Người thực sau bức ảnh nổi tiếng khủng bố ở Bỉ

23/03/2016 - 20:54
Cảnh tượng cô gái mặc áo vest màu vàng, mặt đầy máu... trở thành biểu tượng về sự dã man của vụ đánh bom khủng bố tại sân bay Zaventem ở Brussels (Bỉ) ngày 22/3. Sau bức ảnh là những sẻ chia đầy xúc động của nữ nhà báo người Gruzia Ketevan Kardava...
Bản năng nhà báo và sự cắn rứt lương tâm
Máu chảy xuống khuôn mặt người phụ nữ khi cô nhìn quanh với vẻ đau đớn và hoảng sợ tột độ. Cô đánh mất một chiếc giày, còn áo sơ mi rách toạc sau những vụ đánh bom tại sân bay Zaventem. Chỉ trong một thời gian ngắn, bức ảnh đã trở thành hình ảnh biểu tượng của vụ tấn công khủng bố ngày 22/3. Cô Ketevan Kardava (36 tuổi) - một phóng viên của Truyền hình Gruzia - là tác giả của bức ảnh. Bức ảnh được đăng và chia sẻ khắp thế giới với tốc độ chóng mặt và xuất hiện trên trang nhất của nhật báo New York Times.
Phóng viên người Gruzia Ketevan Kardava
Kardava đang trên đường tới Geneva (Thụy Sĩ) để đưa tin về cuộc đàm phán giữa quan chức Nga và Gruzia thì vụ đánh bom ở sân bay Zaventem xảy ra. Cô đã chia sẻ câu chuyện: “Những cánh cửa và cửa sổ bắn tung lên không trung sau tiếng nổ. Bụi và khói bao trùm khắp nơi. Tôi sợ hãi khi chứng kiến cảnh hàng chục người xung quanh tôi cụt mất chân, ngã gục trên vũng máu. Tôi nhìn xuống chân mình, sốc và mừng khi chân mình còn lành lặn. Chưa tới một phút sau, vụ nổ thứ hai vang lên và mọi người chạy tán loạn... Tôi cũng muốn chạy tới một nơi an toàn nhưng tôi cũng muốn chụp ảnh. Tôi hiểu lúc ấy việc chụp những bức ảnh để thế giới biết chuyện gì đã xảy ra là điều quan trọng nhất vì tôi là nhà báo duy nhất tại hiện trường”.
Phóng viên Ketevan Kardava tại sân bay Zaventem
Hình ảnh đầu tiên mà Kardava chụp là cảnh hai người phụ nữ đẫm máu giữa một khung cảnh hỗn loạn, trong đó có một người phụ nữ với chiếc áo vest vàng. “Cô ấy bị sốc, không nói năng gì. Không khóc, không la hét. Cô ấy chỉ nhìn xung quanh với đôi mắt sợ hãi”, Kardava kể lại. Karvada không có thời gian hỏi tên người phụ nữ... rồi chạy vội đi chụp ảnh nạn nhân khác. Cô vừa chụp ảnh vừa la hét gọi cảnh sát, bác sĩ đến cứu giúp các nạn nhân...
Giờ được an toàn, lòng cô lại day dứt một điều rằng cô không giúp được gì cho các nạn nhân trong thời khắc hoảng loạn đó. Cô cũng tự hỏi mình sẽ làm thế nào khi tiếp tục sự nghiệp của một phóng viên ảnh. Cô đã sống ở Brussels 8 năm và gắn bó với nhiều thứ. Cô đã từng sang Paris để đưa tin về vụ khủng bố thời gian trước nhưng những trải nghiệm vừa qua giúp cô hiểu rằng chủ nghĩa khủng bố không có giới hạn... Tiếp tục ở lại  Brussels để làm việc, để tường thuật tình hình căng thẳng ở đây thì buộc cô sẽ phải quay lại sân bay Zaventem. “Tôi không dám tưởng tượng lúc tôi trở lại nơi đó, tâm trạng tôi sẽ ra sao. Đó là việc rất khó khăn với tôi”, cô thừa nhận.

Người thật bước ra từ bức ảnh biểu tượng
Nidhi Chaphekar (áo vàng) - Người đã tạo nên bức ảnh biểu tượng trong vụ khủng bố ở Bỉ ngày 22/3
Người phụ nữ với gương mặt loang lổ máu và người dính đầy tro bụi trong bức ảnh được xem là biểu tượng về sự dã man của vụ khủng bố ở thủ đô Brussels (Bỉ) đã được xác định là nữ tiếp viên hàng không Ấn Độ Nidhi Chaphekar. Bà mẹ hai con này đã làm việc cho hãng hàng không Mỹ Jet Airway 15 năm nay. Vào ngày định mệnh đó, cô là một trong 2 thành viên người Ấn Độ trong phi hành đoàn của chuyến bay thuộc hãng hàng không Jet Airway đi Newark (Mỹ).
Cũng giống nhiều người bị thương tại quần làm thủ tục an ninh của sân bay Zaventem, Chaphekar vừa tới nhà ga trước khi gặp các đồng nghiệp trên chuyến bay đi Newark (Mỹ) thì 2 vụ nổ xảy ra liên tiếp.
Bức ảnh về Chapekar tại sân bay Zaventem do phóng viên Ketevan Kardava  chụp nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Cô đã nhận được những lời cầu nguyện từ cộng đồng mạng.
Hãng hàng không Jet Airways cho biết cô đã dự kiến bay từ Brussels đi Newark trên chuyến bay lúc 10h15 sáng 22/3. Hãng này cũng xác nhận cô đang nằm viện điều trị những vết thương và đang bình phục.
Những cái nắm tay đoàn kết sau khủng bố
 
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ Vương Thừa Phong cho biết, Đại sứ quán đã liên hệ với cơ quan chính quyền nước sở tại, các hội đoàn của người Việt Nam, Tổng hội người Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam tại Bỉ cũng như bạn bè Bỉ để nắm thông tin về vụ khủng bố. Tuy nhiên, đến nay, Đại sứ quán chưa nhận được bất cứ thông tin nào về nạn nhân Việt Nam của vụ khủng bố. Chỉ có một cán bộ ngoại giao của sứ quán đi trên chuyến tàu điện ngầm khi tới bến gần trụ sở Liên minh châu Âu (EU) thì chuyến tàu bị đánh bom nhưng cán bộ này đã may mắn thoát nạn.
Ngoài việc tiếp tục liên hệ với các cơ quan chức năng để nắm tình hình, Đại sứ quán Việt Nam cũng khuyến cáo công dân của mình luôn luôn nâng cao cảnh giác, chấp hành đúng những khuyến cáo của chính quyền Bỉ về phòng chống khủng bố, đồng thời cũng đề nghị bà con khi có vấn đề gì thì cần phản ánh ngay đến Sứ quán để Sứ quán áp dụng các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết. Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ cũng công bố 2 số điện thoại đường dây nóng (0032.485.315.965 và 0032.498.352.442) để liên hệ trong trường hợp cần thiết.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm