pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người thông minh đều biết ứng xử khéo léo trước 4 tình huống nhức nhối này
Chúng ta có thể không xinh đẹp, nhưng lời ăn tiếng nói phải thuyết phục lòng người.
Người thông minh đều biết cách tìm về các mối quan hệ bằng khả năng ứng xử. Vận dụng trình độ EQ vào lời ăn tiếng nói hằng ngày, đường đời suôn sẻ muôn phần.
Học cách trả lời cho 4 câu hỏi dưới đây, cuộc sống lẫn công việc đều thuận buồm xuôi gió, không mất lòng ai:
1. Bạn trả lời ra sao khi người khác hỏi tiền lương bao nhiêu?
Nhiều người thật thà, nói rõ huỵch toẹt, cuối cùng kẻ chịu thiệt cũng chỉ là bản thân. Họ phát hiện tiền lương cao hơn bạn, dù ít dù nhiều cũng sinh lòng khinh khi. Nếu phát hiện lương của họ thấp hơn thì bắt đầu bới lông tìm vết, ghen ăn tức ở, thậm chí tìm cơ hội mượn tiền.
Vậy nên đứng trước tình huống người khác hỏi thu nhập của bạn, hãy học cách trả lời khéo léo. Ví dụ như: “Đừng nhắc nữa, trừ đi chi phí sinh hoạt thì chẳng còn bao nhiêu. Bạn thì sao?”.
Cách trả lời này sẽ xoay chuyển cục diện, giờ đây người trả lời phải là đối phương.
Nếu như họ nói ra một con số cụ thể, sau đó tiếp tục truy hỏi bạn, thì lúc này tùy thuộc vào mục đích của bạn. Nếu bạn muốn vượt trội hơn họ thì trả lời con số cao hơn, và ngược lại. Cách này khiến đôi bên tránh được sự ngại ngùng.
2. Sếp nhờ bạn mua chút đồ, sau đó trả tiền cho bạn, có nên nhận không?
Ví dụ như sếp nhờ bạn mua ly cafe chẳng bao nhiêu tiền. Sếp lấy tiền trả thì bạn sẽ nhận chứ?
Đáp án chính là “nhận”. Trong một mối quan hệ, bất kể bạn bè, đồng nghiệp hay cấp trên và cấp dưới, đừng để khúc mắc về chuyện tiền bạc xảy ra. Bản chất của các mối quan hệ là trao đổi giá trị. Bạn không nhận thì hôm sau sếp cũng sẽ trả lại cho bạn thứ khác.
Ở đây chúng ta không nói đến kiểu cấp trên thích chèn ép và có bản tính ích kỷ.
Nhận tiền và không quên nói lời cảm ơn, tốt nhất là thêm nụ cười tươi, trong lòng ai cũng thoải mái như hoa nở. Không ai mắc nợ ai mới là sự cân bằng chân chính trong quan hệ xã hội.
Hơn nữa, sếp lớn đương nhiên tiền lương cao hơn bạn rất nhiều. Họ không tiếc vài ba đồng nhưng đối với nhân viên bình thường như bạn lại là chuyện khác. Đừng để bản thân chịu thiệt rồi sinh lòng oán thán.
3. Bạn là nữ giới, sếp nam hỏi bạn có tửu lượng thế nào? Làm sao trả lời?
Đừng bao giờ nói: “Em uống cũng được”. Cách trả lời này sẽ khiến bạn phải tham gia những bữa tiệc thường xuyên.
Vậy nên, bạn có thể trả lời rằng: “Sếp à, em uống không được giỏi lắm, không như đàn ông các anh. Hơn nữa em còn phải về nhà sớm kẻo trời tối”.
Thật ra, bất kể công việc hay cuộc sống, có nhiều chuyện bạn vẫn có thể chọn cách từ chối trực tiếp. Nhưng câu từ nói ra phải hợp tình hợp lý, khiến đối phương thỏa mãn. Chỉ có như thế, các mối quan hệ xã hội xung quanh mới hài hòa, sự nghiệp nhờ đó mới thuận lợi như cá gặp nước.
4. Bạn là nam giới, làm sao để ứng xử thỏa đáng trên bàn tiệc?
Bước chân vào chốn công sở, tạo dựng sự nghiệp, có lẽ bạn không thể trốn được những tình huống phải kính rượu mời rượu.
Đã ngồi trên bàn tiệc thì không thể như pho tượng bất động. Ấn tượng này trở nên vô cùng xấu trong mắt người khác.
Đương nhiên không phải ai cũng có thể cởi mở, hòa nhập được. Điều này còn phụ thuộc vào bản tính của mỗi người. Nhưng sống trong môi trường nào cũng vậy, bạn phải biết thích nghi.
Cái tôi quá lớn hoặc vi phạm nguyên tắc sống của bản thân thì bạn có thể chọn cách rời đi. Đó là quyền của bạn.
Đối với khách hàng, bạn có thể nói: “Thật sự cảm ơn anh/chị hoặc quý công ty đã ý hợp đồng với chúng tôi”.
Sử dụng công thức: Cảm ơn hỏi thăm gửi gắm lời chúc.
Ở đây chúng ta chỉ bàn đến những bữa tiệc giao lưu làm ăn. Tuy nhiên, tùy vào tình hình mà chúng ta thay đổi cách ứng xử sao cho phù hợp.
Hãy là người thông minh khi giao tiếp, đường đời của bạn chắc chắn suôn sẻ hơn bất kỳ một ai.
(Nguồn: Zhihu)