận phải chạy thận, phải lọc máu.

Không chỉ bệnh nhân N., trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu mới nhất là bệnh nhân nam (30 tuổi, quê Bắc Ninh). Theo các bác sĩ, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai ngày 28/1 trong tình trạng nói ngọng, yếu tay... sau khi uống rượu. Kết quả chụp chiếu cho thấy, bệnh nhân bị nhồi máu não cả 2 bên. Các bác sĩ cho rằng, nguyên nhân là do uống quá nhiều rượu, nôn nhiều dẫn đến mất nước, máu cô đặc nên dễ bị tắc mạch.

Đến sáng ngày 31/1, bệnh nhân có tiến triển hơn nhưng cơ thể vẫn rất yếu và chưa thể nói được.

Theo thống kê của Trung tâm Chống độc, trong dịp Tết Nguyên đán đã có gần 30 trường hợp ngộ độc các loại. Trong đó, có một số trường hợp ngộ độc rượu cấp tính, hàm lượng rượu trong máu cao gấp nhiều lần cho phép.

Không nên uống quá nhiều rượu

Theo bác sĩ, trong những dịp lễ Tết, người dân thường uống nhiều rượu do gặp gỡ người thân. Đặc biệt, nhiều người vẫn chủ quan nghĩ rằng uống rượu thật, rượu xịn... thì "không sao". Tuy nhiên, kể cả rượu thông thường nếu uống nhiều cũng có thể nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ Nguyên cho biết, rượu là một chất ảnh hưởng rất nhiều đến các chức năng của cơ thể. Rượu có thể ảnh hưởng đến não gây ức chế thần kinh trung ương, gây hôn mê, ảnh hưởng chức năng hô hấp gây ngừng thở, thở yếu), ảnh hưởng chức năng tim mạch, tụt huyết áp, ảnh hưởng đến đường máu chuyển hóa gây hạ đường huyết, hạ thân nhiệt... Đồng thời, rượu cũng là một chất làm mất khả năng kiểm soát, thậm chí chỉ uống ít. 

Do đó, mọi người nên cố gắng hạn chế tối đa việc uống rượu. Đặc biệt, sau khi uống không được điều khiển phương tiện giao thông.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng lưu ý, người mắc bệnh lý về tim, động kinh, hô hấp, thể trạng gầy yếu… không nên uống rượu vì khi đã bị ngộ độc rượu thì thường rất nặng. Khi uống rượu thì phải ăn, đặc biệt thức ăn giàu năng lượng nguồn gốc từ tinh bột để tránh hạ đường huyết như cơm, cháo...

Khi chăm sóc người uống rượu tại nhà, gia đình cần phải lưu ý, nếu người uống mất kiểm soát hành vi, không thể chủ động thực hiện những việc cá nhân nhẹ nhàng thì đã ngộ độc nhẹ. Khi đó, chúng ta cần phải ngăn chặn không cho người uống rượu điều khiển phương tiện giao thông, theo dõi kiểm soát chăm sóc sức khỏe, giữ ấm khi trời rét.

Nếu bệnh nhân có biểu hiện lú lẫn, lơ mơ, khò khè, gọi không nói được, chảy đờm dãi, khó thở, hôn mê, co giật, nôn nhiều phải đưa đến viện khẩn cấp để được cấp cứu kịp thời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm