pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người tiêu dùng đừng im lặng khi mua phải tour du lịch kém chất lượng
Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN
Những chính sách ưu đãi kích cầu trong đúng mùa cao điểm của du lịch nội địa đã thu hút lượng khách đổ dồn về các điểm du lịch, nghỉ dưỡng. Thay vì tận hưởng một kỳ nghỉ như mong muốn, nhiều du khách đã trải qua những ngày "hành xác" bởi điểm đến quá tải, chất lượng dịch vụ kém.
Không những thế, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra tình trạng người tiêu dùng bị lừa đảo, mua phải tour du lịch kém chất lượng, không đúng như quảng cáo, giới thiệu. Thậm chí, người tiêu dùng còn bị lừa mua tour du lịch để chiếm đoạt tài sản. Trong đó vụ Phòng vé máy bay có tên Anh Anh (Q. Ba Đình, Hà Nội) lừa đảo cộng tác viên và khách du lịch tới hàng chục tỷ đồng.
Thời gian này, cả nước đang quay lại trạng thái vừa nâng cao tinh thần phòng chống dịch Covid-19, vừa ổn định phát triển kinh tế. Nhiều điểm du lịch vẫn tiếp tục mở cửa đón các du khách trong dịp hè.
Nhưng thời gian này cũng tạo cơ hội nảy sinh nhiều hành vi lừa đảo khách du lịch. Tình trạng này đặt các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc để xử lý. Hệ thống Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã và đang làm gì để bảo vệ người tiêu dùng? Người tiêu dùng cần làm gì để quyền lợi của mình được bảo vệ khi bị xâm phạm?
PNVN đã có cuộc trò chuyện cùng ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về vấn đề này.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tôn chỉ, mục đích tối cao của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực du lịch, trước hết, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã và sẽ tiếp tục những việc làm thiết thực như tuyên truyền, cảnh báo người tiêu dùng những hành vi lừa đảo, gian dối trong bán tour giá rẻ bất thường, hay quảng cáo quá mức, không đúng thực tế, hòng câu khách, kể cả trường hợp lừa mua tour du lịch để chiếm đoạt tài sản.
Năm 2019, riêng đối với hình thức mới Sở hữu kỳ nghỉ, Văn phòng Tư vấn giải quyết khiếu nại Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tại Hà Nội đã giải quyết thành công 1 vụ khiếu nại về chất lượng dịch vụ không đúng như quảng cáo (với trị giá đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng là 20 triệu đồng). 1 vụ có tính chất lừa đảo nhiều khách hàng, đã chuyển cơ quan chức năng xử lý.
Đồng thời, Trung ương Hội đã có thông báo cho hệ thống 54 Hội thành viên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Tổ chức trực thuộc, Tổ chức thành viên, để tăng cường tuyên truyền, cảnh báo tới người tiêu dùng tại các địa phương. Từ đó, người tiêu dùng có ý thức cảnh giác, lựa chọn mua tour du lịch có chất lượng và an toàn.
Người tiêu dùng nên làm gì để tránh lâm vào tình cảnh tiền mất tật mang?
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, người tiêu dùng nên:
- Mua tour của các công ty có uy tín, quen thuộc.
- Có tìm hiểu, tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè trong việc lựa chọn và đặt mua tour.
- Không nên ham rẻ mà mua các tour có nghi ngại, quảng cáo kiểu "giá rẻ bất ngờ", "giá rẻ giật mình";
- Nên thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo của các cơ quan quản lý du lịch Trung ương và địa phương, các báo, tạp chí tin cậy, các tổ chức xã hội có uy tín, trong đó có các Hội bảo vệ người tiêu dùng.
Du khách hãy là "Người tiêu dùng thông thái" trong lựa chọn tour.
Nếu mua phải tour kém chất lượng, người tiêu dùng cần làm gì để quyền lợi của mình được bảo vệ?
Ông Vũ Văn Trung cho biết: Trong trường hợp quyền lợi bị xâm phạm, mua phải tour du lịch chất lượng không như cam kết, người tiêu dùng phải lên tiếng, không nên có tâm lý e ngại. Có lên tiếng thì các cơ quan, tổ chức mới biết để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cần mạnh dạn phản ánh, gửi đơn thư khiếu nại các hành vi tiêu cực, lừa đảo, xâm hại quyền lợi người tiêu dùng do các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch gây ra, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính bản thân mình.
Về phía Cơ quan Nhà nước, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công Thương (Tổng đài Tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng:18006838) và các Sở Công Thương tỉnh, thành phố đều có bộ phận chuyên trách bảo vệ người tiêu dùng.
Với tư cách tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng từ Trung ương đến các địa phương có các Văn phòng hoặc Người phụ trách Tư vấn giải quyết khiếu nại. Địa chỉ liên hệ: Trung ương Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Tầng 18 Tòa nhà LADECO, 266 Đội Cấn, Q.Ba Đình, Hà Nội. ĐT: 0243.227.2086. Email: hoibaoventdvn.org@gmail.com